Bên bàn trà, ông Trần Yên Bình, tổ 1A, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) nắn nót từng phím đàn tính cùng lời then. Tiếng tính, câu then quyện hòa, thổn thức tạo nên một hấp dẫn kỳ lạ, lôi cuốn mọi người nhập cuộc vui. Bất chợt ông dừng lời, buông cây đàn, bảo: Từ lâu, tiếng tính, câu then đang bị mai một dần, vì người lớn lo làm ăn, trẻ nhỏ mê tân nhạc, còn tôi tìm thầy học tiếng Tày, tập gảy đàn tính và học hát then.
Vốn là dân văn công của tỉnh, từng suốt hơn ba mươi năm gắn bó với nghiệp cầm ca. Chuyện nghề, ông thuộc diện đa hệ. Lên sân khấu diễn chèo, ông làm các bà, các mẹ say như điếu đổ. Nhưng duyên phận đưa ông rẽ lối sang ca kịch cải lương. Điều khiến giới nghệ sĩ ngạc nhiên là ông không bị pha giọng giữa cải lương và chèo. Nhất là những năm còn bao cấp, theo đoàn đi biểu diễn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, nhiều sơn nữ ngỡ ông người miền Nam, được tăng cường từ Đoàn Cải lương Chuông Vàng về tỉnh. Lời khen của các cô gái Tày, Nùng không làm ông vui. Có lần bên cánh gà sân khấu, ông đã bảo với mấy cô bạn hâm mộ: Tiếng đàn tính, lời hát then mới là hồn cốt làm nên sức sống tinh thần mạnh mẽ của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng Việt Bắc. Các bạn nên tầm thầy mà học.
Ông không ngờ sau này, câu hát then, tiếng đàn tính lại vận vào cuộc đời mình sâu sắc đến vậy. Đó là khoảng thời gian sau năm 2000, ông được điều động từ đoàn nghệ thuật sang Nhà Văn hoá tỉnh (nay là Trung tâm Văn hoá tỉnh). Ở đây, ông được Giám đốc Trung tâm giao nhiệm vụ về cơ sở xây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng. Đi xây dựng phong trào, ông có điều kiện gần gũi với với bà con dân bản. Qua đó, ông tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán và những nét đẹp văn hóa trong cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.
Năm 2005, chuẩn bị cho Liên hoan Hát then toàn quốc được tổ chức lần đầu tại Thái Nguyên, ông trực tiếp về các bản làng người Tày ở các huyện Định Hoá, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai để tìm nghệ nhân hát then. Chẳng quản đường đất vất vả, ông đã đến nhà một số nghệ nhân tiêu biểu để gặp gỡ, trò chuyện, rồi vận động các cụ đại diện cho làng then của Thái Nguyên tham gia Liên hoan. Ông kể: Hầu hết người biết hát then đều nhiệt tình, hăng hái, nhưng đã già. Nhiều cụ ngồi bên bếp lửa cầm cây đàn tính, tay múa trên phím đàn, miệng hát bằng lời rừng, lời núi làm người trong bản phấn chấn đến chia vui. Tiếc là ở các bản làng đồng bào Tày, nhiều cụ được ví như một bảo tàng then, nhưng tuổi cao, sức yếu, không thể tham gia những chương trình liên hoan nghệ thuật cấp tỉnh, như nghệ nhân Luyến Lá (Phúc Chu, Định Hoá), nghệ nhân Tuất Định (Phú Tiến, Định Hoá)… khi tôi đến thăm, cụ Luyến Lá gần 90 tuổi, cụ Tuất Định gần 80 tuổi.
Thời gian như bóng câu qua cửa, mới hồi nào còn xuân, vậy mà nay đã già, nhiều nghệ nhân lặng lẽ mang lời then theo về với tổ tiên. Còn lại với dân bản là cây đàn tính treo trên tường nhà, phủ mờ bụi thời gian. Đã có nhiều đêm ông không ngủ, trăn trở nghĩ suy là phải làm như thế nào đó để câu then, tiếng tính - hồn cốt của đồng bào dân tộc Tày, Nùng có được một sức sống sinh động. Một lần, ông “bạo gan” mang điều trăn trở của mình báo cáo lại với Ban Giám đốc Nhà Văn hoá tỉnh, đồng thời trình bày phương án làm tươi mới phong trào hát then, chơi đàn tính thông qua sinh hoạt câu lạc bộ (CLB). Theo ông Bình, Việc thành lập CLB sẽ tập hợp được các nghệ nhân hát then, đàn tính. Nhân đó, các nghệ nhân có cơ hội truyền dạy lại câu then, tiếng tính cho lớp trẻ. Nghe xong, ông Mông Đông Vũ, Giám đốc Nhà Văn hoá đập 2 bàn tay vào nhau, tán thưởng, ủng hộ ngay.
Đó là vào một ngày giữa mùa Đông năm 2006, ông bắt đầu thực hiện tâm huyết của mình là được đóng góp chút nhỏ công sức giúp đồng bào Tày, Nùng khôi phục, bảo tồn một nét đẹp văn hóa truyền thống. Cơm nắm, cơm đùm ông trở lại những bản làng đồng bào người Tày, tìm đến nhà nghệ nhân hát then, đàn tính để hàn huyên, vận động các cụ tham gia CLB. Đi đến đâu, ông cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cụ và người dân. Nhiều cụ bảo: Ta đã già. Ta không muốn mang lời then, tiếng tính tẩu theo về thế giới người hiền, mà muốn có cơ hội truyền dạy lại cho con, cháu. Nhưng CLB là cái gì? Có cụ hỏi như thế, nghệ nhân hát then Hoàng Thị Bích Hồng cũng hỏi như thế.
Nhắc chuyện cũ, nghệ nhân hát then Hoàng Bích Hồng kể: Trước đây, tôi công tác ở đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc. Tôi nghỉ hưu năm 2000. Khoảng giữa năm 2006, ông Bình đến nhà vận động tôi tham gia CLB hát then, đàn tính. Ông còn vận động tôi làm Chủ nhiệm CLB. Khi ấy, tôi thấy vui, nhưng lo lắm, vì làm Chủ nhiệm CLB, tập hợp các cụ văn nghệ sĩ, đưa nhau đi biểu diễn không nuôi sống được nhau thì…
Giây lát dừng lời ngẫm ngợi, ông Bình cho biết thêm: Bắt đầu là giải thích cho chị Hồng hiểu thế nào là CLB, rồi vận động chị làm Chủ nhiệm CLB, cách duy trì sinh hoạt CLB và phát triển hội viên. Khi mọi sự đã chín, ngày 9-1-2007, CLB hát then, đàn tính chính thức được thành lập, song đa số hội viên nòng cốt đều là nghệ nhân hát then có tên tuổi trong làng then Việt Bắc, như: Nghệ nhân Bích Hồng, Phạm Duy Quang, Nông Thị Quỳnh, Đinh Thị Lan, Nguyễn Minh Chín, Ma Ngọc Chỏi, Ma Đình Tài, Nguyễn Văn Lanh, Lưu Xuân Lai, Ma Văn Tào… Giây lát ngập ngừng, ông tiếp tục câu chuyện: Theo yêu cầu của Ban Giám đốc Nhà Văn hoá tỉnh, việc thành lập CLB phải có đủ từ 10 người trở lên. Nhưng số nghệ nhân hát then, chơi đàn tính không đủ, nên tôi đã vận động bạn bè của mình tham gia sinh hoạt CLB, đợi khi có thêm người đăng ký tham gia, sẽ lui lại hậu trường.
Một bất ngờ là ngay sau khi thành lập CLB, tiếng tính, câu then cất lên rộn ràng nền nẩy đã tạo được sức hấp dẫn với bao người mê hát then, chơi đàn tính. Nhiều nghệ nhân ở những bản làng xa xôi của các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương tìm về đăng ký tham gia CLB. Bấm đốt tay, ông Bình tự hào: Mới đó đã hơn 9 năm thành lập “làng then”, từ 18 thành viên ban đầu, đến nay đã phát triển lên hơn 60 thành viên. Một điều rất đáng trân trọng là trong CLB, ngoài người dân tộc Tày, Nùng còn có người dân tộc Kinh, dân tộc Dao.
Ông nâng cây đàn tính, lướt nhẹ những ngón tay lên phím đàn, miệng nhấn nhá nhả lời: Người Tày có câu: Đời không biết Then như chim không tiếng hót, như cây xanh không hoa, lá, như cá không suối, sông… Ông đã hát say xưa như một nghệ nhân hát then, đàn tính của bản làng đồng bào người dân tộc Tày, Nùng Việt Bắc. Nhưng khi nói về sự gây dựng, “phổ cập” phong trào hát then, chơi đàn tính rộng rãi trong tỉnh, ông Bình khiêm tốn, bảo: Tôi là người nhen lại ngọn lửa then, tiếng đàn tính. Còn các nghệ nhân như chị Hoàng Thị Bích Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát then, đàn tính Thái Nguyên mới là người gìn giữ, lưu truyền câu then, tiếng tính trong lòng đồng bào các dân tộc Tày, Nùng Việt Bắc.