Khẳng định vị thế và hướng đi cần thiết cho giảng dạy Lịch sử ở Việt Nam

17:00, 15/09/2016

Ngày 15-9, tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội nghị bàn về phương pháp biên soạn và giảng dạy Lịch sử Việt Nam. Dự Hội nghị có Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng các chuyên gia đầu ngành về Lịch sử và đông đảo hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khu vực phía Bắc.

Trong bài phát biểu khai mạc, Giáo sư Phan Huy Lê khẳng định: “Đối với bất cứ quốc gia, dân tộc nào trên thế giới, lịch sử luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đối với Việt Nam, lịch sử không chỉ là quá khứ của dân tộc mà còn là một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú trong xây dựng và bảo vệ đất nước, là những giá trị lịch sử và văn hóa được tích lũy làm điểm tựa cho dân tộc vượt qua mọi thử thách, khó khăn. Đồng thời, cũng là tài nguyên vô tận có thể khai thác từ rất nhiều góc độ khác nhau phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xuất hiện rất nhiều ấn phẩm viết về lịch sử dưới rất nhiều dạng thức và thể loại. Cách viết sử theo phong trào đó đã bộc lộ những hạn chế và những khuynh hướng cực đoan mà nếu không có những điều chỉnh khoa học thì sẽ dẫn tới những hậu quả nặng nề”. Điều này đòi hỏi sự ra đời của Bộ Lịch sử Việt Nam, đây là một Đề án Khoa học xã hội cấp Quốc gia được tiến hành theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ và được ví như là một công trình mang tính quốc gia với yêu cầu khoa học và chuẩn mực cao.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề như: Tổng quát Đề án nghiên cứu, biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam; một số phương pháp mới vận dụng trong nghiên cứu lịch sử; Phương pháp nghiên cứu trong khoa học lịch sử; phương pháp biên soạn biên niên lịch sử quả một bản đề cương; một số vấn đề về phương pháp nghiên cứu và biên soạn lịch sử địa phương và lịch sử ngành; thành tựu nghiên cứu mới về quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ; di sản văn hóa, Luật Di sản văn hóa và trách nhiệm của nhà sử học trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa… Đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về nội dung liên quan đến “Chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” với những tư liệu và bằng chứng lịch sử cụ thể.

 

Trước đó, cùng chủ đề này Hội nghị đã được tổ chức tại Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh và T.P Quy Nhơn với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu Lịch sử các địa phương.