Hành trình đến với cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 của các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật tỉnh cùng thành viên Đoàn công tác số 14 đã để lại những kỷ niệm ngọt ngào trong ánh mắt, nụ cười của những người lính biển. Sự động viên tinh thần dù chỉ qua lời ca, tiếng hát đã trở thành động lực để cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa chắc tay súng, bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 11-5, tàu HQ 561 rời bến Cảng Cát Lái (T.P Hồ Chí Minh), tạm biệt đất liền đưa Đoàn công tác số 14 ra thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân của huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Trên hải trình ra với Trường Sa, có 12 nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật tỉnh. Lần đầu đi biển nên hầu hết thành viên trong Đoàn đều say sóng và mệt mỏi, thế nhưng chỉ cần chỉ huy Đoàn phát động chương trình văn nghệ trên boong tàu là ai nấy đều hào hứng tham gia, vừa muốn quên đi cảm giác say sóng, cũng là luyện tập lại những tiết mục văn nghệ để biểu diễn tốt hơn. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Đoàn Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Số lượng thành viên của Đoàn đi lần này không nhiều, toàn bộ đều lần đầu được ra đảo nên mọi người cùng chung tâm trạng hồi hộp, ai cũng suy nghĩ sẽ mang lời ca, tiếng hát, phục vụ hết mình để đem niềm vui cho chiến sĩ.
Tàu cập đảo Song Tử Tây vào sáng sớm. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy các chiến sĩ quân phục chỉnh tề, xếp thành hàng vẫy tay chào đón khiến các thành viên trên tàu đều cảm động. Dưới cái nắng nóng cháy da thịt, nhưng gương mặt ai cũng đầy vẻ hân hoan. Tối hôm đó, Đoàn có một buổi biểu diễn và giao lưu ấm áp với các cán bộ, chiến sĩ. Dù rất muốn kéo dài thêm thời gian nhưng điều kiện không cho phép. Sau buổi biểu diễn, chúng tôi cùng các cán bộ, chiến sĩ nói chuyện và chia sẻ những vất vả khó khăn của quân dân trên đảo. Trên khuôn mặt rắn rỏi, phong trần của các chiến sĩ, khi nhắc đến nhiệm vụ, ánh mắt ai cũng lấp lánh sự tự tin và niềm tự hào.
Từ Song Tử Tây, hải trình của chúng tôi qua các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa Lớn, đảo chìm Đá Nam, Len Đao… Ở nơi nào, các nghệ sĩ của Đoàn cũng nhận được tình cảm đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đó chính là nguồn động viên rất lớn giúp chúng tôi quên đi mệt mỏi để say sưa biểu diễn. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Hà Bắc chia sẻ: Chúng tôi hát ở mọi nơi, trên boong tàu, dưới cầu tàu, sân khấu đơn sơ trên đảo, có lúc hát trong hội trường, nhưng có khi chỉ hát cho một mình chiến sĩ trẻ mới xa nhà. Nhiều khi hát chẳng cần đến nhạc cụ, lời hát hòa cùng tiếng sóng và gió biển. Có người giọng đã khản đặc, nhưng khi bước chân lên một đảo mới, chứng kiến những tình cảm đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ dành cho mình là lại quên hết mệt mỏi.
Một điều đặc biệt mà ai cũng cảm nhận được là lính đảo rất mê ca hát. Họ hát ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào bằng trái tim yêu biển, yêu quê hương, đất nước. Anh Đỗ Hoàng Minh, cán bộ ở đảo Sơn Ca tâm sự: Sống giữa trùng khơi, xa quê nhà và người thân, chúng tôi lấy tiếng hát để động viên nhau lạc quan, yêu đời, đồng thời nhắn nhủ với đất liền hãy yên lòng vì đã có những người lính luôn chắc tay súng canh gác biển trời của Tổ quốc. Anh Nông Đình Hiếu, thành viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Tôi đã đi diễn ở nhiều nơi, hát cùng nhiều người nhưng chưa khi nào có cảm giác đặc biệt như khi hát cùng những người lính đảo. Chất lính và lửa trong họ là nguồn cảm hứng bất tận cho những người nghệ sĩ. Có hát cùng mới hiểu hết được lính đảo, họ thật lạc quan yêu đời. Anh Hiếu kể: Khi rời cầu cảng của đảo Trường Sa Lớn để lên tàu tiếp tục hải trình, cán bộ, chiến sĩ trên đảo xếp thành hai hàng dài hát vang những bài ca cách mạng đã đi cùng năm tháng như: Khúc quân ca Trường Sa, Đời mình là một khúc quân hành... Họ vừa hát, vừa vỗ tay và chúc Đoàn hải lộ bình an, tiếng hát tưởng chừng như khó dứt. Tàu đã nhổ neo, di chuyển xa dần nhưng cả Đoàn vẫn đứng trên boong tàu hướng về nơi đó, nơi có những chiến sĩ thầm lặng hy sinh hạnh phúc cá nhân để góp sức bảo vệ Tổ quốc.
Hải trình đầy ắp kỷ niệm kết thúc bằng điểm thăm Nhà giàn DK1. Đến nơi đây mới cảm nhận thật rõ những vất vả, hy sinh của người lính biển. Giữa bốn bề là biển, Nhà giàn như một tháp canh hiên ngang chống chọi với nắng, gió. Chỗ ở của chiến sĩ tuy nhỏ nhưng ngăn nắp, gọn gàng. Những khoảng trống được tận dụng tối đa để trồng rau, chăn nuôi tăng gia sản xuất. Anh em nghệ sĩ trong Đoàn trải chiếu giữa trời nắng hát cùng các chiến sĩ những bài hát về biển đảo, quê hương. Chiến sĩ Nguyễn Phùng Hải xúc động: Anh em trên Nhà giàn được gặp mọi người trong Đoàn đều vui lắm, vì ở đây thỉnh thoảng mới có đoàn nghệ đến thăm và giao lưu. Bình thường gió to, sóng lớn nên chủ yếu là các đoàn cán bộ đến chuyển hàng và tặng quà mỗi dịp lễ, Tết.
Được đến thăm, hát cùng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và Nhà giàn DK1, chúng tôi càng thêm hãnh diện và tự hào khi đất nước có những người con đã hiến trọn tuổi thanh xuân nơi đầu sóng, ngọn gió. Trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi được nghe kể biết bao tấm gương đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Trước khi về với đất mẹ, họ còn kịp ôm lá cờ đỏ thắm vào lòng. Giữa sự sống và cái chết, họ vẫn hiên ngang cùng đồng đội chiến đấu, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những cảm xúc đầy tự hào khiến chúng tôi càng thêm yêu Trường Sa, yêu những người lính đảo. Tạm biệt Trường Sa, dù không có điều kiện để được đến thăm nhiều, song mỗi nghệ sĩ chúng tôi thầm hứa sẽ cố gắng mang lời ca, tiếng hát làm nhịp cầu nối liền biển đảo với mảnh đất quê hương, mong các anh luôn chắc tay súng cho biển, đảo Tổ quốc mãi mãi được bình yên.