Sẵn sàng cho ngày hội văn hóa dân tộc Sán Dìu

14:03, 01/04/2016

Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Dìu lần đầu tiên của tỉnh sẽ được tổ chức tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ vào ngày 2-4, với sự tham gia của gần 200 nghệ nhân dân tộc Sán Dìu tiêu biểu. Dự kiến sẽ có hàng nghìn người dân đến tham dự. Đến thời điểm này, các phần việc tổ chức Ngày hội đã được chuẩn bị chu đáo…

Ngày hội này sẽ quy tụ trên 200 nghệ nhân dân tộc Sán Dìu tiêu biểu trên địa bàn tỉnh cùng tham gia biểu diễn, thi đấu tài năng diễn xướng Soọng Cô, ẩm thực và các trò chơi dân gian. Trong đó, thi và biểu diễn Soọng cô có các tiết mục như: "Hô son thói" (Hát chào làng xã); “Sun cô” (Hát mừng xuân); “Sói cá cô” (Hát hái chè); “Cang Thén cô” (Hát làm ruộng); “Long hói cô” (Hát đối); thi ẩm thực gồm các món: Xôi đen, thịt ướp muối, cháo ỉm, cà ghém, nem chạo, bánh trứng kiến và thi đấu thể thao, các trò chơi dân…

Có mặt tại Trung tâm văn hóa xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), vào thời điểm này, chúng tôi chứng kiến sự khẩn trương của Ban Tổ chức và bà con nơi đây trong việc chuẩn bị cho Ngày hội. Khu vực sân vận động của xã là nơi diễn ra các phần thi đã được san đất bằng phẳng, vệ sinh sạch sẽ. Bà con đang tích cực làm cổng chào, chuẩn bị cây làm phông chính, cắm cờ, trải thảm khu vực sân khấu.

 

Tại đây, chúng tôi gặp đồng chí Vũ Hồng Cương, Phó Giám đốc  Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban Tổ chức Ngày hội đang kiểm tra những phần việc cuối cùng trong công tác chuẩn bị. Đồng chí cho biết:  Đây là lần đầu tiên Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Dìu quy mô cấp tỉnh được tổ chức. Hoạt động này nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, khôi phục, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể, các trò chơi dân gian đặc sắc, truyền thống của dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới nhằm gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội. Các hoạt động văn hoá trong Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và giới thiệu những nét đẹp văn hoá của dân tộc Sán Dìu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Với ý nghĩa quan trọng đó, chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo các phần việc để Ngày hội được tổ chức sôi nổi, vui tươi, lành mạnh, thực sự là hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng, tôn vinh bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

 

Còn ông Trần Gia Cát, Bí thư Đảng uỷ xã Nam Hòa cho biết, xã gần 7 nghìn người dân tộc Sán Dìu sinh sống, chiếm 63% dân số. Tổ chức Ngày hội trên địa bàn là nguyện vọng của đông đảo người dân bấy lâu nay. Để chuẩn bị cho hoạt động này, xã đã lựa chọn 60 người tiêu biểu để tham dự các phần biểu diễn, thi. Sau quá trình luyện tập, đến thời điểm này, các nghệ nhân của xã đều rất tự tin. Cùng với đó, xã cũng đã thực hiện ngay các phần việc liên quan đến chuẩn bị mặt bằng, đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý điện cung cấp điện lưới và bố trí cán bộ trực, kiểm tra an toàn lưới điện trước và trong khi diễn ra Ngày hội…

 

Bên cạnh các phần việc kể trên, những nghệ nhân tham gia Ngày hội cũng đang tích cực luyện tập cho phần thi của mình. Bà Miêu Thị Nguyệt, đội trưởng đội thi xã Nam Hòa, nghệ nhân dân tộc Sán Dìu đã gắn bó rất lâu với diễn xướng Soọng cô cho biết: Soọng Cô nghĩa là hát giao duyên, đã có từ rất lâu đời, những nghệ nhân tham gia thi Soọng Cô lần này đều là những người yêu mến và am hiểu, thể hiện thuần thục được những lời hát mềm mại, trầm bổng, ngân nga đặc trưng của Soọng cô. Tham dự Ngày hội, chúng tôi mong muốn được biểu diễn Soọng cô đặc sắc của dân tộc mình cho con cháu, bạn bè nghe và qua đó, góp phần giữ gìn giữ gìn bản sắc văn hóa Sán Dìu.

 

Còn ông Nông Tiến, nghệ nhân dân tộc Sán Dìu xã Linh Sơn thì cho biết: Đội thi gần 60 người của xã Linh Sơn sẽ mang đến Ngày hội các món ẩm thực đặc sắc của dân tộc Sán Dìu như Xôi đen, nem chạo, bánh trứng kiến… Trong đó, món xôi đen là món ăn đặc trưng nhất mà chúng tôi muốn giới thiệu. Đây là món xôi màu đen nhánh, hạt cơm căng mọng, vừa thơm vừa ngậy được làm từ lá cây lau sau trên rừng và gạo nếp nương. Để làm được món ăn này, chúng tôi phải lên rừng tìm hái những lá cây lau sau non và lá bánh tẻ về rửa sạch, giã nhuyễn, cho lên bếp củi đun, chắt lấy nước đó rồi nấu cùng với gạo nếp. Điều đặc biệt là món xôi này có thể để được từ 2 đến 3 ngày mà vẫn thơm, dẻo…

 

Ngày mai (2-4) Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Sán Dìu sẽ diễn ra. Chúng tôi cùng hy vọng Ngày hội không chỉ tạo cho người dân niềm vui, niềm tin bước vào một năm sản xuất mới với khí thế mới mà còn là nơi giao lưu gặp gỡ của đồng bào, góp phần vào việc bảo tồn phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc.