Nhận lời mời của Báo Kinh tế và Đô thị về dự Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” năm 2016 với chủ đề “Dấu ấn di sản kiến trúc Hà Nội” nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2016), chúng tôi đã có cơ hội được thăm quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long thuộc địa phận phường Quán Thánh, quận Ba Đình. Vùng lõi của di sản rộng 18,395 ha, bao gồm trục trung tâm Thành cổ Hà Nội rộng 13,865ha và khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu rộng 4,530ha. Vùng đệm của di sản rộng 108ha. Toàn bộ Khu di sản là trung tâm của Cấm thành, Hoàng Thành - Nơi ở và làm việc của vua và hoàng gia, gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và lịch sử thăng trầm của Kinh đô Thăng Long, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII.
Theo sử sách, năm 2010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và đổi tên thành Thành Thăng Long. Sau khi định đô, vua Lý Thái Tổ đã xây dựng các cung điện, lầu gác để làm nơi thiết triều và nơi ở của nhà vua, hoàng gia. Trong thời Lý (1009-1226), Trần (1226-1400), Kinh thành Thăng Long đã được xây dựng gồm 3 vòng thành: Cấm Thành, Hoàng Thành và Đại La thành. Khu di sản nằm trong cấm thành của thời kỳ này.
Trong khuôn khổ chuyến đi, chúng tôi đã đến thăm quan Điện Kính Thiên, Hầm D67, Khu trưng bày các di tích, di vật Hoàng thành Thăng Long và Đoan Môn (cửa vòm cuốn dẫn vào Điện Kính Thiên). Điện Kính Thiên hiện nay chỉ còn là khu nền cũ. Trước Điện còn lưu giữ bốn con rồng đá được tạo tác vào thế kỷ XV thời nhà Lê. Sau khi dâng hương tại Điện Kính Thiên, chúng tôi đến thăm quan hầm D67- là nơi đặt Sở chỉ huy cao nhất của Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng nằm ngay sau Điện Kính Thiên. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên Bùi Thu Trang, cán bộ Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long thì căn hầm này được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chọn là nơi làm việc của Khu A Bộ Quốc phòng từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Đến năm 2004, khi phát lộ những dấu tích khảo cổ trong quá trình xây dựng nhà Quốc hội mới, Bộ Quốc phòng đã quyết định bàn giao khu di sản này để mở cửa lần đầu tiên đón khách thăm quan.
Sau một nghìn năm, nơi đây là cấm cung các vương triều phong kiến, nơi sinh sống của 52 vị vua của các vương triều Lý - Trần - Lê suốt hơn 8 thế kỷ; tiếp đến Bộ Quốc phòng làm việc ở đây trong suốt 50 năm nên người dân khó có thể tiếp cận Khu A. Chính vì có dấu tích khảo cổ, mọi người mới được biết đến khu vực này. Khi nhận bàn giao từ Bộ Quốc phòng có 69 công trình khác nhau, trong đó có hầm D67, là công trình quan trọng nhất của Khu A. Căn hầm được gọi theo ký hiệu thời gian đang xây dựng năm 1967, khi cuộc chiến tranh của Mỹ bắt đầu leo thang ra đánh phá miền Bắc. Xét thấy những công trình trên mặt đất không còn đảm bảo an toàn cho những cuộc họp quan trọng nữa nên Bộ Quốc phòng đã quyết định xây dựng căn hầm này. Căn hầm được xây dựng kiên cố, toàn bộ tường, trần nhà được xây dựng bằng bê tông, cốt thép có khả năng chống được các loại bom tấn, bom xuyên và được xây ẩn sâu dưới ngọn núi Nùng 9 mét. Hầm được cấu tạo hình chữ V, có 2 cửa đi lên riêng biệt nối vào phòng làm việc của 2 Đại tướng: Võ Nguyên Giáp và Văn Tiến Dũng. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, mật thiết của các đồng chí lãnh đạo, các tướng lĩnh cấp cao chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, tiến hành giải phóng miền Nam. Bên cạnh còn có phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn lưu giữ nhiều cuốn sách về lịch sử, chủ nghĩa Mác-Lê nin, đặc biệt có cuốn Truyện Kiều, Đại tướng luôn mang trong mình.
Tại khu trưng bày của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi đã hiểu thêm giá trị to lớn của một quần thể di tích kiến trúc khảo cổ phong phú từ thời Đại La đến thời Nguyễn thông qua những di vật tiêu biểu qua các triều đại. Ví như thời Đại La (tiền Thăng Long, giai đoạn từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ IX), giới thiệu 49 hiện vật bổ sung chủ yếu là những vật liệu kiến trúc như: gạch xây dựng, gạch nát nền, ngói âm dương và các trang trí họa tiết mặt linh thú, mặt hề, hoa sen. Thời Đinh – Lê (nửa cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI), giới thiệu thêm 11 tiêu bản trưng bày như các vật liệu: ngói âm - dương, các phù điêu trang trí gắn vào đầu ngói ống lợp diềm mái kiến trúc. Thời Lý (1010-1225) với 187 di vật gồm với các loại vật liệu trang trí kiến trúc như: ngói gắn lá đề trang trí rồng, phượng hay các phù điêu, tượng tròn tạo tác hình đầu rồng, đầu chim phượng; các loại gạch; các loại ngói âm - dương, phù điêu trang trí rồng, phượng… Ngoài ra, trong bộ sưu tập còn giới thiệu những di vật như đồ gốm nước ngoài (tượng sư tử men ngọc của lò gốm Tây Thôn - Trung Quốc, các mảnh gốm men xanh lam vùng hồi giáo Tây Á).
Một số hiện vật gây ấn tượng với chúng tôi nhiều nhất là những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày trong cung điện bằng gốm thời Lê. Nét nổi bật của đồ gốm thời này là phong cách tráng mỏng, trang trí nổi hình rồng 5 móng đế vương, giữa có chữ Quan (có nghĩa được sản xuất ở “lò quan” chuyên phục vụ hoàng cung nhằm phân biệt với “lò dân” chuyên phục vụ đồ gốm cho dân thường); hoặc biểu tượng chim đầu phượng, trang trí đầu nóc mái Thời Lý; các đồ gốm thời Nguyễn, trong đó nhiều nhất là gốm Bát Tràng…
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2007; Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2009; năm 2010 đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Từ khi mở cửa đến nay, số lượng du khách trong nước và Quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long ngày một tăng, bình quân mỗi năm Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đón trên 130 nghìn lượt khách.