Thu hút và phát huy hiệu quả tài trợ quốc tế dành cho du lịch Việt Nam

15:04, 04/03/2016

Tính đến nay, du lịch nước ta đã nhận được sự trợ giúp của hơn mười tổ chức nước ngoài uy tín với hàng chục dự án đã và đang được triển khai ở nhiều lĩnh vực. Song để phát huy hiệu quả nguồn tài trợ này, cần có nhiều biện pháp điều phối, kết hợp các tổ chức một cách hiệu quả.

Những năm gần đây, “du lịch xanh”, “du lịch bền vững”, “du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” là những cụm từ ngày càng trở nên phổ biến bởi đây là xu hướng của du lịch toàn cầu, nhất là khi biến đổi khí hậu đang trở thành nỗi lo của toàn nhân loại. Trong nỗ lực chung nhằm phát triển du lịch thế giới theo hướng chuyên nghiệp và ngày càng thân thiện với môi trường, một số tổ chức ở các quốc gia phát triển đã dành nguồn ngân sách nhất định để hỗ trợ phát triển du lịch cho các quốc gia giàu tiềm năng, trong đó có Việt Nam.

 

Đây là biện pháp vừa giúp quốc gia được tài trợ hưởng lợi, vừa giúp đơn vị tài trợ quảng bá thương hiệu, hình ảnh một cách tích cực và nâng tầm ảnh hưởng. Đó cũng là lý do tại sao thời gian qua, Việt Nam cùng một số quốc gia khác có được các dự án tài trợ phát triển du lịch từ những tổ chức quốc tế.

 

Ở nước ta, lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và quy hoạch du lịch được tài trợ bởi các dự án: Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể, Quy hoạch đảo Phú Quốc, Xây dựng Luật Du lịch (Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp quốc - UNWTO); Nghiên cứu phát triển du lịch 11 tỉnh ven biển Trung Bộ (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA); Triển khai Luật Du lịch nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, Quy hoạch du lịch Huế (Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Tây Ban Nha - AECID); Tư vấn phát triển du lịch sinh thái (Tổng cục Du lịch Hàn Quốc - KTO)… Trong phát triển sản phẩm du lịch có các dự án: Phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, homestay tại Sa Pa (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN, Tổ chức phát triển Hà Lan - SNV); Định hướng quản lý và phát triển du lịch tại các khu vực có di sản thế giới ở Việt Nam (AECID); Tăng cường hoạt động du lịch trong các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam (Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO, Lucxembourg); Chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững tỉnh Quảng Nam (UNESCO); Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Công mở rộng (Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB)… Về hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch là các dự án: Xây dựng thương hiệu khu vực Tây Bắc (SNV); Xây dựng kế hoạch marketing du lịch Việt Nam giai đoạn 2008-2015 (AECID); Sáng kiến đối với việc hội nhập ASEAN (Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức - GIZ)… Trong đầu tư phát triển hạ tầng du lịch là dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch vì mục tiêu tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng (ADB)…

 

Tiêu biểu nhất phải kể tới Dự án EU do Liên minh châu Âu tài trợ, đối tác chiến lược lớn nhất của du lịch Việt Nam trong suốt hơn 12 năm qua. Tổ chức này đã tài trợ 20 triệu ơ-rô cho các dự án đào tạo nhân lực du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường năng lực; đồng thời củng cố vững chắc nền tảng phát triển bền vững, toàn diện và có trách nhiệm với môi trường, xã hội của ngành du lịch Việt Nam. Có thể thấy, sự hỗ trợ liên tục và mạnh mẽ những năm qua của các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ đã giúp du lịch Việt Nam tháo gỡ nhiều thách thức để phát triển và hội nhập, nhất là khi nguồn đầu tư trong nước cho du lịch còn thấp, lại bị sử dụng dàn trải, khó tập trung. Bên cạnh đó, việc tài trợ cho du lịch Việt Nam thông qua các dự án cụ thể, thiết thực với sự tư vấn, vào cuộc của các chuyên gia nghiên cứu du lịch trên thế giới còn giúp mang đến nhiều hỗ trợ kỹ thuật, bài học kinh nghiệm cho du lịch Việt Nam. Điều này đặc biệt đáng quý khi du lịch nước ta hiện vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức đối với sự phát triển, nhất là ở năng lực cạnh tranh của điểm đến và tính bền vững.

 

Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn tình trạng nhiều dự án tài trợ quốc tế cho du lịch Việt Nam xuất hiện theo hướng mạnh ai nấy làm. Dù số lượng các dự án, chương trình tài trợ cho du lịch Việt Nam không ít song hiện không có một cơ quan, tổ chức nào giữ vai trò điều phối, tổng hợp kết quả, chia sẻ kiến thức cho các dự án, chương trình sau đó để kế thừa và phát triển những kết quả đã thực hiện. Trừ các dự án tài trợ lớn được thỏa thuận từ cấp Chính phủ, phần lớn các dự án khác đều là kết quả từ sự chủ động kết nối của các tổ chức quốc tế với địa phương hoặc ngược lại, dựa trên tình hình cụ thể. Do đó, mới đây, Dự án EU đã đề xuất tổ chức một buổi hội thảo nhằm phối hợp hành động của những nhà tài trợ quốc tế cho du lịch Việt Nam, từ đó xác định vai trò và trách nhiệm của từng bên liên quan, thống nhất về cơ chế hợp tác để tránh bị trùng lặp hoạt động và lãng phí nguồn lực, bảo đảm đạt được các mục tiêu chung theo hướng bền vững.

 

Các nhà tài trợ cũng thống nhất rằng, để các nguồn lực hỗ trợ du lịch Việt Nam phát huy kết quả tốt nhất, Tổng cục Du lịch cần thể hiện vai trò là đầu mối trong việc cung cấp thông tin, kết nối nhu cầu hỗ trợ ở các vùng, miền, địa phương đối với các nhà tài trợ. Theo đó, đơn vị quản lý về du lịch cần nắm được thông tin định kỳ về các lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong du lịch của các nhà tài trợ có nhu cầu và tiềm lực tài chính mạnh; từ đó kêu gọi tài trợ, đầu tư nước ngoài thông qua đề xuất các dự án, nghiên cứu tiền khả thi. Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, để thu hút nhiều hơn các nguồn tài trợ quốc tế cho du lịch Việt Nam và kết nối các nhà tài trợ lớn, sắp tới, Tổng cục sẽ xúc tiến chủ trì thực hiện ngay một diễn đàn du lịch quốc tế của các nhà tài trợ. Dự kiến, diễn đàn sẽ được tổ chức vào tháng 5-2016 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án EU và sự tham gia của đông đảo các hiệp hội, tổ chức, nhà tài trợ quốc tế và trong nước. Diễn đàn sẽ là nơi kết nối, chia sẻ thông tin, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, tài trợ mới cho du lịch Việt Nam, hướng tới những chủ đề đang được các nhà tài trợ quốc tế quan tâm hàng đầu như: áp dụng tiêu chuẩn xanh trong hoạt động du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực phục vụ tàu thủy du lịch; giải pháp hài hòa tiêu chuẩn nghề du lịch của ASEAN...