Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2016.

17:09, 23/11/2016

Từ ngày 16 đến 23/11/2016, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2016. 22 nghệ nhân ưu tú, các hạt nhân văn nghệ và các đoàn viên, thanh niên đại diện cho huyện Định Hóa đã tham gia các nội dung: giới thiệu văn hóa dân tộc Tày; phục dựng lễ cưới truyền thống của đồng bào Tày vùng Định Hóa và giới thiệu văn hóa Trà.

Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2016 có 4 hoạt động chính, gồm: Chương trình Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam”; Cuộc thi ảnh và triển lãm ảnh “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”; Hoạt động của đồng bào các dân tộc; Chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống. 

 

Cùng với các dân tộc tham dự Tuần đại đoàn kết, các nghệ nhân người Tày huyện Định Hóa với chiếc đàn tính trên tay đã hòa mình trên “Con đường Văn hóa” trong chương trình truyền hình trực tiếp của Lễ khai mạc tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2016 diễn ra vào 20h00 tối ngày 18/11/2016 tạo thành một khối đoàn kết, đầy đủ màu sắc đặc trưng của các dân tộc.

 

Bên cạnh đó, Lễ cưới truyền thống của dân tộc Tày được phục dựng đúng trong không gian nguyên bản của đồng bảo Tày xưa bao gồm dựng Lễ đưa gánh và Lễ đón dâu. Trong ngày đón dâu, đoàn nhà trai phải thể hiện sự ứng đối nhanh nhậy, thông minh, tế nhị bằng lối hát Quan làng (một lối hát phổ biến trong các đám cưới của người Tày Định Hóa) khi gặp phải những thử thách của nhà gái như: dây chăng ngang cửa, nhà gái lấy rượu mời rửa chân... đoạn đối đáp làm sao để nhà gái thấy ưng ý, cảm phục, mời vào nhà, mời nghỉ chân và mời rượu mừng. Trong Lễ xin dâu này còn có các trích đoạn hát Quan làng để xin nghỉ chân (So nằng chài), thôi không uống rượu (chối lẩu), lễ trình tổ tiên để con rể vào kính tổ (nộp lễ), cảm ơn bố mẹ (Cảm ơn po me), xin dâu (So hua lồng láng)…

 

Đối với nội dung giới thiệu văn hóa Trà, đoàn Định Hóa đã giới thiệu đến du khách cách chọn chè ngon, nghệ thuật pha trà, mời trà và nghệ thuật thưởng trà. Đó là những nét văn hóa đặc trưng đã làm nên một bản sắc bản sắc văn hóa trà rất riêng và khác biệt của người Thái Nguyên. Đồng thời, tham gia Tuần Đại đoàn kết lần này, huyện Định Hóa đã đưa các nghệ nhân của làng nghề chè Sơn Phú đến tham gia triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm đến bạn bè trong và ngoài nước và được du khách nhiệt tình hưởng ứng và đón nhận.

 

Đây là dịp để huyện Định Hóa tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa phong phú, độc đáo của địa phương, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, các nghệ nhân, diễn viên có cơ hội được giao lưu, học hỏi và  trao đổi kinh nghiệm, phát huy năng lực, khả năng sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn nghệ.