Thanh Tùng, Trần Lập: Biểu tượng đẹp của “Giọt nắng” và “Bông hồng“

07:40, 21/03/2016

Thanh Tùng và Trần Lập ra đi để lại trong trái tim công chúng yêu âm nhạc Việt Nam nỗi buồn nhớ, tiếc thương và sự trân trọng.

"Giọt nắng bên thềm" - Thanh Tùng và "Bông hồng thủy tỉnh"- Trần Lập, họ thật đẹp, họ đành phải ra đi, nhưng tình yêu và khát vọng của họ đã để lại cuộc đời như những thông điệp cuộc sống vĩnh cửu. Sống là yêu thương, là thủy chung, là tình, là nghĩa... Sống là khao khát vươn tới những giá trị đẹp, là hướng về cộng đồng trong sự ấm áp sẻ chia…

 

3 ngày của trung tuần tháng Ba, 15-17/3/2016 giới âm nhạc và công chúng yêu nhạc Việt mất đi hai biểu tượng của hai dòng nhạc được giới trẻ yêu thích: Nhạc sĩ Thanh Tùng, người có công định hình diện mạo nền nhạc nhẹ Việt Nam; Nhạc sĩ- rocker Trần Lập, linh hồn của ban nhạc Bức Tường, một ban nhạc rock hàng đầu Việt Nam thuộc thể loại hard rock và power metal.

 

Cả hai có thể ví người ấm áp ngọt ngào như “giọt nắng bên thềm”, người đam mê cuồng nhiệt và nhiều khát khao như một “bông hồng thủy tinh”… Hai người đều có chung trái tim yêu mãnh liệt, người hướng nội, người hướng ngoại, nhưng đều mang đến công chúng, đến cộng đồng những cảm xúc mạnh, để tin yêu cuộc đời, để yêu thương nhau nhiều hơn, để luôn hướng về những vẻ đẹp Chân- Thiện- Mỹ cuộc đời.

 

“Để được sống với đam mê, dẫu có dại khờ…”

 

Mượn một câu hát trong ca khúc Những chuyền đi dài của Trần Lập và nhóm Bức Tường để nói về hai người nhạc sĩ vừa ra đi về “chân trời lạ”. Hai người, thuộc về những thế hệ khác nhau, dòng âm nhạc cũng khác nhau, cuộc sống cũng khác nhau, nhưng ở họ có một sự đồng điệu trong sâu thẳm tâm hồn.

 

Nhạc sĩ Thanh Tùng.

 

Nhạc sĩ Thanh Tùng, sinh năm 1948 tại Nha Trang, Khánh Hòa. 6 tuổi ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên, tốt nghiệp năm 23 tuổi.

 

Từ năm 1971- 1975 ông chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II. Sau 1975, ông vào sống tại TPHCM là người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TPHCM, khai sinh nhóm hợp ca “Những làn sóng nhỏ”. Ông còn là chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen.

 

Nhưng đặc biệt nhất, và ghi dấu ấn “Thanh Tùng” trong nền âm nhạc Việt Nam đương đại, ông là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời. Từ năm 1987 trở đi, trong quãng thời gian sáng tác đỉnh cao của ông, với khoảng hơn 30 bài, chủ yếu là tình ca, chưa phải là nhiều về số lượng, nhưng đa dạng về đề tài, và ca khúc nào cũng nổi tiếng, độ phủ sóng trong công chúng rất rộng.

 

Chuyện tình của biển, Chuyện cổ Nghi Tàm, Đếm lá ngoài sân, Em và tôi, Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mi mắt, Hát với chú ve con, Hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta, Hoa cúc vàng, Hoa tím ngoài sân, Hoàng hôn màu lá, Lối cũ ta về, Lời tỏ tình mùa xuân, Mưa ngâu, Một mình, Ngôi sao cô đơn, Phố biển, Trái tim không ngủ yên, Vĩnh biệt mùa hè, Một thoáng quê hương...

 

Màu sắc âm nhạc của Thanh Tùng thời đó trong âm nhạc Việt chưa hề xuất hiện. Khá mới và nhiều sáng tạo với ngôn ngữ nhạc rất Tây, rất khác biệt. Không chỉ vì tính mẫu mực mà còn là những tác phẩm có giá trị về văn học, cảm xúc. Chính điều đó đã đưa ông là người tiên phong, ngọn cờ đầu của nền nhạc nhẹ Việt Nam. Ông đã thổi vào nền âm nhạc Việt Nam đương thời một làn sóng mới mà trước đó chưa hề có.

 

Điều độc đáo và trở nên khác biệt của âm nhạc Thanh Tùng, tuy rất mới, rất Tây, nhưng lại rất gần gũi, phù hợp với thị hiếu thưởng thức âm nhạc của công chúng Việt. Vì thế bài nào vừa mới sáng tác và công diễn đều có sức lan tỏa rất rộng trong đời sống âm nhạc. Bài nào cũng trở thành “hit” chiếm lĩnh thị trường.

 

Ông cũng là người có công định hình diện mạo nền nhạc nhẹ Việt Nam, góp phần tạo ra một thế hệ “ca sĩ vàng” như Thanh Hoa, Ngọc Thúy, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh…

 

Rocker Trần Lập- linh hồn của nhóm nhạc Bức Tường, sinh năm 1974, quê Nam Định. Khởi nguồn từ đam mê một thể lọai âm nhạc rất khó “đứng” và khá xa lạ với công chúng Việt những năm của SV96- 2000 là hard rock, power metal, cho dù “dẫu có dại khờ” cũng quyết thỏa đam mê.

 

Nhạc sĩ Trần Lập.

 

Năm 1995 Trần Lập tập họp những người bạn có cùng đam mê, sở thích dòng nhạc này lập ra nhóm Bức Tường. Vất vả kiên trì theo đuổi đam mê rock, họ đã vượt ra khỏi sân chơi phong trào quần chúng để trở thành một nhóm rock Việt chuyên nghiệp. Độc hơn là đã tạo ra phong cách riêng, con đường âm nhạc riêng mà đến giờ chưa có nhóm rock Việt nào thay thế hay vượt qua.

 

Tính từ Album đầu tay năm 2001 Tâm hồn của đá, 15 năm nay Trần Lập cùng Bức Tường không chỉ chinh phục trái tim công chúng, đặc biệt là công chúng thế hệ 8X, 9X, mà họ đã thành công đi trên con Đường đến ngày vinh quang, đóng góp cho âm nhạc Việt Nam nhiều hình thức thể hiện mới.

 

Trần Lập thể nghiệm thành công khi đưa nhạc dân gian Việt Nam vào rock, tiêu biểu như Bài ca sông Hồng sử dụng âm thanh của đàn tính, mang âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ, Ra khơi thổi làn gió mới vào dân ca Nam Bộ theo điệu Lý kéo chài.

 

Những sáng tác mang tính sử thi theo truyện cổ tích dân gian như Người đàn bà hóa đá ( Sự tích Nàng Tô Thị), Chuyện tình của Thủy Thần (truyện Sơn Tinh Thủy Tinh), Dấu vết nghiệt ngã (chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa)... không chỉ ghi dấu ấn giọng ca Trần Lập đầy cá tính vào làng rock Việt đương đại, để anh trở thành một rocker hàng đầu ở Việt Nam, như một “đỉnh cao” để các rocker khác ngưỡng mộ mà còn đóng góp vào dòng âm nhạc Việt đương đại những thành công trong sáng tạo nghệ thuật.

 

Đại bàng khuất sau bầu trời mà đôi cánh vẫn đang giang rộng mãi…

 

Mượn lời của nhà văn Trần Hữu Việt để nói đến sự ra đi của hai nhạc sĩ Thanh Tùng và Trần Lập. Họ đi về “chân trời lạ”, cũng phải đến lúc giã biệt cõi tạm, giã biệt trần thế, nhưng những ca khúc mà họ đã thổi hồn vào giai điệu đã ở lại và sẽ còn lay động trái tim hàng triệu công chúng.

 

Những người trẻ thế hệ 8X, 9X trong các phong trào tập thể hay dã ngoại có lẽ khó quên những giai điệu rực lửa khát vọng của Đường đến ngày vinh quang, Tâm hồn của đá, Trở về... của Trần Lập.

 

Âm nhạc của Trần Lập cùng Bức Tường như làn sóng cảm hứng bất tận với thời gian, không chỉ vì giai điệu vừa sâu lắng đam mê, vừa mạnh mẽ máu lửa, mà còn bởi ca từ nhiều ý nghĩa, giàu tính nhân văn, luôn hướng con người đến ước mơ, khát khao vào mục tiêu tốt đẹp trong cuộc sống.

 

Chúng ta hãy đừng sống vô cảm, đừng lạnh lùng với nhau. Lần cuối cùng Trần Lập đứng trên sân khấu là trong liveshow Đôi bàn tay thắp lửa hôm 16/1/2016 tại Hà Nội, khi anh biết quỹ thời gian của mình không còn nhiều, nhưng vẫn muốn làm một điều gì cho cộng đồng, nâng cao nhận thức xã hội về căn bệnh ung thư- căn bệnh có thể xem đang là thảm họa ở Việt Nam với một thống kê đầy cảnh báo: 10 năm/ 1 triệu người Việt chết vì ung thư.

 

Đến những ngày cuối đời, Trần Lập- rocker rực lửa đam mê vẫn giữ một tinh thần lạc quan. Ý chí kiên cường, nghị lực và lạc quan với cuộc sống vẫn luôn tràn đầy trong anh, cả ở đời sống riêng lẫn âm nhạc.

 

Và có lẽ điều tốt cuối cùng anh trực tiếp mang đến cuộc đời, chính là niềm tin vào cuộc sống cho các trẻ em bệnh ung thư, không chỉ là số tiền thu được sau đêm liveshow mà còn là tinh thần luôn hướng về phía trước của anh như ngọn lửa không bao giờ tắt..

 

Ở tuổi 68, nhạc sĩ Thanh Tùng cũng thanh thản ra đi để không còn “một mình”. Và điều ông làm trái tim công chúng rung động, để mọi người sống và yêu thương nhau đến khi có thể chính là những ca khúc về tình yêu, về cuộc đời ông để lại, như quà tặng… Cách xa đâu là lãng quên, để nhớ thương nhuộm hồng trái tim....

 

Những ca khúc của ông dường như đã ở đó rất lâu trong trái tim mọi người. Cảm giác thân quen đến kỳ lạ, khi bắt gặp giai điệu của ca khúc và dễ dàng hát theo, cứ như – hình như ca khúc của ông chính là tiếng nói trái tim của chính mình.. Để rồi không thể không yêu hơn cuộc đời, cho dù có trải qua những thất bại, những đắng cay…

 

Hình như ai cũng đều có thể bắt gặp mình trong những ca khúc của ông. Sự tinh tế của từng câu chữ đậm chất thơ và giai điệu nhẹ nhàng, tươi tắn trong các ca khúc của Thanh Tùng đã biến mọi thứ đẹp long lanh. Cho dù là một nỗi buồn, một sự day dứt, một nỗi ám ảnh, và cả thất tình, cả nỗi cô đơn, xót xa... thì ca khúc của ông vẫn mang nét đẹp.

 

Nét đẹp như một Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mi mắt , Hoàng hôn màu lá… Để có thể lắng sâu tâm hồn, nghe những nhịp đập thổn thức, xốn xang của trái tim. Có thể rưng rưng nước mắt, có thể nước mắt rơi, có thể mỉm cười nhẹ nhàng, có thể nôn nao xao xuyến, có thể hồn nhiên vui như trẻ thơ… khi câu hát nào đó của Thanh Tùng cất lên.

 

Họ đã ra đi. Một chuyến đi thật đẹp, một “Giọt nắng bên thềm”, một “Bông hồng thủy tinh” để lại trong trái tim công chúng yêu âm nhạc Việt Nam một nỗi buồn nhớ, tiếc thương và cả sự trân trọng đáng kính.

 

Vì những gì họ để lại cho cuộc đời chính là vẻ đẹp của Chân- Thiện- Mỹ.

“Chợt thấy hư vô trong đời

Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi

Chỉ là... thế thôi..."./.