Từ 17 đến 19-8 vừa qua, tại xã Yên Đổ, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã tổ chức lớp truyền dạy văn hóa dân tộc Dao cho 60 học viên là người dân tộc Dao ở các xã Yên Ninh, Yên Đổ và Động Đạt.
Hơn 60 học viên của lớp được năm nghệ nhân người dân tộc Dao sinh sống tại địa phương truyền đạt về một số kỹ năng cơ bản trong tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ và sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, múa hát cổ truyền của người Dao. Thông qua lớp học, các nghệ nhân cao tuổi và thế hệ người Dao trẻ có điều kiện gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Đây là chương trình thực hiện theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Vụ Văn hóa Dân tộc phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên mở lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể của người Dao tại các xã Yên Đổ, Yên Minh và Động Đạt của huyện Phú Lương.
Phú Lương là huyện miền núi nằm ở phía bắc tỉnh Thái Nguyện, có tổng diện tích đất tự nhiên 36.894,65 ha, dân số hơn 107 nghìn người; huyện có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 xã, 02 thị trấn với 274 xóm, bản, trong đó có: 06 đơn vị xã, thị trấn thuộc khu vực I; 04 xã thuộc khu vực II; 06 xã thuộc khu vực III. Có 58 xóm đặc biệt khó khăn (47 xóm thuộc xã khu vực III và 11 xóm thuộc xã khu vực II).
Trên địa bàn huyện có 08 dân tộc chủ yếu cùng chung sống, trong đó tỷ lệ người Kinh chiếm 56,08%; người DTTS chiếm 43,92%. Dân tộc Dao chiếm 2,9% tổng dân số, phân bố ở nhiều nơi.
Tham gia lớp truyền dạy, các học viên sẽ được chính các nghệ nhân cao tuổi, người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể dân tộc Dao có cơ hội được trao truyền cho thế hệ con cháu, đồng thời để đồng bào dân tộc Dao bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có các bài hát dân ca, hát ví, hát giao duyên,… Nghệ nhân Dương Thị Mùi, 80 tuổi người Dao xóm Khe Nác xã Yên Đổ; Triệu Văn Quý, 60 tuổi, ngưới Dao xóm Suối Bốc xã Yên Ninh; Dương Thị Niên, 76 tuổi người Dao xóm Khe Nác xã Yên Đổ là ba nghệ nhân tiêu biểu về dạy cho rất vui mừng, khi truyền dạy cho đồng bào mình biết văn hóa bảo tồn và phục dựng trong sinh hoạt lao động cả về nội dung, môi trường và bối cảnh bảo đảm tính khách quan, chân thực. Từ đó, từng bước khôi phục, gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy những yếu tố tốt đẹp di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Dao nói riêng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương, Bùi Quang Sơn cho biết: Dân tộc Dao huyện Phú Lương có vốn văn hóa đặc sắc, được bảo tồn phát huy tốt các nét đẹp trong văn hóa ứng xử, văn hóa mặc, văn hóa giao tiếp. Đặc biệt, kho tàng văn hóa phi vật thể của người Dao huyện Phú Lương rất phong phú như lễ cấp sắc người Dao đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phục dựng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Nhiều làn điệu dân ca, dân vũ của người Dao được các thế hệ lưu truyền, là những hạt nhân nòng cốt để tiếp tục duy trì việc bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tại các bản người Dao khác của huyện.