Nhiều điều đáng nói xung quanh cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về danh nhân đất Thái

16:59, 31/05/2016

Tôi lật đi lật lại tấm giấy mời đến dự chương trình quảng bá và trao tặng cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tể tướng Lưu Nhân Chú” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Sở dĩ tôi đọc đi đọc lại, lật mặt trước mặt sau bởi tấm giấy chứa đựng nhiều thông tin khác lạ, lần đầu tôi thấy ở Thái Nguyên: Sách được in những gần 2.000 quyển - con số kỷ lục ở địa phương; toàn bộ chi phí xuất bản, nhuận bút, in ấn, tổ chức giới thiệu sách do một doanh nhân bỏ tiền riêng tài trợ; toàn bộ số sách nói trên được tặng cho giáo viên, học sinh các trường trung học cơ sở trên địa bàn.

“Tể tướng Lưu Nhân Chú” là “đứa con tinh thần” thứ 29 của Nhà văn Hồ Thủy Giang, nhưng lại là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên ông viết về danh nhân Thái Nguyên. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông viết truyện, làm thơ, phê bình văn học và có đến 6 kịch bản phim, người Thái Nguyên duy nhất là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam.

 

Sự ra đời tiểu thuyết lịch sử “Tể tướng Lưu Nhân Chú” cũng lắm đặc biệt. Thông thường, người ta chuyển thể từ tiểu thuyết thành phim, nay nhà văn Hồ Thủy Giang làm ngược lại: chuyển thể từ phim thành tiểu thuyết. Với “quy trình ngược” này, tác phẩm là sản phẩm “nhuyễn” của kịch bản, phim và tiểu thuyết. Cũng vì thế, hình ảnh vị Anh hùng dân tộc đất Thái được khắc sâu hơn bao giờ hết.

 

Nói đến Lưu Nhân Chú là nói đến vùng đất Văn Yên (Đại Từ). Xa xưa, Văn Yên tên gọi Thuận Thượng (hay An Thuận, An Thuận Thượng). Nơi đây có dòng họ Lưu nổi tiếng đã sinh ra Lưu Nhân Chú (thế kỷ XV), tể tướng dưới thời Lê, một trong những yếu nhân quan trọng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Cuộc đời Lưu Nhân Chú là khúc tráng ca lẫy lừng, đồng thời là khúc bi ai cực độ. Con người yêu bạn bè, sống giản dị, chỉ “mong manh tấm áo chàm quê nhà” này lại bị chính bạn mình phản sát.

 

Người Thái Nguyên, đặc biệt người Đại Từ rất tự hào về Tể tướng Lưu Nhân Chú. Đã có một trường cấp 3 mang tên ông; lễ hội Núi Văn, Núi Võ tại đền thờ Tướng quân Lưu Nhân Chú tổ chức ngày mùng 4 Tết Âm lịch hằng năm; quần thể di tích về Lưu Nhân Chú là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

 

Sinh ra ở Hải Phòng nhưng gia đình định cư ở Đại Từ đã hơn nửa thế kỷ nay, yêu quê hương thứ hai theo cách của mình, cuối năm 2014, nhà văn Hồ Thủy Giang hoàn thành kịch bản phim truyện “Tể tướng Lưu Nhân Chú” và lập tức được Đài Phát thanh Truyền hình Thái Nguyên sản xuất thành 5 tập phim, phát sóng tháng 2-2016. Trong buổi khởi chiếu, Nhà văn Hồ Thủy Giang gặp gỡ doanh nhân Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh. Mối lương duyên giữa hai con người yêu quê hương Đại Từ đã nhanh chóng kết trái. Ông Thắng đề nghị được tài trợ để nhà văn chuyển thể phim thành tác phẩm văn học, ngõ hầu đưa lịch sử đến với người đọc sâu sắc và lâu bền hơn. Số tiền 50 triệu đồng dành cho sách và 500 triệu đồng dành cho phim (trước đó) thật đáng quý. Bởi người đàn ông 60 tuổi này đã phải làm việc 14-16 tiếng một ngày, điều hành 3.500 công nhân ở 8 công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài tỉnh để có thu nhập “khủng”, trở thành một trong những người giàu có nhất Thái Nguyên. Và vì thế, tôi tin rằng, việc ông tài trợ cho các tác phẩm văn học nghệ thuật hoàn toàn xuất phát từ tinh thần mong muốn đem lại những giá trị hữu ích cho cộng đồng, chứ không vì một mục đích nào khác.

 

Ông Thắng tâm sự: Tôi quê gốc Thuận Thành (Bắc Ninh), nhưng dòng họ đã có 116 năm lập nghiệp ở Đại Từ. Tôi tự hào mình cùng quê với Tể tướng Lưu Nhân Chú. Bằng việc làm này, ông muốn tri ân danh nhân, thể hiện sự tôn trọng người làm văn hóa, giúp thế hệ sau hiểu và trân quý lịch sử địa phương mình hơn.  

 

Giống như tôi, nhiều người dự buổi công bố sách cũng bày tỏ suy nghĩ đặc biệt của họ. Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ nghĩ xa hơn về việc giáo dục truyền thống từ di tích lịch sử Lưu Nhân Chú. Ông dự tính sẽ mời khảo cổ các điểm trong di tích, xây dựng trường đua ngựa để thu hút khách tham quan, du lịch. Ông Triệu Văn Doanh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thì gợi ý: Thái Nguyên còn nhiều danh nhân lớn, tiêu biểu như Lý Nam Đế, Dương Tự Minh, Đỗ Cận… là đề tài cho các cây bút cho ra đời nhiều tiểu thuyết lịch sử hơn nữa.

 

Vấn đề nhiều người quan tâm là 1.500 cuốn sách tác giả và nhà tài trợ trân trọng tặng thư viện các trường THCS toàn tỉnh, liệu có được những bàn tay học trò mở ra đọc?

 

Câu trả lời nằm ở những người làm công tác giáo dục địa phương.