Phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu

16:13, 07/09/2016

Hoạt động du lịch luôn nhạy cảm với các điều kiện môi trường tự nhiên và cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong bối cảnh du lịch Việt Nam được xác định sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, việc tìm giải pháp để nâng cao khả năng ứng phó BĐKH càng trở thành đòi hỏi cấp thiết.

Theo PGS, TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam (Tổng cục Du lịch), BĐKH tác động đến ba nhóm đối tượng chủ yếu của du lịch, gồm: Tài nguyên du lịch, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hoạt động lữ hành. BĐKH ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng, phát triển, tồn tại của nhiều hệ sinh thái có giá trị về du lịch; làm xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ gây ngập úng, hư hại, thậm chí biến mất những di tích lịch sử văn hóa - dạng tài nguyên có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam; từ đó làm phát sinh các chi phí bảo trì, phục hồi, tu sửa… Thời tiết xấu cũng làm ảnh hưởng tới hạ tầng, nhất là giao thông, khiến việc vận chuyển khách khó khăn, hoạt động du lịch bị ngừng trệ. Đó là chưa kể, BĐKH còn làm tiềm năng điện, nước ngọt phục vụ du lịch suy giảm, hạn chế khả năng cung cấp dịch vụ du lịch chất lượng cao. Và khi một trong những yếu tố này xảy ra, hoạt động lữ hành - lĩnh vực vốn được xem là “linh hồn” của ngành du lịch đương nhiên khó vận hành. Có thể thấy, BĐKH chính là thách thức lớn mà ngành du lịch nước ta phải đối mặt. Nó không những tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh du lịch của doanh nghiệp, thu nhập của người lao động trong nước mà còn có khả năng đe dọa trực tiếp tới an toàn tính mạng du khách.

 

Để giảm dần những rủi ro mà BĐKH mang lại, tiến tới phát triển du lịch bền vững theo hướng có trách nhiệm với môi trường và xã hội, ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng kế hoạch tổng thể với các phương án hành động rõ ràng để ứng phó BĐKH trên cơ sở học hỏi, ứng dụng những bài học thành công từ các nước. Tuy nhiên, thực hiện điều này không đơn giản bởi nhân lực du lịch nước ta còn thiếu kinh nghiệm thực tế. Theo GS Pi-tơ Bơn, chuyên gia Dự án EU-ESRT, ở góc độ ngành du lịch, các Sở Du lịch hay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các cấp tỉnh, thành phố hiện đã nhận thức được về nguy cơ của BĐKH, nhưng thiếu kiến thức chuyên môn về thích ứng và giảm thiểu. Các biện pháp thích ứng thường dựa trên ứng phó của từng doanh nghiệp, thay vì những nỗ lực hợp tác được điều phối trong kế hoạch tổng thể chung. Ở góc độ khoa học, những đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu ở cấp tỉnh, thành phố có kiến thức khoa học tốt, nhưng không nhận thức được những vấn đề khó khăn cụ thể, riêng biệt với ngành du lịch. Do đó, theo GS Bơn, Việt Nam cần có sự trao đổi thông tin hiệu quả giữa các cơ quan chính phủ để những người làm du lịch hiểu rõ về BĐKH và những người làm khoa học cũng hiểu biết hơn về đặc thù du lịch.

 

Mới đây, để tăng cường sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức quốc tế về BĐKH đối với hoạt động du lịch cũng như chia sẻ thực hành tốt về ứng phó BĐKH trong hoạt động du lịch, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội nghị “Việt Nam: Hướng tới du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu” với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án EU-ESRT. Nhiều chuyên gia cho rằng, với vai trò phối hợp các đối tác trong chính phủ, ngành du lịch cần định ra chính sách mới, quyết liệt, nhất quán và triển khai thực hành kinh doanh “xanh” gắn du lịch với các hành động bảo vệ môi trường và khí hậu. Song song với việc xây dựng chính sách trên cơ sở học hỏi các bên liên quan, ngành du lịch cũng cần đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học về ứng phó BĐKH trong ngành du lịch. Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông nhằm tác động tới thái độ và mong đợi của khách du lịch về thực hành bảo vệ môi trường khi đi du lịch.

 

Bước đầu hiện thực hóa sự quan tâm đối với công tác ứng phó với BĐKH, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực du lịch và BĐKH nhằm thiết lập cơ sở cùng phối hợp hành động vì mục đích phát triển bền vững ngành du lịch và ứng phó hiệu quả với BĐKH tại Việt Nam. Các nội dung hợp tác chính, gồm: Trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ và hợp tác trong việc lồng ghép BĐKH vào chiến lược phát triển ngành du lịch; cập nhật và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH; thực hiện các chương trình, dự án có liên quan đến BĐKH và các hoạt động nâng cao năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức về BĐKH cho các đối tượng liên quan trong ngành. Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nghiên cứu kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1326/QĐ-BVHTTDL ngày 6-4-2016 để đề xuất Tổng cục triển khai thực hiện. Tổng Cục trưởng cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp giảm thải khí CO2; các cơ sở đào tạo du lịch đưa nội dung BĐKH vào chương trình giảng dạy, góp phần nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ môi trường, đóng góp vào tăng trưởng xanh cho du lịch Việt Nam…

 

Được biết, từ tháng 4 vừa qua, các chuyên gia Dự án EU-ESRT đã nghiên cứu xây dựng tài liệu Hướng dẫn thực hành tốt về phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam, trên cơ sở huy động sự góp sức của các chuyên gia trong và nước ngoài nghiên cứu thực tế BĐKH của Việt Nam cũng như các điển hình tốt của quốc tế. Bộ tài liệu này sẽ được hoàn thiện trong tháng 8-2016 để bàn giao cho Tổng cục Du lịch phổ biến rộng rãi tới các ban, ngành liên quan, các đơn vị kinh doanh du lịch, các điểm đến… nhằm tăng cường hiệu quả thích ứng, ứng phó BĐKH.