Bước ngoặt của phong trào cách mạng ở Võ Nhai

14:36, 03/01/2017

Truyền thống bất khuất cùng với các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột diễn ra trên địa bàn là những điều kiện để nhân dân Võ Nhai dễ dàng tiếp thu ảnh hưởng cách mạng do Đảng lãnh đạo. Các cơ sở đảng, cơ sở cách mạng hình thành khá sớm ở huyện.

Sự ra đời của tổ chức Đảng đầu tiên ở Võ Nhai vào đầu năm 1937 gắn liền với quyết nghị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất và sự hoạt động tích cực của Chi bộ hải ngoại (Đảng Cộng sản Đông Dương). Đồng chí Đặng Tùng, một đảng viên có năng lực của Chi bộ hải ngoại được phân công về Thái Nguyên hoạt động. Sau khi gây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên tại xã La Bằng, đồng chí Đặng Tùng chuyển sang hoạt động tại khu vực Bắc Sơn - Võ Nhai. Sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Bắc Sơn vào tháng 9-1936 có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào cách mạng ở Võ Nhai, các cơ sở cách mạng phát triển nhanh chóng và vững chắc. Trên cơ sở đó, vào đầu năm 1937, tại Làng Cao (nay là xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng), tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Võ Nhai ra đời gồm 3 đồng chí: Chu Văn Tấn, Lục Văn Đủ và Nông Văn Cần. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt mới trong phong trào cách mạng của huyện Võ Nhai.

 

Năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã mở một lớp huấn luyện chính trị tại Võ Nhai cho những thanh niên đã giác ngộ lý tưởng cách mạng. Cùng với đó, Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử nhiều cán bộ lên vùng Bắc Sơn - Võ Nhai để xây dựng và phát triển phong trào. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn từ nửa cuối năm 1938 đến giữa năm 1939, cơ sở Đảng và cơ sở cách mạng ở Võ Nhai phát triển nhanh chóng, từ Phú Thượng, Tràng Xá lan sang Lâu Thượng, La Hiên… Tổng số đảng viên tăng lên gần 30 đồng chí. Võ Nhai trở thành trung tâm của phong trào cách mạng trong vùng, các cuộc đấu tranh trong tỉnh thời kỳ này chủ yếu diễn ra tại đây, tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh do Đảng bộ lãnh đạo vào giữa năm 1938.

 

Ngoài các cuộc đấu tranh chống bắt phu làm đường, chống phụ thu, tăng thuế vô lý, trong thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939), tại Võ Nhai còn có các hoạt động tuyên truyền, giác ngộ quần chúng như rải truyền đơn, treo cờ búa liềm… Các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, phong trào học tập chữ quốc ngữ phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân.

 

Thông qua các phong trào đấu tranh thời kỳ này, Đảng bộ Võ Nhai có thêm kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Uy tín và ảnh hưởng của các cơ sở Đảng ngày càng lan rộng, quần chúng trung kiên xuất hiện ngày càng nhiều. Đó là những điều kiện chủ quan thuận lợi để Đảng bộ Võ Nhai tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương giai đoạn 1939-1945, góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng Tám.