Dưới chân mỗi người là con đường cát bụi

15:25, 12/01/2017

Nhà văn Hồ Thủy Giang vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết thứ tư, có tên “Con đường cát bụi”. Cuốn sách dày hơn 400 trang, xoay quanh số phận kỳ lạ của những con người. Họ ở các thành phần khác nhau trong xã hội như sinh viên, nhà báo, công an, gái điếm, phu vàng, tướng cướp. Họ thường có đôi nhưng lại phải chia lìa, con đường họ đi luôn có những ngã rẽ bất ngờ.

Cuộc sống của hai nữ sinh trường Đại học Y khoa là Liễu và Thắm không yên ả. Do nghèo nên họ bị khinh. Do Thắm học giỏi nên bị đố kỵ, ghen ghét. Nhưng với bản tính dũng cảm, chăm chỉ, Liễu đã đứng ra bảo vệ Thắm, cổ vũ Thắm yên tâm học hành thành đạt. Ấy nhưng không thể ngờ, cô nữ sinh hiền dịu học giỏi lại trở thành ả gái điếm sành sỏi. Và Liễu, ước mơ giản dị được làm vợ hiền phút chốc tan tành bởi Chiến - người yêu cô - một giám đốc doanh nghiệp tư nhân bị vỡ nợ. Không còn chỗ nương tựa, Liễu trở thành người quét rác.

 

Những trớ trêu của số phận đè nặng lên vai hầu hết các nhân vật trong “Con đường cát bụi”. Đó là Sách, một tướng cướp, “vua” vùng vàng Thần Hóa, quyền uy võ nghệ đầy mình, nhưng lại không có khả năng đàn ông. Đó là Mơ - vợ Sách - nhan sắc mỹ miều, bị giam cầm trong lầu son cô quạnh thiếu thốn tình yêu. Đó là Trường, một “giang hồ kiếm hiệp” và Phi Hải - một nhà báo giỏi nghề - hóa ra lại là chiến sĩ công an. Biết bao bất ngờ ẩn giấu sau mỗi con người.

 

Nhưng rồi, cái kết của cuốn tiểu thuyết rất đẹp như bản chất nhân hậu của người viết ra nó. Sách đã dùng tính mạng của mình để cứu cửu vạn và di chúc để lại kho vàng cho trẻ em nghèo, ngôi biệt thự tráng lệ của Sách biến thành công viên thiếu nhi thành phố. Trong công viên thơ mộng ấy, Phi Hải đặt bức tượng Hoàng Mơ. Điều đặc biệt là bệ tượng chỉ cao nửa mét, người chiêm ngưỡng có thể nắm được bàn tay của tượng.

 

Dường như, tác giả muốn đưa đến một thông điệp qua tiểu thuyết của mình: Dưới chân mỗi người là con đường cát bụi đầy trắc trở. Chỉ có trái tim nhân hậu mới làm cho cuộc sống này tốt đẹp.