Lòng yêu nước thật là giản dị

09:20, 05/11/2016

Trong một lần bàn về chủ đề dân tộc, Đại văn hào người Nga Dostoevsky đã nói đại ý “có hai điều mà người ta không thể chủ động chọn được, đó là Tổ quốc và bố mẹ”. Bởi theo lý luận ở các tôn giáo lớn, con người từ đâu đến rồi phải sống ở đâu là chuyện bị động, tư duy lý tính hoàn toàn không thể giải đáp nổi.

Ai sinh ra ta sẽ là bố mẹ ta, cho dù đó là bậc vua chúa sang trọng hay những thảo dân nghèo hèn. Và nơi nào ta được sinh ra rồi lớn lên thì nơi đấy chính là tổ quốc. Có lẽ vì thế mà lòng yêu bố mẹ cũng như lòng yêu đất nước luôn là một cảm thức trong sáng tự nhiên. Tất nhiên, trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó, cũng có thể có những người bất hạnh hoặc mất quê hương từ bé hoặc mồ côi từ nhỏ. Nhưng kể cả vậy, thì sâu xa ở trong họ vẫn triền miên ám ảnh một nỗi khát khao nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn”.

 

Do lựa chọn ngẫu nhiên từ lịch sử, mảnh đất hình chữ S của người Việt luôn đẫm đầy bi tráng. Sáng chắn bão dông, chiều ngăn địch họa. Cứ như thế hàng nghìn năm mà nghẹn ngào, quật cường tồn tại. Khi đã ở một nơi như thế, nếu không yêu nước sẽ rất khó sống. Chẳng có đứa con tử tế nào lại chê bố mẹ nghèo. Nó khá giống như một nguyên tắc mà đại triết gia Lão Đam từng nói trong cuốn Đạo Đức kinh “gia bần tri hiếu tử”, nhà nghèo thường hay có con hiếu. Và cũng như nhiều dân tộc tần tảo khổ đau khác thôi, lòng yêu nước của người Việt chưa bao giờ phô phang lên gân, nó thẳm sâu trong veo bình dị. Nó không cần bất cứ ai dạy dỗ, nó vốn có và vĩnh cửu nằm nhói buốt trong tim của từng người.

 

Có phải thế chăng mà với vô vàn thế hệ người Việt, danh dự của Tổ quốc luôn được coi trọng hơn danh dự của bản thân. Những kẻ làm ô danh đất nước, cho dù biện minh bằng bất cứ động cơ mang vẻ chính đáng gì, thì nhất loạt đều là những kẻ đáng khinh. Và những người làm rạng danh sông núi Việt, thì cho dù mệt mỏi thất bại tới mức tuẫn tiết, đều được xem là gương sáng đáng trọng. Người Hà Nội khi lập bàn thờ rưng rưng khóc hai vị Tổng đốc của mình: Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương, chính là cách để tri ân những danh thơm bất tử. Do vậy, khi nhắc tới quốc gia hay dân tộc, biết bao kẻ sĩ đều kính cẩn nghiêng mình run rẩy. Lời cổ có câu “sĩ khả sát bất khả nhục”. Kẻ sĩ có thể chết chứ nhất quyết không chịu làm những điều gì ô danh. Dũng tướng của triều Trần là Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, sau trận chiến ác liệt nhỡ sa vào tay giặc thì vừa bị dọa nạt vừa bị dụ dỗ, nhưng ông chỉ điềm đạm phanh ngực khẳng khái nói “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” rồi vươn đầu chịu chém. Hỡi ôi, đại danh Đại Việt đâu phải ngẫu nhiên mà có, khi mà trên từng mét đất của sông núi bi tráng này luôn đẫm đầy những danh dự xương máu của không biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ.

 

Ở kiệt tác tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, nhà văn vĩ đại L.Tolstoy đã dựng lên một nhân vật chính tuyệt hay, nam công tước Andrey Bolkonsky. Là một trí thức quý tộc trẻ, Andrey yêu tinh hoa văn minh châu Âu ở thế kỷ XVIII. Thần tượng lồng lộng của anh là Hoàng đế Pháp lúc đó - Napoleon đệ nhất. Thế nhưng khi chính vị Hoàng đế thần tượng đấy, dẫn đầu đoàn quân viễn chinh xâm chiếm nước Nga thì Công tước Andrey đã tình nguyện thành một trong những người lính đầu tiên cầm súng quyết liệt chống trả. Phản ứng của Andrey chẳng có gì khó hiểu, nó tương tự như hành động của những chiến binh nông dân ái quốc trong Hịch tướng sĩ, được vị anh hùng dân tộc của người Việt là Trần Hưng Đạo đã điềm đạm ghi lại. Không thể “thấy nước nhục mà không biết thẹn”.

 

Gần đây, không ít học giả có tuổi đã lo cho giới trẻ Việt Nam ngày nay, rằng con cháu ta có quá nhiều thần tượng người nước ngoài. Hết từ thời trang âm nhạc sang đến cả công nghệ lẫn cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Nếu nhỡ có nạn ngoại xâm thì sao? Trời ơi, một dân tộc đã hàng nghìn năm vất vả tồn tại, thì đương nhiên trong hồn cốt của nó phải luôn đẫm đầy một khí phách sống. Cái khí phách đó miên viễn truyền thừa qua từng thế hệ. Có thể một đoạn hòa bình kéo dài nào đấy làm nó có đôi chút phôi pha, nhưng chắc chắn không bao giờ là mất. Khi sơn hà gặp nguy biến, nó sẵn sàng cuồn cuộn trào lên tự nhiên như nham thạch trong lòng núi lửa.

 

Bởi như một nhà thơ đã viết: “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi”.

 

Cho đến giờ, lịch sử của Đất Mẹ Việt vẫn luôn hiếm hoi có những đứa con phản bội. Và nếu ai nhỡ có trót đã như vậy thì những kẻ đó luôn ân hận sám hối để rồi một ngày quay đầu lại phủ phục dưới Đất Mẹ.

 

Nhẹ nhàng thay, thật may mắn sinh ra là người Việt.

 

NGUYỄN VIỆT HÀ