Sau đúng mười năm, kể từ lần thứ hai được tổ chức năm 2006, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ ba mới lại được tổ chức tại Hà Nội. Diễn ra từ ngày 12 đến 19-11, liên hoan là sự kiện lớn được giới sân khấu mong đợi, là cơ hội để các đoàn nghệ thuật trong nước giao lưu quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm có thêm những tác phẩm sân khấu hay, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Theo thông tin từ ban tổ chức, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần này có tới 22 quốc gia trên thế giới đăng ký với 39 vở diễn. Nhưng căn cứ theo những tiêu chí chặt chẽ về sân khấu thử nghiệm, sau khi xem xét, Hội đồng thẩm định chỉ tuyển chọn được mười tác phẩm của các đoàn nghệ thuật đến từ các nước: Trung Quốc, Hy Lạp, Phi-li-pin, Pa-na-ma, Đức, Nhật Bản, Pháp, Xin-ga-po, Ấn Độ.Về phía Việt Nam, có 15 đoàn nghệ thuật đăng ký với 18 tác phẩm, song chỉ có tám tác phẩm “lọt” đến vòng cuối. Đó là các vở: Dưới cát là nước (Nhà hát Kịch Quân đội), Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Nhà hát Múa rối Thăng Long), Mê Đê (Đại học Sân khấu & Điện ảnh TP Hồ Chí Minh), Giấc mơ (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5N Võ Văn Tần), kịch hình thể Nguyễn Du với Kiều (Nhà hát Tuổi trẻ), Chương trình nghệ thuật giải trí Ionah (Nhà hát Star Galaxy), Hamlet (Nhà hát Kịch Việt Nam), Cơn bão (Đoàn kịch nói CAND).
Nhìn vào danh sách nêu trên, có thể thấy chiếm ưu thế là kịch. Ngoài kịch, Việt Nam có thêm hai thể loại sân khấu tham dự là rối, xiếc, còn lại các loại hình tuồng, chèo, cải lương đều vắng bóng. Nói về sự thiếu cân xứng này, ban tổ chức lý giải: Do trong năm 2016, hai lĩnh vực tuồng, chèo đều đã có những cuộc thi lớn trong nước là Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc và Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc, cho nên các đơn vị nghệ thuật trong nước chưa kịp dựng vở để tham dự sân khấu thử nghiệm. Về cải lương, cũng có tác phẩm đăng ký tham gia liên hoan nhưng lại chưa đáp ứng đủ tiêu chí về tính thử nghiệm trên một sân chơi quốc tế, cho nên không thể lựa chọn. Và đây là điều đáng tiếc đối với sân khấu Việt Nam khi không có dịp giới thiệu với bạn bè quốc tế toàn bộ các loại hình sân khấu dân tộc. Tuy nhiên, theo nhận định của NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, các vở diễn trong nước tham dự liên hoan năm nay đều đã thể hiện được những thử nghiệm nhất định, những sáng tạo trong ngôn ngữ sân khấu. Xiếc có tính cách tân trong tổ chức vở diễn với nhân vật xuyên suốt, có tính cách, số phận và mang tính tổng hợp. Rối cũng đã tạo được sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiều thành phần để thể hiện một vở diễn xưa nay vốn được cho là khó như Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Riêng với kịch, các đạo diễn như NSND Lê Hùng, NSND Anh Tú đã mang đến được nhiều ngôn ngữ mới. Không chỉ đối thoại, các vở diễn đã sử dụng nhiều cách thức, phương pháp khác nhau để chuyển tải tâm tư, tình cảm nhân vật, tình tiết cốt truyện.
NSND Lê Tiến Thọ cũng cho biết, các vở diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế đã thể hiện sự cách tân rất xa. Đặc biệt, sự mới mẻ trong kết hợp các kỹ thuật điện tử, công nghệ hiện đại đã mang đến cho các vở diễn sự truyền tải thông tin nhiều chiều. Ở một số vở, diễn viên không còn là trung tâm như bình thường. Nhiều đoàn cũng không dùng sân khấu hoành tráng mà giản lược tối đa, huy động nhiều hiệu ứng điện tử để thuận lợi cho biểu diễn lưu động. Có vở diễn mà số nhân vật lên tới 20 người, nhưng kỳ thực chỉ có bốn, năm người diễn, còn lại dùng mặt nạ… Điều này thể hiện sự điêu luyện và chuyên nghiệp trong diễn xuất của diễn viên. Đó là những bài học kinh nghiệm mà sân khấu Việt Nam cần học hỏi, thử nghiệm để làm mới mình cho phù hợp hơn, hấp dẫn hơn trong dòng chảy hội nhập.
Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2016 chính thức khai mạc tối 13-11 tại Nhà hát thành phố Hà Nội. Tiếp đó, mỗi ngày sẽ có từ hai đến ba vở diễn được trình diễn tại các rạp, nhà hát khác nhau của T.Ư, Hà Nội. Lễ bế mạc, trao giải diễn ra tối 19-11 tại Nhà hát Star Galaxy, Hà Nội.