Nhiều di tích lịch sử đang xuống cấp

18:19, 08/09/2016

Huyện Phú Bình có 49 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 7 di tích đã được xếp hạng Quốc gia, còn lại là cấp tỉnh. Hiện nay, một số di tích xếp hạng cấp tỉnh đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng rất cần được tu sửa.

Được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVII, Đình Đoài là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân hai xóm Củ và Ngói (xã Hà Châu). Đình thờ 7 vị thần, trong đó có danh tướng Dương Tự Minh và Tướng quân Phạm Cự Lượng (người đã có công phò tá Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân). Toàn bộ kiến trúc ngôi đình giống như con thuyền lớn đang xòe buồm chuẩn bị lướt sóng ra khơi. Phía trước cửa đình còn lưu giữ cổng tứ trụ (4 cột đồng trụ) xây bằng gạch vữa khắc chữ ca ngợi cảnh đẹp của di tích, trên đắp hình ô lồng đèn và hình quả găng. Trong Đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị về lich sử, kiến trúc nghệ thuật như 17 sắc phong, 1 bản ghi danh mục các sắc phong, bát biểu, hương án, bát hương cổ, 1 bộ kiệu bát cống...

 

Với những giá trị về lịch sử văn hóa tiêu biểu, năm 2010 đình Đoài đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo thời gian, hiện nay di tích đình Đoài đang bị hư hỏng và xuống cấp. Mái ngói bị xô lệch, có chỗ được vá tạm thời bằng tấm prôximăng để chống dột, tường ẩm thấp, vết nứt vỡ loang lổ kéo dài trên tường. Ông Nguyễn Tuấn Chanh, Trưởng ban Quản lý đình Đoài cho biết, người dân chúng tôi ai cũng lo sợ đình có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào nếu không được tu sửa kịp thời. Chúng tôi mong mỏi các cấp chính quyền cần sớm quan tâm, bố trí kinh phí để tu bổ ngôi đình, để bà con nhân dân chúng tôi an tâm sinh hoạt văn hóa, tâm linh.

 

Cũng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh song đình Diệm Dương (xóm Núi, xã Nga My) tình trạng xuống cấp nghiêm trọng gấp nhiều lần đình Đoài. Toàn bộ các hoành dui, cột trụ đều đã bị mối mọt, mục nát, cá biệt có một vài cây hoành, dui đã bị mối mọt làm cho gãy đôi. Trên tường, những vết nứt vỡ sâu được vá tạm bợ bằng xi măng trông rất mất thẩm mỹ, phần mái, ngói đã bị xô lệch, vào ngày mưa thì dột khắp nơi.

 

Ông Nguyễn Minh Tăng, Trưởng ban Quản lý di tích đình Diệm Dương cho biết: Đình Diệm Dương được nhân dân khởi dựng vào khoảng cuối thời nhà Lê với quy mô 10 gian, cột gỗ lim, mái lợp ngói vầy. Đình thờ danh tướng Dương Tự minh và 2 người vợ của ông. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, ngôi đình bị phá hủy hoàn toàn, năm 1963 Đình được phục hồi và được tôn tạo lại vào năm 2003 trên nền cũ. Đình gồm hậu cung và nhà tiền tế; nhà tiền tế có 3 gian 2 trái rộng 70m2, hậu cung rộng 50m2. Hiện nay, Đình còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị như: 15 sắc phong có niên đại từ thời Vua Trệu Trị (1847) đến Vua Khải Định (1942); bia đá hậu thần bia ký cổ có niên đại cuối thời Nguyễn, ngai thờ cổ bằng gỗ, bộ bát bửu...

 

Nói về tình trạng xuống cấp của ngôi đình, ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư Chi bộ xóm Núi cho hay: Cách đây không lâu, trong khi các hương lão của xóm đang làm lễ trong đình, một phần ngói rơi xuống nền, may mắn không rơi vào ai song cũng làm các cụ một phen kinh hãi. Nguyên nhân là do phần hoành dui đã bị mối mọt đục khoét làm gãy đôi, ngói không có điểm đỡ nên rơi xuống. Những năm qua, chúng tôi cũng đã thay tạm một số thanh dui đã bị gãy do mối mọt, lợp lại một phần góc mái đình; căng phủ bạt che mái để chống dột mỗi khi trời mưa song vẫn không khắc phục hết toàn bộ di tích. Bởi việc cải tạo nằm ngoài khả năng của người dân, đặc biệt theo  quy định của Luật Di sản văn hóa, di tích đã được xếp hạng của tỉnh muốn trùng tu, tôn tạo cần phải được sự cho phép và hướng dẫn trực tiếp của các cơ quan chức năng…

 

Không chỉ riêng 2 di tích này, trên địa bàn huyện Phú Bình còn Di tích chùa nghè Hản (xã Tân Đức), chùa Nông Cúng (xã Đào Xá) cũng đang tình trạng tương tự, cần được sửa chữa kịp thời, ông Dương Văn Xuân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Năm 2015, huyện cũng đã kiến nghị lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh đề nghị sớm bố trí nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo một số di tích đang xuống cấp nghiêm trọng. Với hiện trạng xuống cấp của các đình chùa đã nêu ở trên, bên cạnh việc tiếp tục đề nghị tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí thì chúng tôi sẽ phối hợp cùng với chính quyền địa phương triển khai các giải pháp, huy động các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa nhằm sớm tu bổ các di tích.