Không chấp nhận kiểu chụp hời hợt hay nhờ vả photoshop, khẳng định cái tôi trong nhiếp ảnh là những gì công chúng nhìn thấy ở Hội chợ Nhiếp ảnh Việt Nam lần thứ II, diễn ra từ ngày 6 - 14/8 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội).
Cuộc chơi sòng phẳng
“Cuộc chơi” ánh sáng lần thứ II này quy tụ những tay máy nhà nghề và bán chuyên với những tác phẩm chân dung, thiên nhiên, cuộc sống đường phố, trừu tượng, phong cảnh… Tuy khác nhau về phong cách, kỹ thuật chụp, nhưng có một điểm chung là muốn tạo dựng một sân chơi sòng phẳng giữa người sáng tác và người thưởng thức. Tại đây, nguyên tắc về tính nguyên gốc được áp dụng tuyệt đối, nhằm khẳng định giá trị văn hóa và tác quyền, đồng thời tôn trọng sự khác biệt trong lao động nghệ thuật. Đó cũng chính là tâm huyết của các tác giả muốn trao tặng cho cộng đồng những tác phẩm chân thực nhất.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích chia sẻ: “Dường như phù thủy photoshop đang ngày càng thống trị trong giới cầm máy hiện đại, mọi người mặc nhiên chấp nhận ảnh chỉnh sửa một cách thô thiển. Minh chứng là ngày càng có nhiều bức ảnh lắp ghép vụng về được đem ra mổ xẻ, trong đó không ít tác phẩm đoạt giải cao ở các cuộc thi lớn. Không so sánh với những triển lãm ảnh mang tính phong trào hoặc triển lãm mỹ thuật chính quy, song Hội chợ Nhiếp ảnh Việt Nam tuyệt đối không có cửa cho các tác phẩm đã được photoshop phù phép”. Và quả thực, qua những tác phẩm có hồn được trưng bày, ngay cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng phải thừa nhận, đây là cuộc chơi của những con người tâm huyết muốn cống hiến cho cộng đồng những tác phẩm chân thực nhất.
Khẳng định giá trị sáng tạo độc lập
Lâu nay, những người đam mê nhiếp ảnh vẫn thường ngán ngẩm khi các bức ảnh na ná dạng như đua bò, ruộng bậc thang mùa lúa chín, quăng lưới… được trưng lên ở hầu hết các cuộc triển lãm. Bởi dường như đã thành tập quán, cứ sau mỗi kỳ thi, giới nhiếp ảnh lại đổ xô tới nơi chụp bức ảnh đoạt giải để sáng tác. Thậm chí, có người lặp lại cả về thời gian, góc máy, hướng sáng, nhân vật. Tính sao chép ấy còn lan tỏa trong cộng đồng với những trào lưu chụp sen, cánh đồng tam giác mạch… Tất cả đang dần tự triệt tiêu tính độc lập của người làm nghệ thuật.
Đáng buồn hơn, khi mà những tay máy chân chính sau khi chia sẻ hình ảnh lại gần như chấp nhận việc tác phẩm ảnh của mình bị xâm hại bản quyền. Còn những người vi phạm tác quyền cứ vô tư sử dụng ảnh, thậm chí là để lắp ghép với các tác phẩm của họ. Nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu cho rằng, đó là lý do khiến tác phẩm nhiếp ảnh luôn bị đánh giá ở tầm mức rất thấp so với các loại hình nghệ thuật khác. Rất ít ai đánh giá cao công sức của những người cầm máy, dù để có được một tác phẩm ưng ý, nghệ sĩ đã phải trải qua nhiều ngày ngoài nắng gió với những thiết bị nặng và vướng víu. “Hội chợ Nhiếp ảnh Việt Nam được chúng tôi tổ chức với nỗ lực tuy có phần tuyệt vọng nhưng cũng không hề thiếu lòng can đảm, với kỳ vọng thay đổi những thói quen sáng tác cũng như quan niệm của công chúng với bộ môn nghệ thuật ánh sáng” - nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu nhấn mạnh. Ngoài ra, những người sáng lập Hội chợ Nhiếp ảnh muốn đưa ra thông điệp: Tri thức không ban phát miễn phí và cái đẹp cần được trân trọng bằng việc bỏ tiền ra mua. Do đó, các tác phẩm được định giá rõ ràng để khẳng định giá trị, và những buổi nói chuyện về kỹ thuật chụp ảnh, mối tương tác giữa nhiếp ảnh, đồ họa... với sự tham gia của các nhiếp ảnh gia dày dạn kinh nghiệm sẽ được thu phí.