Người giữ hồn văn hóa dân tộc Dao

15:12, 17/10/2016

Bình minh trên bản người Dao Chiểm 1, xã Quân Chu (Đại Từ) được bắt đầu với Nghi lễ Cấp sắc. Người đàn ông ngoài 70 tuổi, có gương mặt rắn rỏi đang say sưa "truyền" sức mạnh thần bí của mình cho những chàng trai đến tuổi trưởng thành. Ông dạy các chàng trai phải biết ơn nghĩa mẹ công cha, thủy chung với bạn bè, có lòng vị tha và dũng cảm, xây dựng, gìn giữ bản làng. Ông là nghệ nhân Bàn Đức Báo hay còn gọi là Bàn Lai - người được coi là biểu tượng văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Dao bản Chiểm 1.

Người Dao có câu hát: "Tiếng khèn như sông lớn chảy, điệu páo dung em hát anh say, cuốn sách cổ những lời dăn dạy, nuôi chúng ta khôn lớn từng ngày". Câu hát này được trẻ con và người lớn trong bản thuộc lòng qua sự truyền dạy của nghệ nhân Bàn Lai. Mọi công to việc lớn trong làng, từ Nghi lễ Cấp sắc cho thanh niên, Tết nhảy lửa, cúng đặt tên, cúng ma, cúng cưới hỏi đều do ông đứng ra làm lễ. Với đồng bào Dao ở bản Chiểm 1, hình ảnh của vị già làng, nghệ nhân Bàn Lai đã trở nên thân thuộc, gắn bó với cuộc sống của họ. Ông Triệu Văn Thông, xóm Vang, xã Quân Chu (Đại Từ) chia sẻ: "Ông Bàn Lai là một thầy giỏi, rất có uy tín trong đồng bào dân tộc, ông còn bảo tồn những nét văn hóa của dân tộc Dao. Ông luôn dìu dắt, dạy bảo thế hệ trẻ trong làng, bản phải gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình".

 

Qua các điều nguyện, điều hỏi, điều cấm của Lễ Cấp sắc đã được thiêng liêng hóa, nghệ nhân Bàn Lai đã xây dựng nó trở thành những biểu tượng, giá trị đạo đức mà người trong bản cần phải giữ gìn, phải phấn đấu để đạt tới. Ông răn dạy người trong bản đặc biệt là thanh niên phải hướng tới chân - thiện - mỹ, phải biết ơn cha mẹ, hàng xóm láng giềng…; sống chân thật không lừa lọc, dâm đãng, phải có lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì người khác; biết sống hài hòa với thiên nhiên… Ngay cả vấn đề chấp hành luật lệ cũng được ông đề cập tới trong Lễ Cấp sắc: "Con cháu bản làng không được gây họa, phải tôn trọng luật lệ nếu ai không tuân theo luật lệ đều phải đưa ra trị tội". Ông Bàn Đức Báo cho biết: "Tôi nắm được văn hóa bản sắc của dân tộc mình thì tôi dạy bảo các anh, em, con, cháu nắm được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao, đặc biệt là Dao Quần chẹp chúng tôi, để không bị mai một theo thời gian".

 

Trăn trở với việc lưu truyền văn hóa dân tộc, ông Bàn Lai  là một trong những nghệ nhân đầu tiên ủng hộ việc thành lập Hội Nghệ nhân dân gian xã Quân Chu và là một trong những hội viên tích cực trong các hoạt động của Hội. Văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Quân Chu rất phong phú, đa dạng và mang sắc thái riêng. Nhiều người trong bản, trong đó đã có 20 học trò của ông đã thành thạo các nghi thức cúng Lễ Cấp sắc, Tết nhảy lửa và các bài cúng truyền thống của dân tộc Dao. Anh Triệu Ngọc Tuất, ở xóm Vang cho biết: Chúng tôi còn trẻ còn phải học hỏi, đi theo thầy Bàn Lai để gìn giữ bản sắc dân tộc mình, không để mai một".

 

Với những nỗ lực và tâm huyết, nghệ nhân Bàn Lai đã góp phần  rất lớn trong việc bảo vệ thành công Lễ Cấp sắc - Di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Dao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào tháng 3-2016. Với những đóng góp của mình, ông đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; cùng nhiều Giấy khen của các cấp, ngành.