Với các già làng, những nghệ nhân cồng chiêng của Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, họ thấu hiểu sự giao thoa văn hóa giữa các thế hệ là nguyên nhân chính dẫn tới sự thiếu quan tâm của con cháu đối với di sản văn hóa công chiêng mà các thế hệ cha ông đã tạo dựng. Để di sản cồng chiêng mãi trường tồn với thời gian, các nghệ nhân cồng chiêng đã dồn hết tâm huyết, niềm mong mỏi của mình vào thế hệ con trẻ.
Về làng Plei Ốp, thành phố Pleiku một buổi chiều tà, khi mặt trời còn lấp ló sau những rặng cây của làng, đã thoáng thấy lũ trẻ háo hức, rộn ràng chuẩn bị các dụng cụ cho buổi học đánh cồng chiêng. Trước khuôn viên nhà Rông, dưới bóng cây cổ thụ của làng, những đứa trẻ lên 5 lên 10 trong trang phục truyền thống Ba Na, tay cầm chiêng bắt đầu nhịp bước đều theo giai điệu âm thanh trầm bổng đầy mê hoặc. Đến với lớp học, các em bỗng chốc trở thành những nghệ nhân nhí tài hoa và ngọn lửa âm nhạc truyền thống đang được các nghệ nhân lưu truyền lại cho chính những đứa con của núi rừng Tây Nguyên.
Già Pui Mlich, một trong ba nghệ nhân trực tiếp tham gia giảng dạy , đôi chân cứ thoăt thoắt đi đi lại lại, lúc chỉ cháu này bước sao cho đúng nhịp, khi lại sửa tư thế cầm chiêng cho cháu kia sao cho đúng với niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt. Già Mlich tâm sự: "Mình già rồi, mình rất muốn tranh thủ truyền đạt lại những kiến thức cơ bản về nghệ thuật đánh cồng chiêng cho con cháu với mong muốn thế hệ sau sẽ yêu mến giá trị đặc sắc của môn nghệ thuật này, qua đó để không gian văn hóa cồng chiêng mãi mãi trường tồn trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên".
Đối với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, tiếng cồng, tiếng chiêng không chỉ là sự sáng tạo độc đáo, mà còn là hồn núi mang âm vang linh thiêng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Năm 2005, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại , đã trở thành nguồn động viên to lớn và việc truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác như một niềm vinh dự, tự hào của các dân tộc Tây Nguyên nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quí báu trong đời sống cộng đồng các buôn làng.
Luôn mang trong mình trăn trở ấy, nghệ nhân cồng chiêng Rah Lan Aka ở làng Choet II, phường Thắng Lợi (thành phố Pleiku) vẫn ngày ngày đau đáu với việc truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng. Ông tâm sự: "Nhìn lũ trẻ hòa tấu thành thạo những bài cồng chiêng quí, tôi hạnh phúc lắm. Càng vui hơn khi thấy bọn trẻ đam mê, hào hứng với không gian cồng chiêng, dù biểu diễn chưa thật xuất sắc nhưng tinh thần tự hào dân tộc đang ngập tràn sức sống".
Những giai điệu mê hoặc của những bài cồng chiêng cổ đặc sắc gắn liền với đời sống hàng ngày như hòa tấu cồng chiêng mừng chiến thắng, mừng lúa mới; lễ hội đâm trâu, lễ pơ thi, lễ bỏ mả…đã thổi vào hồn các em niềm đam mê và khơi dậy dòng máu nghệ thuật đầy tiềm ẩn trong các em. Tham gia vào đội hình cồng chiêng, các em còn được hiểu rõ hơn ý nghĩa của từng nghi lễ, tập tục của dân tộc mình từ đó đánh thức niềm tự hào trong việc bảo tồn, lưu giữ nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc mình-anh Ksor Gat, Đội trưởng đội cồng chiêng nhí phường Thắng Lợi chia sẻ.
Được sinh ra trong cái nôi của nền văn hóa nghệ thuật dân gian Tây Nguyên nên ngay từ lúc chập chững biết đi, những người con của các buôn làng Tây Nguyên đều được đắm mình với tiếng cồng, con chiêng. Thế nên, dù mới lên 5 tuổi nhưng Y Trung ở làng Wâu (xã Chư Á, thành phố Pleiku) đã chơi thành thạo rất nhiều bài chiêng của dân tộc Ba Na. Y Trung bẽn lẽn cho biết: "Con rất thích được cầm chiêng và gõ theo nhịp vì âm thanh của nó rất hay và sống động. Sau này lớn lên con sẽ đánh những chiếc chiêng thật lớn". H’Hông, 13 tuổi ở làng Choet Ngol cũng không giấu được niềm tự hào: "Em tham gia vào đội cồng chiêng từ khi lên 7 tuổi. Những bài chiêng mang nội dung ca ngợi buôn làng, nhắc nhở mọi người lao động, yêu thương nhau và nhớ về nguồn cội đã gợi cho chúng em tình cảm biết yêu thương nhau và tự hào với truyền thống quí báu của dân tộc mình".
Ngày nay, trong các lễ hội lớn ở các buôn làng Tây Nguyên, không thiếu tiếng cồng chiêng của những nghệ nhân nhí. Hình ảnh ấy cho thấy đã có một sự kế thừa căn bản từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mai đây, tiếng cồng chiêng ấy sẽ lớn dần, vang xa mãi khắp đại ngàn vẫn là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Tỉnh Gia Lai hiện còn lưu giữ được gần 6.000 bộ cồng chiêng, trong đó có nhiều bộ cồng chiêng cổ và hiếm. Buôn làng dân tộc nào cũng còn lưu giữ được ít nhất vài bộ, có những buôn làng ở các huyện Ia Grai, Mang Yang...còn "sở hữu" đến cả chục bộ.
Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết, từ nhiều năm nay ở các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt các giải pháp tích cực, nhằm lưu giữ loại hình văn hoá đặc sắc này của người bản địa J'rai và Bahnar thông qua các lễ hội, liên hoan cồng chiêng, mở rộng truyền nghề cho lớp trẻ và học sinh trong các trường học dân tộc./.