Rạng sáng 27-3 (tức 19/2 Âm lịch năm Bính Thân), tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trang trọng tổ chức Lễ tế Xã Tắc, thu hút đông đảo khách du lịch và nhân dân đến dự.
Lễ tế Xã Tắc là một nghi lễ truyền thống rất quan trọng ở nước ta trước đây nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, thiên hạ thái bình. Các triều đại độc lập ở Việt Nam, từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến nhà Nguyễn đều cử hành Lễ tế Xã Tắc vào mùa Xuân hàng năm và luôn xem đây là Quốc lễ.
Dưới triều Nguyễn, Đàn Xã Tắc được xây dưới thời vua Gia Long vào tháng 4 năm 1806 để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc). Lúc xây Đàn, triều đình nhà Nguyễn đã huy động tất cả dinh trấn trong cả nước cống nạp đất sạch để đắp. Trước đây, Đàn được tổ chức tế lễ mỗi năm hai lần, vào mùa Xuân và mùa Thu, và Lễ tế Đàn Xã Tắc được xếp vào hàng "đại tự", đích thân nhà vua đến làm lễ. Vì thế, cả 13 đời vua Nguyễn nói chung đều thân hành đến làm chủ lễ ở đàn Xã Tắc.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Trải qua thời gian cùng các biến động lịch sử, chỉ duy nhất tại Cố đô Huế hiện nay còn bảo tồn được Đàn tế Xã Tắc bên trong Kinh thành Huế và là một công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Vị trí Đàn Xã Tắc hiện nằm tại phường Thuận Hòa, thành nội Huế, trong ô phố giới hạn bởi 4 mặt: mặt Bắc - đường Ngô Thời Nhiệm, mặt Nam - đường Trần Nguyên Hãn, mặt Đông - đường Trần Nguyên Đán, mặt Tây - đường Nguyễn Cư Trinh.
Lễ tế Xã Tắc, với tính chất là một nghi lễ cung đình, đã được nghiên cứu và phục hồi thành công và trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với mục đích đáp ứng nguyện vọng của người dân luôn mong mỏi được dâng hương cầu nguyện, cùng đồng cảm trong hoài vọng quốc thái dân an, phong điều vũ thuận đem lại hạnh phúc cơm no, áo ấm cho nhân dân, Lễ tế Xã tắc đã được tổ chức tái hiện lần đầu tiên vào năm 2008. Từ đó đến nay, Lễ tế Xã Tắc được tổ chức hàng năm vào dịp Xuân, và đã nhận được sự đánh giá cao của dư luận và giới chuyên môn.
Năm nay, Lễ tế Xã Tắc được tổ chức dựa theo các nghi thức truyền thống đã được nghiên cứu và điều chỉnh theo hướng tinh gọn, vừa trang trọng, lại vừa phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay..../.