Nhà lớn Long Sơn: Đề cao đạo làm người

09:49, 14/12/2016

Đến thành phố biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), hỏi điểm tham quan du lịch, người dân chỉ chúng tôi ra xã đảo Long Sơn. Ở đây có một địa chỉ là niềm tự hào của người Vũng Tàu, đó là Nhà lớn (còn có tên là Nhà dài hoặc Đền ông Trần).

Suốt chặng đường đưa chúng tôi đến Nhà lớn, bác lái xe say sưa kể về nơi này. Không chỉ là một cái nhà lớn nhất, dài nhất, rộng nhất Việt Nam, mà điều khiến Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia này thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi tháng, là quan điểm sống mở lòng, bao dung, giúp đỡ tất cả mọi người đã tồn tại hàng trăm năm nay.

 

Dù bên ngoài trời nắng gắt, nhưng bước vào trong nhà, chúng tôi được hưởng bầu không khí mát mẻ, dễ chịu bởi sự sạch sẽ, thái độ đón khách dịu dàng của những người trông coi Nhà lớn. Như gặp người thân lâu ngày trở về, họ vui vẻ mang mứt, nước trà mời chúng tôi.

 

Bà Ba, cháu đời thứ tư của cụ Trần ra tiếp chúng tôi. Cũng như những người ở đây, bà mặc quần áo đen, tóc búi tó. Bà nhẹ nhàng kể: Cụ của chúng tôi không phải họ Trần, cũng không tên là Trần, cụ tên thật là Lê Văn Mưu. Do cụ suốt ngày búi tó, đầu trần, ở trần, chân đi đất lao động quần quật, mọi người gọi là ông Trần, từ đó mà thành tên.

 

Có khá nhiều tư liệu về Nhà lớn Long Sơn. Theo đó, khoảng năm 1900, cụ  Lê Văn Mưu (sinh năm 1855, ở làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên, nay là xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) cùng 20 người trong gia tộc đi thuyền buồm đến Long Điền. Nhận thấy phía Nam đảo núi Nứa (Long Sơn) chưa có người khai phá, cụ quyết định chọn nơi này quy dân, lập ấp. Do được mùa tôm cá, làm ăn khấm khá, cụ và gia tộc gom góp làm nên quần thể công trình gồm: Nhà Thánh (thờ Khổng Tử) làm khu chính điện, Lầu Trời, Lầu Tiên, Lầu Phật, Lầu Cấm, Lầu Dài. Cụ còn cất 5 dãy phố (cho dân mới lập nghiệp ở), nhà hội họp, trường học (dạy chữ Quốc ngữ cho trẻ con), nhà chợ, nhà máy xay xát, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp... Tất cả những công trình do cụ Trần tổ chức xây dựng đều nằm chung khu vực khoảng 2ha, gọi là Nhà Lớn. Sau khi cụ Trần qua đời (năm 1935) và được đưa vào thờ cúng trong Nhà Lớn thì nơi này có thêm tên gọi nữa là Đền ông Trần.

 

Theo hướng dẫn của bà Ba, chúng tôi chia làm hai hướng (nam và nữ không đi chung) để tham quan Nhà Lớn. Những chiếc cầu bằng gỗ nối các lầu dù đã hơn 100 tuổi vẫn chắc chắn dưới chân người. Một không khí thâm u, linh thiêng toát ra từ vô số đồ cổ như sập gụ, tủ chè, câu đối, lư hương… được bảo quản rất cẩn thận. Điều đặc biệt là, dù chịu ảnh hưởng đạo Phật xen lẫn Nho giáo, Khổng Tử, nhưng cụ Trần lại thực hành quan điểm không lập chùa miếu, không kinh kệ chuông mõ, không ép buộc ăn chay và không mê tín dị đoan. Cụ quan tâm việc thờ cúng tổ tiên, báo hiếu cha mẹ, cứu giúp người nghèo, ra tay nghĩa hiệp bảo vệ người yếu thế. Bà Ba kể: Sinh thời, cụ chúng tôi sáng tác bài thơ "Huấn Tử" và thường đem truyện Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu ra khuyên con cháu và tín đồ về cương thường, đạo nghĩa.

 

Tại Nhà lớn, ngoài đồ thờ, chiếc thuyền và mái chèo khổng lồ thời cụ Trần khai sơn phá thạch vẫn được lưu giữ, như minh chứng cho sức mạnh phi thường của con người bé nhỏ mà mang chí lớn này. Cũng ở đây, hiện có hai kho thóc đầy. Bà Ba cho tôi biết: Mỗi năm, Nhà lớn mua hàng nghìn giạ thóc phục vụ người chăm sóc đền ông Trần và cứu giúp người nghèo.

 

Không chỉ là di tích lịch sử, một điểm tham quan thông thường, Nhà lớn Long Sơn vẫn kết nối với cuộc sống hiện tại bằng quan điểm đối nhân xử thế hiền hậu, trách nhiệm, chung sức vì cộng đồng. Người dân Long Sơn ngày nay có cuộc sống no đủ, chan hòa, hiếu thảo, coi trọng nghĩa tình. Quan điểm đề cao đạo làm người của cụ Lê Văn Mưu từ hơn 100 năm trước vẫn được tiếp nối đến bây giờ.