Góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội

07:06, 26/08/2016

71 năm qua, cùng với sự lớn mạnh của sự nghiệp văn hóa cả nước, ngành Văn hóa tỉnh từng bước phát triển, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với những kết quả đạt được của ngành, mỗi “chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa” đều tự hào về những việc làm, đóng góp của mình cho sự nghiệp để tăng thêm niềm tin trên chặng đường sắp tới nhằm đưa sự nghiệp văn hóa đến những thành công mới.

Trong 8 tháng đầu năm nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tham mưu với UBND tỉnh về Chương trình phát triển sự nghiệp VH-TT&DL giai đoạn 2016-2020 trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng du lịch Khu du lịch hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2030. Triển khai dự án công trình phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp.

 

Các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi, hiệu quả, thiết thực, phục vụ tốt  nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống tinh thần cho đông đảo mọi tầng lớp nhân dân: Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa lần thứ Nhất, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 8 năm 2015 và công bố di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghi lễ Cấp sắc” của người Dao tỉnh Thái Nguyên. Tổ chức Hội thi Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Thái Nguyên với chủ đề “Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc”. Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên lần thứ Nhất và công bố Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: hát Soọng Cô của người Sán Dìu và Hét khoăn của người Nùng; Ngày hội sách và văn hóa đọc lần thứ III năm 2016 và hàng loạt các hoạt động triển lãm, trưng bày tài liệu, hiện vật về chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

 

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được nhiều kết quả đáng kể: Sở đã hoàn thành hồ sơ đề cử quốc gia Then Tày - Nùng - Thái báo cáo Bộ VH-TT&DL đệ trình UNESSCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 1 khu di tích Quốc gia đặc biệt - ATK Định Hoá (với 13 điểm di tích), 40 di tích Quốc gia, 162 di tích cấp tỉnh. Giai đoạn I của “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” với 2 dự án: Khôi phục, bảo tồn tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số của các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai. Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số” đang được triển khai, thực hiện theo kế hoạch.

 

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, triển lãm phục vụ tốt  nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân  nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa,  đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách.Tham gia Liên hoan sân khấu hài kịch không chuyên toàn quốc đạt 1 Huy chương Vàng cho 1 vở diễn, Huy chương Vàng và Huy chương Bạc cho 2 cá nhân; có 4 diễn viên của ngành được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Cùng với thành quả trong phát triển sự nghiệp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành VH-TT&DL tỉnh không ngừng được nâng cao về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

 

Để có những thành công trên là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL; sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, ngành, địa phương, các CLB hoạt động trong các lĩnh vực của ngành đã giúp ngành Văn hóa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhân dịp Kkỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa - Thông tin, ngành VH-TT&DL Thái Nguyên xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL. Chúng ta tin tưởng rằng trong giai đoạn tiếp theo, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự đoàn kết, thống nhất, vượt khó của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, người lao động, toàn ngành VH-TT&DL tỉnh sẽ có nhiều thành công hơn nữa, từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng cao của nhân dân, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,  góp phần phấn đấu đưa Thái Nguyên sớm trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng thời xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng, tham gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 291.414/308.064 gia đình đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 2.918/3.032 xóm, bản, tổ dân phố đăng ký danh hiệu “Làng, tổ dân phố văn hóa”; 1.617/1.636 cơ quan, doanh nghiệp đăng ký danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; 42/140 (30%) xã đăng ký “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 10/40 phường đăng ký “phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”...