Khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch

13:54, 25/04/2016

Du lịch là một trong những tiềm năng lớn, một lợi thế so sánh của tỉnh ta. Không chỉ về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch với nhiều thắng cảnh đặc trưng của vùng Việt Bắc, mà Thái Nguyên còn sở hữu hệ thống các điểm di tích lịch sử cách mạng, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn...

Những năm gần đây, doanh thu du lịch trên địa bàn tỉnh hàng năm tăng từ 10-15%; lưu trú du lịch tăng từ 18-20%, lượng khách du lịch nội địa tăng 8-10%, khách du lịch quốc tế tăng trên 5%. Năm 2015, tổng số khách đến Thái Nguyên đạt 1.930.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 65.000 lượt; tổng doanh thu toàn xã hội về các dịch vụ du lịch đạt 1.528 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 185 tỷ đồng…

Thái Nguyên là một địa danh nổi tiếng anh dũng, kiên cường trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Nơi đây còn có Khu công nghiệp Gang thép - cánh chim đầu đàn của ngành Công nghiệp luyện kim cả nước trong những năm 60 của thế kỷ XX. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), Thái Nguyên bước vào công cuộc kiến thiết, xây dựng và phát triển. Đến nay, với những chủ trương, định hướng đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự điều hành linh hoạt của chính quyền các cấp, sự tham mưu trách nhiệm của các sở, ngành, tỉnh ta đã và đang giành được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực phát triển du lịch. Những thành công đó là kết tinh của sự đoàn kết, thống nhất giữa các cấp, ngành, các thành phần kinh tế, trong đó có ngành Du lịch của tỉnh nhà.

 

Du khách quốc tế tham gia du lịch trải nghiệm tại vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên).

 

Những năm gần đây, nhiều dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các khu, điểm du lịch trọng điểm, điển hình là Dự án xây dựng Khu du lịch hồ Núi Cốc với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, mục tiêu của Dự án xây dựng phát triển đạt các tiêu chuẩn của khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, kết nối với các khu di tích lịch sử: An toàn khu Định Hóa, Di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), Khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn), tạo thành mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội, phấn đấu trở thành quần thể khu du lịch mang tầm quốc gia, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới. Thái Nguyên đã và đang đầu tư nhiều khu, điểm du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế; tạo điều kiện khuyến khích hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch. Công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch được quan tâm; công tác đào tạo, đào tạo lại lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch được đẩy mạnh. Việc khai thác, phát huy các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh ngày càng được chú trọng, tích cực trong liên kết vùng, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt là liên kết với Thủ đô Hà Nội. Nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch có quy mô vùng, khu vực và quốc gia được tổ chức tại Thái Nguyên thành công, tạo ấn tượng tốt đẹp và thu hút đông đảo du khách, góp phần quan trọng thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh nhà phát triển. Đặc biệt, trong nhiều năm qua tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công Festival Trà Thái Nguyên, đây thực sự trở thành sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, từng bước mở rộng giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; góp phần thúc đẩy phát triển ngành Chè, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trà và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Du khách tham quan Khu du lịch hồ Núi Cốc

 

Trong điều kiện hiện nay, Thái Nguyên vừa có lợi thế nhưng đồng thời cũng còn nhiều thách thức, đứng trước yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ để phát huy mọi nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Du lịch là một trong những tiềm năng lớn, một lợi thế so sánh của Thái Nguyên. Không chỉ ở điều kiện tự nhiên với nhiều thắng cảnh đặc trưng của vùng Việt Bắc mà Thái Nguyên còn sở hữu một hệ thống các điểm di tích lịch sử cách mạng, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

 

Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai) là một trong những điểm đến lý tưởng của du khách.

 

Chúng ta vui mừng trước những thành tích chung của ngành Du lịch, song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng du lịch tỉnh ta còn thua kém nhiều tỉnh trong khu vực và trong cả nước. Vậy tồn tại ở đâu, yếu kém ở đâu? Câu hỏi này được đặt ra không chỉ với ngành Du lịch, mà cả hệ thống chính trị, bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, mỗi cán bộ, nhân viên ngành Du lịch, mỗi tài xế taxi, xe ôm, cảnh sát giao thông, những người đầu bếp… phải có cái tâm của người làm du lịch, phải có thái độ lịch sự, chân tình, cởi mở và tâm huyết với công việc của mình, dù thực tế còn nhiều khó khăn, những vấn đề về kỹ năng du lịch, về chế độ tiền lương, về hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, về điều kiện và môi trường làm việc, về ý thức hệ mang tính truyền thống… vẫn đang là rào cản rất lớn đối với ngành Du lịch của Việt Nam nói chung và của Thái Nguyên nói riêng, nhưng trước hết ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần có những giải pháp vừa trước mắt vừa lâu dài để tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có những quyết sách đúng đắn, phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực này…

 

Với những giá trị truyền thống của một tỉnh ATK anh dũng, thủy chung, nghĩa tình và thân thiện, tin tưởng rằng trong năm 2016 và những năm tiếp theo, ngành Du lịch tỉnh sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Thái Nguyên ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, trở thành một trong những tỉnh giàu có ở miền Bắc nước ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn khi Người về thăm Thái Nguyên.