Những năm trở lại đây, Nhà hát Tuổi trẻ có nhiều vở diễn hợp tác với các nhà hát nước ngoài, dàn dựng các vở nổi tiếng, các nghệ sĩ từ nhiều nước cùng “song hành” trên sân khấu… Đó là một xu hướng mới của Nhà hát Tuổi trẻ với mục tiêu thu hút khán giả trẻ, mở rộng khán giả và giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng đến với khán giả Việt Nam.
Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, Nhà hát Tuổi trẻ đã có rất nhiều cơ hội hợp tác và giới thiệu các tác phẩm sân khấu mới với các Nhà hát và các trường phái sân khấu lớn trên thế giới, thông qua các tổ chức văn hóa quốc tế như Hội đồng Anh, Viện Goethe và ba năm gần đây là Nhật Bản, vì Nhật Bản lựa chọn Nhà hát Tuổi trẻ là một đối tác để chọn lựa trong 12 nhà hát quốc gia để tài trợ trang thiết bị kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng số và đưa con người sang Nhật đào tạo. Những dự án hợp tác liên tục gồm ba dòng chính: các tác phẩm sân khấu kịch nói, các chương trình ca nhạc, nghệ thuật kịch thể nghiệm.
Gần đây nhất là vở rối “Vịt trời trúng độc” của Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với Nhà hát múa rối Edo – Yukiza (Nhật Bản), các NSND Lê Khanh và nghệ sĩ Thanh Bình trình diễn cùng con rối dây Nhật Bản, do các nghệ sĩ rối dây lâu năm của nhà hát thể hiện.
Để có được vở diễn này, các nghệ sĩ hai bên đã có nhiều cuộc trao đổi, bàn thảo, những buổi tập luyện cùng nhau để thực sự “thấm” kịch bản và diễn theo cao trào, cảm hứng, bỏ qua rào cản về ngôn ngữ.
Đây là vở diễn độc đáo, ngay cả phía Nhật Bản cũng chưa từng thực hiện. Đạo diễn Sakate Yoji cho biết, đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ thực hiện vở rối dây với người là các diễn viên Việt Nam. Về mặt chuyên môn, đội ngũ Nhật Bản luôn đặt ra yêu cầu rất cao, nhưng theo đạo diễn, các nghệ sĩ của hai nhà hát đã nỗ lực làm việc hết sức mình và tạo ra những kết quả hết sức tốt đẹp.
Ngoài vở diễn này, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ còn tham gia dàn dựng nhiều vở hợp tác khác Năm 2014, Nhà hát phối hợp với Viện Goethe trình diễn “Vòng phấn Kavkaz” của nhà soạn kịch nổi tiếng Bertolt Brecht, do đạo diễn Dominic Guenther sang trực tiếp dàn dựng với các nghệ sĩ. NSND Lê Khanh đảm nhiệm vai trò phó đạo diễn trong vở này.
Năm 2015, Nhà hát tiếp tục phối hợp với Viện Goethe hợp tác với Nhà hát Thế hệ trẻ Dresden dàn dựng vở kịch thiếu nhi “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, vẫn dưới bàn tay của đạo diễn Dominik Guenther. Vở diễn được thực hiện bằng cả tiếng Đức và tiếng Việt, ba buổi diễn tại Nhà hát đều thu hút đông khán giả. Sau khi diễn tại Việt Nam, các nghệ sĩ tiếp tục sang biểu diễn tại Dresden phục vụ khán giả Đức.
Giám đốc Trương Nhuận còn cho biết, hồi tháng 3 vừa qua, hai diễn viên của Nhà hát là Quang Ánh và Hồng Hạnh còn được mời sang Dresden tập huấn và biểu diễn. Chín buổi diễn có sự tham dự của hai nghệ sĩ Việt Nam đã bán hết không còn một chỗ trống. Khán giả đều tỏ ra thích thú với sự có mặt của các nghệ sĩ “đa quốc gia” trên sân khấu.
Giám đốc Trương Nhuận cho biết, kể từ năm 2013 trở lại đây, tính về chi phí cho đào tạo, có thể nói Nhà hát Tuổi trẻ đã hưởng lợi tới hơn nửa triệu USD. Tuy nhiên, cái lợi lớn nhất là về mặt con người. Ông Trương Nhuận cho biết, việc hợp tác và học tập với đối tác nước ngoài tạo ra cho các nghệ sĩ, kỹ thuật viên… ý thức làm việc công nghiệp và khoa học trong điều kiện với các nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp. Cái lợi thứ hai là nhà hát được hỗ trợ những phương tiện kỹ thuật về âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật, nâng lên được giá trị nghệ thuật của sân khấu hợp tác. Giá trị thứ ba là giới thiệu được các tác phẩm sân khấu tinh hoa của thế giới đến Việt Nam cũng như đem các tác phẩm này ra nước ngoài.
Việc hợp tác này cũng mở ra những hướng phát triển mới cho Nhà hát. Giám đốc Nhà hát Trương Nhuận cho biết, từ những thành công và hưởng ứng của khán giả đối với các vở diễn hợp tác này, Nhà hát sẽ tính đến chuyện tiếp tục phối hợp với các nhà hát nước ngoài làm vở diễn thương mại. Trước mắt, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tham khảo mô hình nhà hát Shiki của Nhật Bản, trước đây cũng từng có thời gian ở vào tình trạng giống như các nhà hát của Việt Nam hiện nay: không bán được vé, không thu hút được khán giả, không có tiền cho diễn viên, nhân viên…
Sau một thời gian, hiện nay, Shiki đã vươn lên thành một nhà hát ăn khách hàng đầu Nhật Bản bởi vì họ đã mua bản quyền để đưa nhạc kịch Broadway của Mỹ về dàn dựng, hướng tới các đối tượng thanh thiếu niên, cung cấp các tác phẩm theo thị hiếu của khán giả, trẻ em. Hiện nay hướng hợp tác với Shiki của Nhà hát Tuổi trẻ là không chỉ nhằm có được các tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn bán được vé và nuôi sống được các nghệ sĩ bằng nghề. Nếu thành công, đây sẽ là một hình mẫu để nhân rộng ra các nhà hát ở Việt Nam.