“Đánh thức” lời Sấng Cọ

10:57, 21/12/2016

Hát Sấng Cọ đã có từ rất lâu đời, là thể loại dân ca trữ tình được viết theo thể thất ngôn, do chính những người nông dân chất phác sáng tạo nên. Đây là điệu hát truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của đồng bào dân tộc Sán Chay trong đời sống thường ngày. Những câu hát được lưu giữ và bảo tồn bằng hình thức truyền miệng hoặc ghi chép lại bằng chữ Hán cổ.

Sấng Cọ - hay còn gọi là hát ví Lưu Tam, hát Xình ca… Tùy mỗi địa phương người dân gọi tên khác nhau. Ở Phú Thịnh (Đại Từ), bà con dân tộc Sán Chay và dân tộc Cao Lan quen gọi với cái tên Sấng Cọ - có nghĩa là hát ví. Ngược Quốc lộ 37 chúng tôi tìm về Phú Thịnh để thưởng thức lời Sấng Cọ làm mê đắm lòng người. Qua những con đường bê tông uốn lượn bên những đồi chè bát úp mướt xanh là đến Nhà văn hóa Đồng Chằm, nơi các thành viên CLB hát Sấng Cọ tập lại những câu hát chuẩn bị biểu diễn trong Lễ hội Trà Đại Từ.

 

Ông Lâm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết: Đưa điệu hát Sấng Cọ vào chương trình chính là nét mới của Lễ hội Trà Đại Từ năm nay. Phú Thịnh có trên 12.000 nhân khẩu, trong đó có gần 600 người là dân tộc Cao Lan và Sán Chay, siinh sống tập trung tại 5 xóm: Làng Thượng, Đồng Chằm, Kim Tào, Tân Quang, Gò Chò. Trước kia bà con sống biệt lập với những phong tục, tập quán, nét văn hóa riêng, nhưng những năm gần đây, người Sán Chay và Cao Lan ở đây đã sống xen kẽ cùng các dân tộc khác như: Kinh, Sán Dìu… Có lẽ vì thế mà văn hóa du nhập nhiều từ các dân tộc khác, điệu hát Sấng Cọ cũng dần mai một cùng các nét văn hóa khác. Năm 2015, Câu lạc bộ hát Sấng Cọ (CLB) đã được thành lập từ nhằm khôi phục lại nét văn hóa riêng có của đồng bào dân tộc Sán Chay và Cao Lan ở đây.

 

CLB có 23 thành viên, người lớn tuổi nhất là bà Hoàng Thị Thăng (sinh năm 1939), người trẻ tuổi nhất là bà Hoàng Thị Bàn (sinh năm 1966). Bà Thăng cho biết: Từ bé, tôi đã được nghe ông bà hát Sấng Cọ, nên cũng thuộc được một số câu hát, tôi rất mê làn điệu này. Tuy nhiên, càng lớn lên những câu ca được nghe lại càng ít đi, cuộc sống hiện đại với sự du nhập của các loại hình văn hóa đã đẩy những câu ca xưa dần vào quên lãng, làm cho chúng tôi cũng không có điều kiện để hát lại. Thế nhưng CLB hát Sấng Cọ được thành lập, những người mê làn điệu Sấng Cọ lại thỏa sức mà hát, những câu ca cổ cũng được “đánh thức” sau thời gian dài “ngủ” quên.

 

CLB hát Sấng Cọ xã Phú Thịnh sinh hoạt vào các ngày: 5, 15 và 25 Âm lịch hằng tháng. Vào buổi sáng những ngày này, các thành viên tập trung tại nhà văn hóa để cùng nhau hát. Khi hát, các thành viên CLB sử dụng ngôn ngữ địa phương và trang phục truyền thống, nhằm tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn, khuyến khích mọi người tìm hiểu những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình. Buổi hát được tổ chức theo một nhóm nam và một nhóm nữ hát đối đáp. Sấng Cọ có thể hát ở mọi nơi, mọi lúc, không hạn chế về không gian, thời gian, có thể là lúc gặp gỡ ban đầu hát để chào hỏi, làm quen, hát trong các dịp lễ hội, trong đám hỏi, đám cưới, ngày lễ, Tết, hát để tỏ tình, hát khi lên rẫy, và cả khi đang hái chè… Lời bài hát có nội dung phong phú, hướng con người vào những điều tốt đẹp. Tùy thuộc vào từng nội dung mà các bài hát có độ dài, ngắn khác nhau, có bài hát thâu đêm đến sáng còn chưa hết. Mỗi bài hát Sấng Cọ có rất nhiều câu, mỗi câu gồm 28 từ…

 

Các bài hát này thường được chép bằng chữ Hán Nôm, chia thành nhiều phần, lời hát gần gũi với đời sống thường nhật của bà con. Những cuốn ghi chép này hiện nay vẫn được ông Hầu Văn Ngôn, Chủ nhiệm CLB lưu giữ như báu vật. Ông Ngôn sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Sán Chay, từ nhỏ, ông đã được nghe những làn điệu Sấng Cọ từ ông bà, người thân, nó theo ông khi đi chăn trâu, làm rẫy, đi vào từng giấc ngủ, lớn lên nó giúp ông gặp gỡ bạn bè, rồi xe duyên chồng vợ qua những câu hát ngọt ngào, giàu cảm xúc. Vì thế, ông ý thức được làn điệu Sấng Cọ là tài sản vô giá của dân tộc mình, nên đã dành nhiều thời gian và công sức để sưu tầm, lưu giữ, truyền lại cho đời sau. Hiện, ông đã sưu tầm và lưu giữ được 6 tập sách ghi chép với rất nhiều bài hát. Những tập sách đã sờn, nhưng vẫn còn nguyên vẹn nội dung. Đây là những tập sách được ghi chép từ năm 1935 do cụ Lý Văn Thọ, cụ Hầu Văn Vượng và nhiều tác giả khác gìn giữ.

 

Mỗi buổi sinh hoạt, ông Ngôn lại mang theo những cuốn ghi chép này để các thành viên xem lại, học lại các câu hát xưa. Đối với mỗi thành viên trong câu lạc bộ, buổi sinh hoạt không chỉ là dịp họ được gặp gỡ, chuyện trò, cùng nhau cất lên những làn điệu Sấng Cọ da diết, mà đây còn là dịp để người dân Sán Chay, Cao Lan cùng ôn lại phong tục đẹp của cha ông. Làn điệu Sấng Cọ cất lên đã xe duyên bao đôi lứa thành vợ thành chồng, cho ngày Xuân thêm tươi thắm, rừng cọ, đồi chè thêm ngát xanh. Với sự ra đời của CLB hát Sấng Cọ xã Phú Thịnh, hy vọng dù cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những làn điệu Sấng Cọ sẽ được người Sán Chay và Cao Lan nơi đây gìn giữ, lưu truyền cho con cháu đời sau.