Nhớ một thời hợp tác xã

09:49, 26/04/2016

Thấm thoắt thế mà đã 70 năm tuổi đời kinh tế hợp tác xã. Dù sinh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng trong nhiều kỷ niệm riêng tôi, cũng sâu đậm 3 từ: Hợp tác xã. Bởi xã viên hợp tác xã (HTX) là ai? Chính là người thân của tôi, chính là ký ức tuổi thơ vui buồn trong trẻo. Để đến giờ vẫn hiện lên mồn một trong tôi mỗi khi nỗi nhớ gọi về.

Nhà tôi ở phố Bến Than, tiểu khu Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên, một trong bốn tiểu khu thành lập từ ngày phôi thai tỉnh Thái Nguyên, nên tôi vẫn tự hào khoe với bạn bè rằng tôi ở “phố cổ”. Cũng ở đây, từ năm 1972 đến năm 1985, bước chân ra cổng là tôi gặp… hợp tác xã.

 

Buổi sáng, giấc ngủ của tôi thường bị đánh thức bởi tiếng chân ngựa rầm rập cùng tiếng thùng xe, bánh xe ngựa lọc xọc lọc xọc. Ấy là lúc các xã viên Hợp tác xã Vận tải Cờ Hồng đi làm. Nguồn việc do chủ nhiệm HTX thu thập được, phân công cho xã viên thực hiện. Ngày đó, phương tiện vận chuyển cơ giới hiếm lắm, chuyên chở chủ yếu bằng gồng gánh trên vai, đẩy xe cải tiến, sang lắm mới thuê chở hàng bằng xe bò, xe trâu, xe ngựa. Xem ra nguồn việc khá dồi dào nên xã viên HTX Vận tải Cờ Hồng có việc làm thường xuyên. Đoàn người và ngựa đi từ sáng sớm, trở về lúc trời nhá nhem sau khi đã cho ngựa xuống sông Cầu tắm táp sạch sẽ. Phố tôi từ đó mà sinh ra nghề cắt cỏ cho ngựa ăn. Sấp thanh thiếu niên cỡ tuổi tôi ngoài thời gian đi học thì cắt cỏ kiếm thêm chút tiền giấy bút đỡ bố mẹ. Hình ảnh những chú ngựa nhẩn nha nhai cỏ ướt, dẫm chân cộc cộc góc sân mỗi nhà hiện mồn một trong trí nhớ tôi.

 

Phong trào HTX những năm 70-80 phát triển rất mạnh. Hầu như làm gì cũng do HTX quản lý. Những nhà quanh tôi có bà Nhân, bà Cài ở HTX Đan cót, bà Khảm HTX Giày da, bà Nuôi HTX bốc vác, bà Nhuần HTX Bông vải sợi, bà Nhàn HTX Thêu zen - dệt thảm, bà Thịnh, HTX Nhuộm… Nhiều HTX chỉ lấy tên công việc mà thành, cũng không ít HTX có tên rất hay, như HTX Cửu Long, chuyên đúc, dập chậu nhôm, uốn sắt; HTX Cộng Lực, chuyên sản xuất nắp cống, mặt bàn ghế bằng ga li tô, đóng gạch silicat.

 

Bố tôi nhiều lần di chuyển đồ nghề đến nơi làm việc, gọi là HTX Cắt tóc. Dụng cụ của thợ cắt tóc cũng đơn giản: Ghế xoay, cái bàn nhỏ đặt tông - đơ, dao cạo, hộp xà phòng thơm, tấm gương lớn. Nghe nói cái gương bố tôi hành nghề “xịn” nhất tỉnh, được mua từ nước Pháp. Bố đi làm tập trung nên chị tôi ngày ngày thêm việc mang cơm cho bố. Cô tôi thì làm nghề chần áo bông và là xã viên HTX Bông vải sợi. Nhà cô chất từng chồng áo đã ghép hai lớp vải, lớp bông lồng bồng ở giữa, cô tôi đeo “bô đê” (giống chiếc nhẫn to bản để đẩy kim cho đỡ đau tay) vào ngón tay, dùng chiếc kim dài ngoằng chần ngang chần dọc mặt vải hình quả trám. Bông và vải dính chặt vào nhau, áo rất bền.

 

Ngày ấy, lũ học sinh chúng tôi rất thích đến HTX thủy tinh Dân Chủ (gần rạp ngoài trời, trên đường Hoàng Văn Thụ bây giờ). Ở đây có một cái lò nấu thủy tinh. Hôm nào rỗng tiết cuối là cả bọn rồng rắn đến xem các chú thợ “làm xiếc”. Mấy người đàn ông khỏe mạnh, mỗi người cầm trên tay một ống sắt dài, đầu ống gắn khối thủy tinh nóng chảy đỏ rực. Họ ghé miệng, phồng má thổi, tay xoay xoay ống sắt, đầu bên kia phình ra một cái bình hoa, cái cốc, bóng đèn dầu Hoa Kỳ (còn gọi là bóng thông phong). Sự biến hóa kỳ diệu của khối thủy tinh khiến chúng tôi há hốc mồm kinh ngạc đứng xem quên giờ về. Có lần bác xã viên HTX thủy tinh Dân Chủ cho tôi cái bóng đèn bác vừa thổi, thủy tinh nóng dãy tay. Tôi bọc vào vạt áo, thận trọng mang về đưa cho mẹ lắp vào cái đèn dầu để trên ban thờ. Khu vực HTX thủy tinh Dân Chủ nay người ta bày bán la liệt các mặt hàng cũng bằng thủy tinh. Dường như cuộc sống có sự liên hệ bí ẩn nào đó không hiểu được.

 

Tôi đã có một ngày được đi làm HTX Bánh kẹo Cộng Đồng. Năm ấy tôi học lớp 6 trường cấp hai Nha Trang. Người quen bố tôi bảo: - HTX cần người gói kẹo gấp, mày có làm bác xin cho? Thế rồi tôi được dẫn đến HTX sản xuất kẹo (khu vực khách sạn Hải Yến, phường Gia Sàng hiện nay). Trong căn nhà rộng, người ta dựng lên vô số cột gỗ, trên cột “chêm” vài chiếc cọc to bằng bắp tay. Đó là “thiết bị” sản xuất kẹo. Khoảng dăm chục người (trong đó không ít trẻ con như tôi) ngồi trước những cái mẹt để ngay trên đất, trong mẹt là đống kẹo trần được lăn qua bột cho khỏi dính, mỗi cái kẹo dài cỡ đốt ngón tay. Nhiệm vụ của tôi là lấy mảnh giấy giang màu nâu (cắt sẵn) gói mẩu kẹo vào giữa, xoáy 2 đầu giấy cho chắc rồi ném ra một cái mẹt khác. Công việc quá đơn giản nên vừa gói kẹo tôi vừa nghếch mắt xem các bác đổ đường nấu chảy ra những cái khay khổng lồ, rồi khối đường lùng nhùng nóng bỏng đó được “quật” mắc lên cọc, công đoạn kéo đường bắt đầu. Mắc lên, kéo xuống, lại mắc lên, kéo xuống, cứ thế, chừng nửa tiếng thì khối đường từ nâu đen thành trắng tinh, ấy là đường đã thành kẹo. Từng thỏi kẹo được cắt nhỏ bằng dây thép, gạt vào mẹt, đưa xuống bộ phận gói, đóng thành túi kẹo.

 

May mắn sao, tôi gặp được người có mặt đầu tiên khai sinh HTX Bánh kẹo Cộng Đồng. Đó là cụ Hoàng Thị Đang, 93 tuổi, ở số nhà 2, ngõ 357, tổ 28, phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Thái Nguyên. Cụ Đang cùng chồng là cụ Khánh đã góp từng món đồ làm kẹo, hình thành HTX bánh kẹo đầu tiên của tỉnh.

 

Cụ Đang kể: Năm 1959, ông Hào (ở dốc Nhà Bò, gần ga Đồng Quang bây giờ) mang theo nghề nấu kẹo ở Hà Nội lên Thái Nguyên. Ông bàn với một số anh em chung vốn cùng làm. Đúng lúc đó Nhà nước có chủ trương thành lập HTX, vợ chồng tôi cùng các ông: Thỉnh, Ngọ, Ánh, Huy, Trịnh, Dự, Hiền trở thành xã viên đầu tiên của HTX. Khẩu hiệu “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ” ai cũng tuân thủ nghiêm ngặt lắm. Chúng tôi góp tiền, góp dụng cụ làm bánh, kẹo, mứt. Ai có nhiều mà góp ít là bị xã viên phê bình ngay. Nhà tôi khi vào HTX góp 350 đồng, ăn chia theo chấm công, khoảng 2 đồng /công (gạo mậu dịch giá 4 hào/kg). Buổi sáng chúng tôi đến nhận nguyên liệu, 5 giờ chiều thì giao kho, sản phẩm có Nhà nước bao tiêu. Vợ chồng tôi nuôi 8 miệng ăn, cuộc sống vô cùng khó khăn. Đến khoảng năm 1967, buổi sáng hôm ấy tôi vẫn đi làm như bình thường, bỗng chủ nhiệm HTX đến bảo: Mọi người cất đồ đi, đậy điệm hết lại, về nhà nghỉ, khi nào có việc sẽ báo sau. Tôi với mấy bà ôm nhau khóc, không biết rồi sẽ sống ra sao? HTX Bánh kẹo Cộng Đồng tan rã từ đấy…

 

Cụ Khánh kể chuyện xảy ra nửa thế kỷ mà vẫn rưng rưng xúc động. Riêng tôi cũng có một kỷ niệm nhỏ mà nhớ mãi về HTX. Khoảng năm 1980, tôi vào quầy cắt tóc của HTX Uốn sấy, đặt tại khu vực chợ Thái hiện nay. Chị thợ làm tóc cho tôi mặt đỏ gay, vừa làm vừa ho sù sụ. Chị nói nhỏ để tôi thông cảm: “chị ốm quá em ạ”. Dù cố giấu nhưng hiện trạng sức khỏe của chị không qua mắt chị “đồng nghiệp” ghê gớm. Chị này gằn giọng bảo: “ốm thì nghỉ đi”, đồng thời liên tục lườm nguýt, vứt đồ xoành xoạch. Tội nghiệp chị thợ làm tóc cho tôi, nín nhịn không nói gì, vẫn cố làm dù tay chị chạm vào má tôi nóng bỏng, tôi biết chị đang sốt cao. Tôi lờ mờ hiểu ra vấn đề: Người làm nhiều thì tiền chia ít đi, vì thế người ta mong “đồng nghiệp” ở nhà.

 

Nhớ lại những chuyện trên chỉ để… nhớ. Tôi không định so sánh HTX xưa với HTX nay, cũng không khẳng định điều gì hay - dở về kinh tế HTX.

 

Chỉ biết rằng, những người tầm tuổi tôi đều có thời ấu thơ gắn với HTX.