Khi Thông tư không “nghe” Nghị định

09:08, 17/04/2016

Thông tư 01/2016 TT-BVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) vừa ban hành, hướng dẫn thực hiện Nghị định 15/2016/NĐ-CP (NĐ15) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP (NĐ79) đang gây nhiều bức xúc cho giới nhạc sĩ và các nhà chuyên môn trong quy định về điều kiện cấp phép biểu diễn được cho là trái với NĐ15; gạt bỏ quyền lợi chính đáng của tác giả âm nhạc.  

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

 

Phải khẳng định rằng, NĐ15 được Chính phủ ban hành ngày 15-3-2016 đã góp phần lấp những “lỗ hổng” của NĐ79, tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn trong công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vốn luôn có nhiều biến động phức tạp. Với giới nhạc sĩ Việt Nam, Nghị định sửa đổi này được đặc biệt chào đón bởi lần đầu tiên, quyền tác giả, một quyền cơ bản trong quan hệ dân sự được chính thức công nhận trong những quy định pháp lý về NTBD. Cụ thể, ở phần sửa đổi, bổ sung Điều 9 về Thẩm quyền và thủ tục cấp, thu hồi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, Nghị định nêu rõ, đơn vị tổ chức muốn được cấp phép thì ngoài các văn bản cần thiết, còn bắt buộc phải có “Một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Như vậy, có thể hiểu, dù là văn bản cam kết, hợp đồng hay thỏa thuận thì một trong các loại văn bản này cũng phải được ký với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

 

Quy định này khi được phổ biến đã mang đến niềm vui lớn cho giới làm nghề, nhất là những nhạc sĩ thường xuyên bị “quỵt” tiền tác quyền âm nhạc. Họ thở phào nhẹ nhõm, bởi từ nay có thể giải tỏa nỗi lo những “đứa con tinh thần” bị khai thác một cách bừa bãi, vô tội vạ. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), người đã hơn chục năm nay đau đầu chạy theo các tổ chức, cá nhân đòi quyền lợi cho các nhạc sĩ ủy quyền cho biết, lâu nay, dù nỗ lực vất vả đến mấy cũng chỉ có thể thu về khoảng 15% phí tác quyền. Quy định nêu trên sẽ khiến việc thực thi pháp luật chặt chẽ hơn, các nhạc sĩ sẽ có quyền quyết định số phận tác phẩm của mình và công việc của VCPMC cũng thuận lợi hơn. Theo ông Phương, quy định này được thực hiện nghiêm, sẽ giảm được 70 đến 80% tỷ lệ trốn bản quyền.

 

Tuy nhiên, niềm vui, sự kỳ vọng ấy kéo dài chưa đầy 10 ngày đã bị “dội nước lạnh” khi Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL (Thông tư 01) hướng dẫn thực hiện NĐ15 ban hành ngày 24-3 ra đời, trong đó, Điều 13 quy định hồ sơ cấp phép biểu diễn lại đưa ra mẫu “Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”. Như vậy, văn bản này chỉ là đơn cam kết một chiều của đơn vị tổ chức với cơ quan quản lý, cấp phép mà không hề có sự xuất hiện của tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả. Điều này dẫn đến sự thất vọng, phản ứng của nhiều nhạc sĩ và các nhà chuyên môn.

 

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

 

Trước sự việc này, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bức xúc cho biết: “Nếu cơ quan cấp phép mà không quan tâm đến quyền sở hữu tác phẩm của tác giả thì đó là cách làm vô phép tắc. Thông tư đưa ra mẫu cam kết thực thi quyền tác giả nhưng lại không có sự phê duyệt của tác giả là đã làm sai tinh thần và quy định của Nghị định”. Nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng cho rằng, thông tư hướng dẫn thi hành phải tuân thủ đúng nghị định; không cần biết đó là cam kết hay hợp đồng, thỏa thuận, miễn rằng nó phải được ký với chính tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả. Chuyên gia sở hữu trí tuệ Đỗ Khắc Chiến, nguyên Cục phó Cục Bản quyền tác giả lập luận: Nếu thực hiện theo mẫu cam kết mà Thông tư 01 đưa ra thì cam kết này sẽ chỉ được hiểu như một lời hứa, một tuyên bố đơn phương của đơn vị tổ chức mà hoàn toàn bỏ qua vai trò mang tính quyết định của tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả; thậm chí còn thiếu cả người làm chứng, công chứng theo quy định của pháp luật. Nghĩa là sau khi được cấp phép, đơn vị tổ chức có thực hiện theo đúng cam kết đã ký về tác quyền hay không là chuyện chẳng ai có thể bảo đảm. Quy định của Thông tư là trái với tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ, trái với NĐ15 khi không yêu cầu phải có văn bản nhiều bên về quyền sử dụng tác phẩm. Nhạc sĩ Phó Đức Phương thất vọng cho rằng, nếu cứ theo Thông tư, chỉ cần ký vào một bản cam kết từ một phía cũng sẽ được cấp phép thì chắc chắn vấn đề tác quyền sẽ lại vẫn bát nháo như mười mấy năm qua. Lợi dụng kẽ hở của luật pháp, các đơn vị, cá nhân tổ chức sẽ vẫn tiếp tục “xài chùa” tác phẩm; các nhạc sĩ tiếp tục bị “bóc lột” và VCPMC sẽ lại phải chạy theo hàng nghìn chương trình trốn thực hiện trách nhiệm tác quyền để đòi lại công bằng cho những người sáng tác. Ông Phương cũng cho biết, VCPMC sẽ sớm có công văn gửi cơ quan quản lý để làm rõ nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các nhạc sĩ Việt Nam.

 

Với mong muốn giải đáp những thắc mắc về vấn đề này từ phía cơ quan quản lý và ban hành văn bản, chúng tôi đã liên hệ với một số lãnh đạo Vụ Pháp chế và Cục NTBD (Bộ VHTT và DL), nhưng đều nhận được một lý do: đang bận đi công tác (?!).

 

Câu chuyện nêu trên khiến nhiều người nhớ lại vụ lùm xùm xảy ra hồi đầu năm 2012 giữa VCPMC và Cục NTBD, cũng về vấn đề cấp phép tổ chức biểu diễn mà không thông qua sự đồng ý về tác quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Hay chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương “cực chẳng đã” phải bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng trước giờ mở màn của đêm nhạc Khánh Ly tổ chức năm 2014 để “đòi” tiền bản quyền… Có thể thấy, mọi ồn ào sẽ không thể dừng lại nếu các quy định của pháp luật còn chưa tìm được sự đồng thuận từ nhiều phía. NĐ79 ra đời, mới chỉ hơn ba năm thực thi đã phải sửa đổi, bổ sung thành NĐ15. Điều này cho thấy, sự cẩn trọng, khoa học và thực tế của các nhà làm luật là hết sức cần thiết; và những quy định của pháp luật nếu không phù hợp cũng cần thay đổi để bắt kịp diễn biến của đời sống xã hội, nhất là với lĩnh vực sôi động như NTBD.

 

Trước mắt, thời gian không còn nhiều, khi ngày 1-5 và ngày 15-5 tới, NĐ15 và Thông tư 01 chính thức có hiệu lực. Mong rằng các đơn vị có thẩm quyền sớm xem xét lại để tìm được tiếng nói đồng thuận trong giới chuyên môn và nghệ sĩ. Vẫn biết lâu nay trong lĩnh vực ban hành luật, mỗi lần sửa đổi lại dấy lên nhiều vấn đề, nhưng dẫu sao cũng còn hơn là để những tồn tại dậm chân tại chỗ. Điều quan trọng nhất là những người nắm giữ cán cân công lý cần sáng suốt, công tâm ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của nhiều bên thấy sai thì dám sửa, để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trên cơ sở thượng tôn pháp luật.