Để di sản còn mãi với thời gian

10:29, 13/12/2016

Với mục tiêu để di sản còn mãi với thời gian, trong những năm gần đây, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và bằng nguồn xã hội hóa, nhiều di sản trên địa bàn tỉnh được tôn tạo, phục dựng trên quan điểm bảo tồn nguyên vẹn. Chính vì vậy mà hầu hết các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn của tỉnh đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của du khách trong, ngoài nước.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 810 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xếp hạng được 95 di tích cấp tỉnh, 9 di tích Quốc gia. Bằng sự nỗ lực vào cuộc của các đơn vị chuyên môn, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 187 di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được lập hồ sơ khoa học xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Trong đó có 1 khu di tích Quốc gia đặc biệt ở ATK Định Hoá (gồm 13 điểm di tích lịch sử cách mạng); 36 di tích Quốc gia;150 di tích cấp tỉnh. Cùng thời gian này, Sở đã thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 35 hồ sơ dự án tu bổ, tôn tạo di tích bằng các nguồn vốn ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa.

 

Để di tích ngày càng phát huy được giá trị, tháng 11-2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định này, hoạt động quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn tỉnh được phân cấp cụ thể. UBND tỉnh giao Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn toàn tỉnh; phân cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó, việc phân cấp quản lý được quy định rõ ràng. Cụ thể, Ban Quản lý di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa quản lý 16 di tích thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý 146 di tích đã được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn quản lý 602 di tích đã được kiểm kê, phúc tra.

 

Qua việc phân cấp quản lý, công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sự chuyển biến rõ rệt. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước được nâng cao, nhân dân hồ hởi tự nguyện tham gia bảo vệ di tích; đồng thời tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm khi tham gia hỗ trợ, công đức nguồn vốn nhằm trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn toàn tỉnh. Hằng năm, nhân dân đã đóng góp, công đức được hàng tỷ đồng cùng Nhà nước trùng tu, tôn tạo di tích, điển hình như Di tích Đình, Đền, Chùa Cầu Muối (Phú Bình); Chùa Hang (Đồng Hỷ); Đền Đuổm (Phú Lương)… Nhiều di tích được lập hồ sơ xếp hạng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nói về việc trùng tu, tôn tạo di tích, ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lương cho biết: Năm 2016, huyện Phú Lương có 2 di tích lịch sử là: Đền Đuổm (Động Đạt) và đền Trình (Giang Tiên) được tôn tạo với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được huy động từ nguồn xã hội hóa…

 

Cũng bằng nguồn xã hội hóa, các di tích: Chùa Phù Liễn (T.P Thái Nguyên), chùa Hang, chùa Huống (Đồng Hỷ), di tích đình Làng Cả (Phú Bình), đình Hóa Thượng (Đồng Hỷ), đình - nghè Nam Đô (Phổ Yên)… được tôn tạo, trùng tu nâng cấp. Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Để việc tôn tạo, trùng tu di tích đảm bảo đúng nguyên mẫu, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện đúng quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, như công tác lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế, dự toán, tổng dự toán… do vậy trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng xây dựng di tích hoành tráng, nhưng sai nguyên mẫu.

 

Chủ trương xã hội hóa đã làm thay đổi lớn diện mạo các di sản ở Thái Nguyên. Trong 5 năm gần đây, cùng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp, nhân dân đã đóng góp, công đức được hàng chục tỷ đồng/năm để trùng tu, tôn tạo di tích, góp phần để những di sản của cha ông để lại còn mãi với thời gian.