Có một “bảo tàng” thi ca ở Huế

07:42, 13/06/2016

Trên ô, hộc trang trí của nhiều công trình kiến trúc cung đình Huế, có hàng nghìn bài thơ, văn, câu đối chữ Hán được chạm, cẩn, đắp nổi - một giải pháp xử lý mảng trống vô cùng tinh tế. Cùng với “Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh)”, hệ thống di tích “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” mới đây đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.  

Tuyên ngôn ở điện Thái Hòa

 

Không phải đến lúc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản, hệ thống thơ văn chữ Hán trong cung đình Huế mới được để ý mà từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Trung tâm bảo tồn di tích Huế đã bắt đầu nghiên cứu, dịch các bài thơ được chạm, cẩn, đắp nổi trên ô, hộc trang trí của các công trình kiến trúc thuộc quần thể di tích Huế. Cũng trong thời gian này, giáo sư Huỳnh Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) cùng các học trò đã đến Huế khảo sát, ghi chép, dịch nghĩa và chú giải hàng trăm câu thơ, bài thơ chữ Hán trên lầu Ngọ Môn, Nghi Môn và điện Thái Hòa. Sau chuyến đi này, ông in tập khảo cứu “Từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa” (1994), giới thiệu hàng trăm câu thơ, câu đối, bài thơ thất ngôn, ngũ ngôn được khắc trên các ô, hộc trang trí thể hiện lòng tự hào về triều đại, về dân tộc như: Hậu trạch thâm nhân, hà nhĩ mộ/ Thần công thánh đức, sử như thùy (Ơn trạch đủ, nhân đức sâu, gần xa ngưỡng mộ/ Thần công cao, thánh đức lớn, khắc ở sử thư); Ngũ bách khai xương vận/ Thiên niên điện đế cơ (Năm trăm khai vận tốt/ Ngàn thuở vững cơ đồ)…, hoặc ca ngợi cảnh đẹp đất kinh kỳ: Thụy húc tường vân trưng Tử chỉ/ Điều phong hòa khí biến Thần châu (Ánh sáng tốt, mây mát lành, làm chứng cho điều phúc nơi Cung vua/ Gió thổi thuận, khí điều hòa, tràn khắp mọi nơi ở đất kinh kỳ); Hương thùy đà ngân đới/ Bình sơn kháng ỷ sơ/ Vũ tương nhân trí lạc/ Triêu tịch yến thần cư (Sông Hương như dải lụa bạc/ Núi Ngự lưu giữ khí lành/ Mưa tới, người nhân người trí đều vui mừng/ Sớm tối chốn kinh kỳ êm ả)…

 

Trong những năm tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều chuyên khảo riêng biệt về hệ thống thơ văn ở cung điện, lăng tẩm, chùa chiền xây dựng ở Huế từ thời Nguyễn, trong đó đặc biệt chú ý đến bài thơ được đặt tại vị trí trung tâm điện Thái Hòa: Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu. Bài thơ được GS Huỳnh Minh Đức dịch: Văn hiến ngàn năm dựng/ Núi sông vạn dặm xa/ Hồng Bàng thuở lập quốc/ Nghiêu Thuấn vững sơn hà.

 

Theo các nhà nghiên cứu, những bài thơ được đặt trong điện Thái Hòa đã được tuyển chọn rất cẩn trọng. Nói như nhà nghiên cứu Phan Thuận An, “nội dung thơ văn trang trí ở điện Thái Hòa cũng đã là mối quan tâm lớn của triều đình bấy giờ, vì đây là nơi đặt ngai vàng, là chỗ triều hội, là công trình kiến trúc quan trọng nhất so với các tòa cung điện khác ở kinh đô… Do đó, thơ văn trang trí ở đây phải là kết tinh của trí tuệ và tâm hồn của cả tầng lớp thượng lưu, trí thức, khoa bảng và hiền tài của cả nước đang hội tụ tại đế đô. Mặc dù trước các bài thơ không có chữ “ngự chế” và sau các bài thơ không có tên tác giả, nhưng qua nội dung gần 300 ô thơ văn trang trí tại chỗ, chúng ta có thể cho rằng đó đều là những sản phẩm văn họa của vua, quan triều Nguyễn một thời”.

 

Trở lại bài thơ được đặt ở vị trí trung tâm điện Thái Hòa, theo PGS, TS Nguyễn Thị Bích Hải (Trường đại học Sư phạm Huế) thì “Cả bốn câu thơ đều thể hiện rõ niềm tự hào của triều đại trong thời gian, trong không gian với tư thế đĩnh đạc của cõi Nam”. Còn Thạc sĩ Phan Đăng (Trường đại học Khoa học Huế) nhận xét: Bài Nam quốc sơn hà xứng đáng được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Còn bài thơ ở điện Thái Hòa là bài thơ do nhà vua sáng tác trong bối cảnh đất nước sau những biến động to lớn trải dài đến mấy thế kỷ nay đã được thái hòa, biên cương được mở rộng, dân chúng được yên vui. Bài thơ khẳng định tính độc lập dân tộc, với tinh thần tự hào là nước có ngàn năm văn hiến. Nước có nền văn hiến lâu đời tất là đã có nền độc lập lâu đời. Văn hiến ấy do sức lực nhân dân qua nhiều thế hệ dựng xây, tất do yếu tố con người mà có được.

 

Thạc sĩ Phan Đăng cho biết: “Điểm đáng lưu ý ở bài thơ này là việc thống nhất đất nước, đó là yếu tố có ý nghĩa rất lớn lao. Nội dung bài thơ muốn thể hiện: nước Việt là một nước độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đến triều Nguyễn là đỉnh cao. Ý tứ bài thơ đủ để khẳng định giá trị to lớn của nó, nên nếu gọi bài thơ này là Tuyên ngôn độc lập của triều Nguyễn cũng không phải là quá”.

 

Ngoài hệ thống thơ văn chữ Hán được bố trí ở điện Thái Hòa, những bài thơ, câu đối chữ Hán còn được nhìn thấy trên các công trình kiến trúc cổ của nhà Nguyễn như chùa chiền, cung điện, lăng tẩm ở Huế, với nhiều chủ đề, nội dung như ca ngợi vương triều, ca ngợi cảnh thái bình, thịnh trị, đất nước độc lập, bờ cõi thống nhất; ca ngợi cảnh đẹp vùng đất đế đô, hoa cỏ, cây cối, các mùa trong năm, khuyến khích nông nghiệp, chia sẻ nỗi niềm với người dân… Riêng mảng văn thơ trên các quốc tự (chùa cấp quốc gia) thì còn có chủ đề ca ngợi Phật pháp, ca ngợi tam giáo đồng nguyên và chủ trương của triều đình với đạo Phật. Tuy hệ thống thơ văn chữ Hán này được chạm khắc, phủ men, khảm trai, khảm sành sứ trực tiếp ở nhiều vị trí khác nhau theo kiểu “nhất thi nhất họa”, tức bố trí một ô tranh thì có một ô thơ văn, song tựu trung các câu thơ, bài thơ, văn đều được bố trí cân đối trong các ô, hộc bằng gỗ, vôi, ngà voi nhằm làm tăng vẻ đẹp cho các công trình kiến trúc.

 

Di sản có một không hai

 

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng, hệ thống thơ văn này vốn được tuyển chọn từ trước tác của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại triều Nguyễn được chạm khắc, khảm, cẩn, tráng men, hoặc đắp nổi trên các công trình kiến trúc cung đình Huế giai đoạn từ 1802 đến 1945. Theo thống kê của trung tâm, trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 78 đơn vị ô, hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Hệ thống văn thơ này được ví như một bảo tàng, một thư viện văn chương thời Nguyễn có một không hai.

 

GS, TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho biết: “Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một hình thức "xuất bản" và "lưu trữ" tư liệu hết sức độc đáo, duy nhất và hiếm có. Hình thức trang trí mỹ thuật vẽ tranh trên công trình kiến trúc thấy có ở nhiều nơi, nhưng khác với Việt Nam là ở chủ đề thể hiện: các bức bích họa ở Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc, Nhật Bản,... thể hiện đức Phật, thánh thần, điển tích,… trong khi cách thức trang trí trên di tích cung đình Huế là các mô-típ có tính hình học, cây cỏ, hoa lá, khi thì tả thực, khi thì cách điệu. Đặc biệt, hình thức trang trí "nhất thi nhất họa", "nhất tự nhất họa" (một ô thơ hoặc một đại tự đi liền với một bức họa) trên hàng trăm công trình kiến trúc thuộc nhiều loại hình khác nhau trở thành một phong cách riêng có trong trang trí kiến trúc cung đình Huế. Tôi chưa từng gặp hình thức lưu trữ tư liệu độc đáo như vậy ở các nước khác”.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hệ thống văn bản chữ Hán trên kiến trúc cung đình triều Nguyễn tại Huế có bảy đặc trưng là: tính nguyên bản, tính độc bản, tính độc đáo ở chất liệu và loại hình văn tự, tính bác nhã trong lựa chọn văn tự, tính tư liệu, tính nghệ thuật và tính đa dạng về thể loại văn học. Trải qua thời gian và các biến động lịch sử, hàng trăm công trình kiến trúc trong hệ thống kiến trúc cung đình đã bị thiêu hủy, tàn phá, và cùng với chúng là số lượng lớn thơ văn trang trí trên công trình. Đó là một tổn thất vô cùng to lớn của văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam. Tuy vậy, số lượng văn thơ chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế còn lại cũng khá phong phú, và đã được xác nhận là di sản tư liệu có quy mô lớn, rất cần được bảo vệ, phát huy.

 

Theo Thạc sĩ Lê Thị An Hòa, trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế thì lâu nay du khách tham quan Huế hầu hết mới chỉ để ý danh thắng, di tích, ít người để ý đến cách bài trí ô thơ, chữ, hay ô tranh trên hệ thống kiến trúc cung đình, một phần do vị trí bài trí không thuận lợi cho việc thưởng lãm, mặt khác do viết bằng chữ Hán không phải ai cũng đọc được, tiếp đến là những thách thức về độ bền vật liệu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

 

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã xây dựng kế hoạch, trong đó ưu tiên số hóa các nguồn tư liệu, hiện vật để giới thiệu, lưu trữ. Trong quá trình tiến hành công tác trùng tu, tôn tạo phục hồi các công trình di tích có thơ văn, đặc biệt các di tích xuống cấp nghiêm trọng và các công trình phục hồi, trung tâm cũng có giải pháp sưu tầm, bảo quản và tu bổ các chi tiết trang trí liên quan đến thơ văn trên di tích, phần kiến trúc liên quan đến ngôn ngữ chữ viết, văn chương trên các ô, hộc, hoành phi, câu đối, các văn bản chạm khắc trên các di tích. Đồng thời tập trung khảo sát đánh giá hiện trạng hệ thống thơ văn chạm khắc trên cấu kiện gỗ và tiếp tục nghiên cứu, phục hồi kỹ thuật pháp lam truyền thống, kỹ thuật chạm, khảm, nhằm phục hồi các bài thơ, các chữ đã mất. Trung tâm tiếp tục ghi chép, sưu tầm hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế hoặc ở một số thư viện liên quan để nhận diện, xác định giá trị, từ đó đề xuất khả năng bảo tồn và phát huy.