Diễn ra tại xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) vào ngày mai (27-4), Ngày hội văn hóa - Thể thao dân tộc Mông lần thứ Ba của huyện Đồng Hỷ sẽ có sự tham gia của trên 250 người Mông tiêu biểu góp phần bảo tồn, tái hiện các giá trị văn hóa của đồng bào Mông trên địa bàn.
Ông Đàm Thế Nhàn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Hỷ cho biết: Người dân tộc Mông trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có gần 530 hộ, với gần 2,7 nghìn nhân khẩu sống tập trung ở 9 xóm, bản thuộc 3 xã Tân Long, Văn Lăng, Quang Sơn. Đồng bào Mông ở Đồng Hỷ có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên, phần lớn những nét văn hóa đó chưa được nhiều người biết đến. Thậm chí, một số nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán hiện đang dần bị mai một. Các loại nhạc cụ phục vụ cho các hoạt động văn hóa dân gian như khèn trúc, kèn lá không còn được chế tạo và lưu giữ; các lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu như Lễ hội Gầu tào, Mừng lúa mới... cũng không còn được tổ chức. Hiện, người Mông trên địa bàn chỉ còn lưu giữ được trong đời sống hàng ngày tiếng nói của dân tộc; cách nấu món Mèn mén, Thắng cố; nuôi chim họa mi... Trước tình hình đó, cùng với nguyện vọng tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông của rất nhiều đồng bào, chúng tôi đã triển khai tổ chức Ngày hội lần thứ Ba để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Theo đó, những hoạt động chính trong Ngày hội lần này dự kiến sẽ là: Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông; thi và biểu diễn văn nghệ quần chúng; thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian (tung còn, chọi chim họa mi, đánh cù, kéo co, đẩy gậy); văn hóa ẩm thực dân tộc (Thắng cố, Mèn mén)… Đến thời điểm này, huyện Đồng Hỷ đã chuẩn bị chu đáo các phần việc cho Ngày hội.
Chị em trong xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn nấu món Thắng cố và Mèn mén của dân tộc.
Thời điểm này, tại khu vực Nhà văn hóa xóm Quang Sơn, nơi sẽ tổ chức Ngày hội, chúng tôi chứng kiến sự khẩn trương của Ban Tổ chức và bà con nơi đây trong chuẩn bị các phần việc cho Ngày hội. Cùng với các pa nô, áp phích rực rỡ tuyên truyền về bầu cử trên tuyến đường chính dẫn vào xóm còn có những chiếc băng rôn đỏ tươi giới thiệu về Ngày hội. Khu vực sân Nhà văn hóa và sân vận động dự kiến là nơi diễn ra các phần thi đã được vệ sinh sạch sẽ, chăng dây, cắm cờ từng khu vực. Trong tiếng nói cười vui tươi, bà con đang tích cực làm cổng chào, chuẩn bị cây làm phông chính cho khu vực sân khấu. Đồng chí Lê Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn cho biết: Để chuẩn bị cho Ngày hội, bên cạnh họp bàn và thực hiện ngay các phần việc liên quan đến chuẩn bị mặt bằng thì xã Quang Sơn đã vận động, lựa chọn gần 100 người Mông tiêu biểu tham gia biểu diễn, dự thi. Sau quá trình luyện tập, đến thời điểm này, Đội thi của xã đã tự tin và chuẩn bị tốt các phần thi của mình. Được biết trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông lần trước, Đội thi của xã Quang Sơn đã được giải Nhất ở phần thi ẩm thực. Tham dự thi lần này, các bà, các chị trong Đội thi cũng thêm phần tự tin hơn khi giới thiệu về món ăn mình sẽ mang đến Ngày hội, đó là món Mèn mén và Thắng cố, hai món ăn độc đáo của người Mông.
Chị Sầm Thị Vàng, tham gia trong Đội thi của xã cho biết: Làm được 1 mẻ Mèn mén mất từ 2 đến 3 giờ đồng hồ, qua nhiều công đoạn và phải có kinh nghiệm trong điều chỉnh lượng nước và nhiệt độ lửa. Hạt ngô xay thành bột, sàng vỏ, cho thêm chút nước, đảo đều đến khi bột ngô tơi ra rồi đặt vào chõ gỗ đồ chín lần đầu. Sau đó, bột ngô được dỡ ra nia, đảo tơi, rồi tiếp tục đặt vào chõ đồ lần thứ 2 cho bột chín hẳn. Khi bột ngô chín, tơi không vón cục, mùi thơm lan tỏa, nếm thử thấy ngô có độ dẻo, bùi ngọt, đậm đà thì chính là đã thành công món Mèn mén. Hiện nay, Mèn mén là một trong những món ăn truyền thống vẫn còn sử dụng nhiều trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đến với Ngày hội, chúng tôi muốn mang đến cho bạn bè biết đến món ăn này như một nét đẹp trong ẩm thực của dân tộc mình.
Còn bác Sùng Văn Sinh, người Mông, bản Lân Quan, xã Tân Long mong muốn biểu diễn những bài khèn của dân tộc để góp phần giữ gìn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Bác cho biết: Với đồng bào Mông, cây khèn và các điệu khèn truyền thống của dân tộc được coi là một tài sản tinh thần vô giá. Đây là loại nhạc cụ có từ xa xưa và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa cũng như đời sống tâm linh của người Mông. Khác với nhiều nhạc cụ âm nhạc dân gian khác, cây khèn khi thổi ra hay hít vào thì tất cả các ống đều phát ra âm thanh cùng lúc, tùy theo người thổi mà có thể cao vút trong trẻo, có thể trầm thấp mạnh mẽ… với làn điệu thiết tha, dìu dặt, trầm bổng đặc trưng. Tôi nghĩ, mình là người Mông, phải có bản sắc văn hóa riêng, để không hòa lẫn với dân tộc khác. Vì vậy, tham dự Ngày hội, tôi mong muốn được biểu diễn các điệu khèn đặc sắc của dân tộc mình cho con cháu, bạn bè nghe và qua đó, góp phần giữ gìn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…