Ông có một thói quen cố hữu là gặp bạn vong niên, chào hỏi xã giao xong là nâng cây sáo lên miệng “gọi” lời then. Nhưng lần gặp này, ông với tay lấy cây đàn tính treo bên tường nhà, tay phải búng dây, tay trái nhấn phím, miệng nhả lời then, lời lượn làm cả gian phòng trở lên rộn ràng câu hát, khiến ai nấy bồn chồn muốn được góp vui cùng câu ví. Đó là ông Nông Đình Long, người dân tộc Tày, 62 tuổi, ở xóm Khau Diều, xã Định Biên (Định Hoá).
Ông tự hào là được nghe câu then, tiếng tính từ… thuở nằm nôi. Lúc mặc chiếc áo chàm truyền thống của dân tộc Tày đi lớp học chữ, ông đã biết hát dăm ba bài then cho vui cửa, vui nhà. Ông kể: Ngày trước, kinh tế khó khăn, nhưng phong trào ca hát rất mạnh. Đi làm rẫy, đi thả trâu cũng nghe thấy hát đối ví. Vui nhất là sau mùa gặt, ngày đầu xuân, vào nhà mới và đám cưới hỏi… trai - gái hát thâu đêm. Đám trẻ con chúng tôi cũng bắt chước, máy mồm hát theo.
Thấy ông mê hát then, người bác ruột lặng lẽ truyền thêm cho ông cảm hứng bằng cách dạy cho ông về lời của một số bài then cổ; đồng thời truyền lại cho ông nghệ thuật thổi sáo trúc. Bằng cách học truyền khẩu, chẳng giấy mực ghi chép lời hát, nốt nhạc cũng thế, không cần phải nốt mí, nốt mì nhưng bác dạy đến đâu, ông thuộc nằm lòng đến đấy. Vốn thông mình, có năng khiếu văn nghệ, nên ông nhanh chóng nắm bắt được quy luật của các làn điệu: Then, Phong slư, Lượn Nàng ới, Lượn cọi, Sli, Đối lượn, hát Đình và giai điệu véo von của cây sáo trúc. Trên cơ sở đó, ông vừa sáng tác, vừa thể hiện câu hát hoặc thổi sáo ở các cuộc đối ví với bạn hát làng bên.
Nhưng vào những năm trước thập niên chín mươi của thế kỷ trước, lời then, tiếng tính ở các bản người Tày - Nùng bị sợi dây vô hình trói lại. Ông Long phàn nàn: Không hiểu vì làm sao có một giai đoạn người dân tộc chúng tôi ngại nói tiếng dân tộc mình. Thanh niên nam - nữ không hát đối ví, không thích mặc áo chàm, đi học ngại nói tiếng dân tộc vì sợ bạn bảo chậm tiến bộ. Hệ lụy đến bây giờ là nhiều bạn trẻ không biết nói tiếng cha mẹ đẻ. Lời hát then, tiếng đàn tính của đồng bào Tày - Nùng cũng bị mai một nhiều.
Như than hồng ủ trong lò, những làn điệu:Then, Phong slư, Lượn Nàng ới, Lượn cọi, Sli, Đối lượn và hát Đình được ông lặng lẽ lưu giữ trong trí nhớ. Vì cũng từ lâu, theo phong trào, ông không cất lời hát bằng tiếng dân tộc mình. Cho đến năm 1991, hưởng ứng phong trào: “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” do Đảng, Nhà nước phát động, những phong tục, tập quán và những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào được khơi dậy, phát huy. Ông Long cho biết: Những người biết hát then, chơi đàn tính, thổi sáo trúc phần lớn là người cao tuổi, nhiều người đã mang câu hát về với tiên tổ.
Ông Long dừng lời, mắt nhìn vào khoảng không vô định trước sân. Tôi nhìn theo ánh mắt ấy và liên tưởng về những ngày hội then ngọt ngào được cất lên từ những bóng áo chàm. Mạch thi ca được cất lên làm tươi mới lại đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc, đồng thời khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tác của bao thi nhân sắc chàm, trong đó có ông Long.
Ông Long tâm sự: Tôi nhìn cái cây, dòng suối, nghe gió thổi đều thấy trong đó một tâm hồn. Tôi nung nấu suy nghĩ, đến năm 1992 thì cái nghĩ của mình bật thành thơ. Tôi làm thơ về Bác Hồ, về cảnh sắc quê hương, về cuộc sống lao động. Tôi sáng tác thơ bằng tiếng Tày, khi rảnh dịch sang tiếng phổ thông để nhiều người cùng thưởng thức. Tôi sáng tác nhiều, năm 2010, tôi chọn 60 bài mình tâm đắc để xuất bản cuốn “Sắc chàm quê hương”.
Năm 2007, phong trào xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng trong cuộc sống đồng bào, hầu hết các xóm, bản ở các xã trong huyện đều xây dựng được đội văn nghệ. Đặc biệt, UBND huyện có văn bản hướng dẫn cho các xã thành lập câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân gian. Với ông Long và các nghệ nhân ở Định Hóa thì đây là cơ hội tốt để truyền lại cho lớp trẻ niềm đam mê dân ca, dân vũ. Cũng vì thế mà ngôi nhà của ông Long nhanh chóng trở thành điểm gặp gỡ của những người có cùng sở thích ca hát… Trên nền bài hát cổ, ông Long sáng tác thêm nhiều bài hát then, hát sli, hát lượn… để dạy cho đồng bào. Hàng trăm bài hát được sáng tác, song ông tâm đắc lựa chọn 100 bài để in lại thành cuốn song ngữ Tày - Kinh với tựa đề: “Hát lời sli, lượn”. Nhiều bài được đồng bào tập luyện, tham gia hát tại các hội diễn các cấp, được Ban Tổ chức trao giải cao, như bài: “Ước hẹn vằn chiêng”, “Nhạc mại đin lầu”, “Thầy gia nghĩa na nấc”, “Bác mà Định Hoá chiến khu”, “Lời then dâng Bác”… Nhiều xã đến nhà đặt ông viết bài, ông bảo: Lời then, tiếng tính phải có thần, có hồn mới đi được vào lòng người. Vì thế tiền bạc không đổi được lời then.
Tiếng lành đồn xa, năm 2011, lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tìm đến nhà, mời ông tham gia Dự án bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ông nhận lời, tham gia dạy cho lớp học gồm 20 người. Trong 15 ngày, học viên đều thuộc được các bài hát theo quy định. Ông bảo: Khó nhất là trong lớp có người quên mất tiếng Tày, Nùng. Còn bản thân mình cũng không phải là giáo viên, không quen với một lớp học bài bản như vậy. Nhưng tôi và các học trò đã cố gắng, vì đó là hồn cốt của dân tộc mình. Năm 2013, tôi được huyện mời tham gia dạy thêm 1 lớp hát lượn cọi ở xã Bình Yên, sau 15 ngày, 20 học viên của lớp học đều hát được các bài “Mường đin” và “Ước hẹn vằn chiêng”.
Ôm cây đàn tính vào lòng như gìn giữ một vật báu, ông tiếp tục câu chuyện: Tôi biết hát then, thổi sáo trúc từ nhỏ, nhưng mới tập đàn tính từ năm 2014… Hơn 60 tuổi đời, tiếng sáo trúc, lời then của ông vẫn ngọt ngào, nay có thêm cây đàn tính nhuyễn lời rừng, lời núi, ông có nhiều hơn những cơ hội lưu truyền cho lớp trẻ niềm đam mê câu hát mang đậm sắc chàm quê hương.