Họ là những cán bộ, đảng viên tích cực trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. Họ tận tụy hết sức mình để cùng đồng bào các dân tộc phục dựng, phát huy những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống từng tồn tại trong đời sống tinh thần của đồng bào. Là người dân tộc Kinh, nhưng họ có đóng góp không nhỏ để những giai điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc thiểu số còn mãi với thời gian. Họ góp một phần nhỏ bé công sức của mình vào việc thực hiện thành công Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Bởi lẽ ấy, họ được đồng bào các dân tộc quý mến, gọi là những người con của bản.
Bài I: Say mê vũ điệu cổ gần nghìn năm tuổi
Ông sử dụng thành thạo bộ gõ, chuông, chiêng, sắm sẹ… các loại nhạc cụ phục vụ cho cuộc nhảy Tắc Xình. Ông cũng có thể nhảy Tắc Xình, hát Sấng Cộ nhuyễn như một nghệ nhân. Ông là Bùi Quang Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lương. Ông cho biết: Tắc Xình - một vũ điệu cổ gần nghìn năm tuổi của đồng bào người dân tộc Sán Chay, tôi chỉ là một trong rất nhiều thế hệ cán bộ làm công tác văn hóa của tỉnh đam mê và tham gia cùng các nghệ nhân người dân tộc Sán Chay chung sức gầy dựng, đưa vũ điệu Tắc Xình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ông Sơn tự hào: Bây giờ, vũ điệu Tắc Xình không chỉ là đặc sản của riêng đồng bào người dân tộc Sán Chay, mà là “đặc sản” chung của nhân dân huyện Phú Lương. Nhất là sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (25-8-2014), vũ điệu Tắc Xình như “trời hạn gặp mưa”, được đội văn nghệ của các làng, bản, tổ dân cư trong huyện Phú Lương đón nhận, tập luyện. Đặc biệt, ngày 6-9-2016, huyện Phú Lương có Kế hoạch liên tịch giữa UBND, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, huyện Đoàn về việc phối hợp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Quốc gia múa Tắc Xình và hát Sấng Cộ.
Ông Sơn dừng lời rồi lục tìm trong các hộc tủ tài liệu, lấy cho tôi xem những tấm ảnh do chính ông “chộp” được các động tác trong vũ điệu gần nghìn năm tuổi của đồng bào dân tộc Sán Chay. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn, chợt nhận ra phía sau mỗi tấm ảnh bao công sức, mồ hôi và hạnh phúc kiếm tìm của các thế hệ những người làm công tác văn hóa. Trong sự việc cụ thể này, ông Sơn là người đi sau, nhưng biết kế tục, phát triển thành công ý tưởng của người đi trước, góp sức nâng tầm nghệ thuật và giá trị văn hóa của vũ điệu được thể hiện trên nền âm thanh mang đậm chất men rừng.
Cũng lời ông Sơn: Người “mở đường” đưa vũ điệu Tắc Xình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia phải kể đến ông Giang Khuê Tấn, nguyên cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Năm 1990, ông Tấn đã tìm về Làng Hin, xã Phấn Mễ để gặp cụ Chánh Phẩm, sưu tầm vũ điệu Tắc Xình và phục dựng thành công điệu múa, mang trình làng tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Bắc Thái. Ngay lần đầu xuất hiện trên sân khấu, vũ điệu Tắc Xình đã được các nhà chuyên môn và công chúng hoan nghênh, đánh giá cao.
Tiếc rằng sau Liên hoan, múa Tắc Xình bị quên bẵng. Nhưng ở bản, làng người đồng bào dân tộc Sán Chay, bà con vẫn duy trì điệu múa Tắc Xình vào dịp hội làng đầu Xuân, chủ yếu diễn ra ở bản Đồng Tâm, xã Tức Tranh, nhưng số người tham gia không nhiều. Ông Sơn nhớ lại: Trước khi vào nhận công tác ở Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lương, tôi thường xuyên về Đồng Tâm giao lưu với bà con dân bản, được bà con quý mến. Hội Xuân năm 1993, tôi nhận lời mời của các già làng về Đồng Tâm dự lễ hội, xem múa Tắc Xình, nghe hát ví Sấng Cộ. Ngay lần đầu được xem, tôi đã “say như điếu đổ” và tham gia nhập cuộc bằng cách chơi trống, xóc nhạc và cùng nhảy múa như người của bản. Sau này vào nhận công tác ở Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, tôi có nhiều thời gian để về bản Đồng Tâm giao lưu, gặp gỡ những người cao tuổi để nghiên cứu vũ điệu đầy tính chất tâm linh từng gắn bó với cộng đồng người dân tộc Sán Chay suốt gần 10 thế kỷ. Có lúc tôi tự hỏi lòng mình: Vì lý do gì để một vũ điệu cổ được lưu truyền qua hàng trăm thế hệ, mà không mảy may mai một, còn nguyên bản sắc văn hóa gốc?
Nhiều cán bộ trong ngành Văn hóa tỉnh nói vui: Ông Sơn là người có duyên với điệu múa cổ của đồng bào dân tộc Sán Chay, nên muốn tránh vẫn gặp. Chuyện là vào năm 1996, anh chị em cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện về xóm Đồng Tâm xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu trong đồng bào các dân tộc của huyện. Đây là cái cớ tạo duyên cho ông Sơn được về Đồng Tâm nhiều hơn để cùng đồng bào xây dựng phong trào văn hóa. Điều khiến ông mê mẩn nhất ở bản Đồng Tâm là vũ điệu Tắc Xình.
Bằng kinh nghiệm của một người làm công tác văn hóa, ông Sơn phát hiện có khá nhiều nghệ nhân người dân tộc Sán Chay ở các làng, bản khác trong huyện về tham gia điệu vũ cổ. Nhân đó, ông cùng lành đạo cơ quan “xin” địa chỉ và tìm về nhà các nghệ nhân Hầu Văn Đạo; Chạc Thị Hậu ở bản Đồng Tâm (Tức Tranh); nghệ nhân Trần Văn Tài, xóm Đồng Xiền (Yên Lạc); nghệ nhân Vi Văn Cài, xóm Pháng 3 (Phú Đô); nghệ nhân Trần Kim Phúc, xóm Khe Thương (Yên Đổ); nghệ nhân La Ngọc Phẩm xóm Đồng Danh (Yên Ninh)… để khảo sát, thu thập những nét cơ bản của múa Tắc Xình. Khi đã có trong tay đầy đủ thông tin, ông cùng anh, chị em trong cơ quan thực hiện phục dựng hoàn chỉnh các động tác của điệu múa, đồng thời vận động bà con tập luyện để tham gia biểu diễn tại các hoạt động văn nghệ quần chúng trong, ngoài tỉnh.
Ông Sơn cho biết: Việc phục dựng điệu múa được chúng tôi thực hiện trên nền gốc, không thêm, bớt, mà chỉ nâng cao hơn về tính thẩm mỹ nghệ thuật, ví như các động tác tay, chân khỏe khoắn, dứt khoát hơn; sự biểu cảm trên nét mặt khi múa được tự nhiên, thoải mái và có hồn hơn. Chính vì thế mà khi triển khai tập luyện, chúng tôi nhận được sự ủng hộ tích cực của đồng bào người dân tộc Sán Chay trong huyện... Tuy nhiên, khi mang điệu múa Tắc Xình cổ đi trình diễn với “bàn dân thiên hạ”, khó khăn nhất đối với đội múa Tắc Xình là việc sử dụng đạo cụ như thế nào cho hợp lý. Với các đạo cụ như chuông, chiêng, sắm sẹ và một số đạo cụ khác thì có thể mang theo, còn trống đất, đạo cụ chính phải được đào đất thành 1 hố sâu. Vậy là sau nhiều đêm mất ngủ, ông Sơn nảy ra ý tưởng: Thay việc đào sân khấu là sử dụng chiếc chum sành đặt trong hộp gỗ. Ý tưởng thành công, cả đội diễn phấn chấn cùng mang đặc sản quê nhà đi chiêu đãi thiên hạ. Gần đây nhất, năm 2013, nhóm nghệ nhân múa Tắc Xình xóm Đồng Tâm (Tức Tranh) tham gia Liên hoan Dân ca, Dân vũ toàn quốc tại Hà Nội giành giải A toàn quốc.
Nhìn ông say miết trong điệu múa, không riêng tôi, mà có rất nhiều người nể phục ông - người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Suốt hơn 20 năm, ông mang nợ duyên với vũ điệu gần nghìn năm tuổi. Hơn thế, ông đã cùng các thế hệ cán bộ làm công tác văn hóa tỉnh Thái Nguyên, tìm về cội nguồn điệu múa, để nghiên cứu, phục dựng, nâng tầm vũ điệu của đồng bào người dân tộc Sán Chay trở thành một tài sản quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam.