Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

09:49, 04/04/2016

Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) rất phong phú và giàu bản sắc, đã góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong sự thống nhất. Từ nhiều năm nay, việc bảo tồn và phát huy văn hóa các DTTS được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến các địa phương. Tuy nhiên, công tác này hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao tính hiệu quả.  

Khó khăn và thách thức

 

Vùng miền núi và DTTS đang còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, bị chia cắt lớn; cơ sở vật chất hạ tầng lạc hậu, kinh tế chậm phát triển; địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt, không tập trung, đồng bào chủ yếu sống xa trung tâm, tiếng nói, tập quán không giống nhau; đời sống vật chất và tinh thần còn thấp kém, nguy cơ tụt hậu và mất dần bản sắc văn hóa ở một số dân tộc là đáng lo ngại. Do vậy, sự chênh lệnh về trình độ phát triển giữa vùng DTTS và miền núi với các khu vực khác trong cả nước ngày càng có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng những khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm gây chia rẽ, mất đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, làm mất ổn định về chính trị, an ninh, quốc phòng.

 

Theo Vụ trưởng Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hoàng Đức Hậu, văn hóa truyền thống của một số DTTS hiện nay đang có nguy cơ bị mai một biến dạng. Di sản văn hóa của đồng bào chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức, việc phát triển những giá trị mới còn nhiều hạn chế, thiếu bền vững. Văn hóa truyền thống các DTTS đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết thật sự tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, hàng nghìn buôn, bản, làng truyền thống với giá trị văn hóa tiêu biểu cho các dân tộc đang có nguy cơ biến mất hoặc biến dạng cần được hướng dẫn, hỗ trợ để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, nhưng trước hết phải thấy sự quan tâm của các ngành, các cấp về bảo tồn và phát triển văn hóa chưa thật sự sâu sát, đồng bộ. Sự đầu tư của Nhà nước để xây dựng thiết chế văn hóa còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các DTTS tuy đã từng bước được thể chế hóa nhưng từ chủ trương, chính sách cho đến việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khoảng cách, trong đó, khâu chỉ đạo điều hành thiếu sự thống nhất cao. Bên cạnh đó, việc giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh. Cùng với sự bùng nổ thông tin nhờ công nghệ hiện đại, sản phẩm văn hóa từ khắp nơi cũng tràn đến núi rừng. Trong lúc việc bảo tồn chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu thì việc tiếp thu văn hóa mới lại thiếu chọn lọc, chính vì vậy đã gây ảnh hưởng xấu tới văn hóa truyền thống các DTTS. Đồng bào các dân tộc ít mặc trang phục truyền thống, không còn say mê bài hát, điệu nhảy âm nhạc của dân tộc mình. Quá trình đô thị hóa cũng làm mất dần nhà sàn, nhà rông, nhà dài...

 

Thực hiện các giải pháp “đến nơi, đến chốn”

 

Đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các DTTS, nhưng thực tế chưa đạt được kết quả mong muốn. Trước hết đòi hỏi nhận thức sâu sắc về vấn đề này từ các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà nghiên cứu và cộng đồng. Nếu như mọi người chưa thấy rõ sự cấp thiết của công tác bảo tồn và phát huy thì mọi giải pháp khó thực hiện đến nơi đến chốn. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Cao Văn Chư cho rằng: Nhiều người đề ra rất nhiều giải pháp và có thể có những giải pháp hay, tuy nhiên mọi lời giải đều quy về vấn đề nhận thức. Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa DTTS ở nước ta, giải pháp nhận thức là căn cốt nhất. Từ nhận thức được giá trị, vai trò của di sản văn hóa này, chính cộng đồng sẽ biết mình phải làm gì để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

 

Kiểm kê di sản văn hóa của đồng bào các DTTS là một trong những giải pháp lớn, nhưng là công việc vô cùng khó khăn, tốn nhiều thời gian công sức, đặc biệt cần đến nhiệt huyết của chính quyền các địa phương và những nhà nghiên cứu. Thời gian qua, công tác kiểm kê di sản đã có một số kết quả cụ thể. Đã có bảy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS được lựa chọn, dự kiến xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Mặc dù vậy, nhìn chung, đội ngũ làm công tác kiểm kê, quản lý văn hóa dân tộc còn yếu và thiếu, trình độ không đồng đều, thiếu am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào DTTS. Ngày càng thấy rõ làm công tác văn hóa dân tộc vùng núi không chỉ cần đến tiền của, kinh phí mà rất cần đến những con người giỏi chuyên môn và giàu tình yêu, tâm huyết với di sản văn hóa DTTS. Chính vì thiếu phẩm chất đó, đã xảy ra tình trạng sách, ấn phẩm cứ ào ào đưa lên vùng cao mà không có sự tìm hiểu, đánh giá sự tiếp nhận của đồng bào như thế nào, cho nên kém tác dụng và gây lãng phí lớn. Hằng năm, ngành văn hóa đều tổ chức hội nghị, hội thảo gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân các DTTS có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa (gần đây còn có sự tham gia của các văn nghệ sĩ, các NSND, NSƯT là người DTTS) nhằm bàn về những giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các DTTS, nhất là những dân tộc rất ít người. Nhưng để nguồn nhân lực quý này phát huy tác dụng rất cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, tránh tình trạng bàn rất nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu.

 

Nhà thơ Lê Tuấn Lộc, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam nêu kiến nghị, do rất nhiều di sản văn hóa DTTS đã và đang còn nằm trong các sưu tập cá nhân và gia đình, cho nên Nhà nước cần có chính sách và quy định cụ thể để khuyến khích việc bảo tồn và gìn giữ các di sản cá nhân, các di cảo của các nhà văn hóa sau khi họ đã mất. Họa sĩ Chế Kim Chung, dân tộc Chăm kiến nghị: Cần tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến các loại hình nghệ thuật thơ ca, âm nhạc, nhất là các điệu múa, đồng thời việc dạy ngôn ngữ chữ viết dân tộc Chăm cần đưa vào bậc học cao hơn ngoài bậc tiểu học; đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật của các tác giả người DTTS vào sách giáo khoa, tạp chí...

 

Các địa phương đang thực hiện đề án “Bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó có những giải pháp rất cụ thể. Chỉ có thực hiện các giải pháp đến nơi đến chốn thì các di sản văn hóa của các DTTS mới được giữ gìn và phát huy có hiệu quả.