Một trong những địa điểm trung tâm của Ngày thơ Việt Nam là Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trong những năm qua, cùng với phong trào tổ chức Ngày thơ lan rộng trên nhiều địa phương, các hoạt động Ngày thơ tại đây vẫn được chờ đợi và tập trung sôi nổi bạn viết, bạn đọc khu vực Hà Nội và nhiều nơi khác. Bổ sung, sáng tạo thêm những gì mới hơn, mở hơn là điều cần thiết bên cạnh những cách thể hiện đã rất quen thuộc.
Những năm qua, trong chương trình các Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, ban tổ chức đã bố trí sân thơ truyền thống ở phía trước, sân thơ trẻ ở phía sau, ở “vòng ngoài” có các trại thơ của các CLB thơ ngành nghề, địa phương. Và giữa các không gian này được kết nối bằng những chân dung, tượng, tác phẩm, câu thơ hay của các tác giả danh tiếng…
Đó đã là những cố gắng và trân trọng để đại diện nhiều thế hệ, thành phần tác giả làm thơ được góp mặt. Văn Miếu trong Ngày thơ đã thu hút được lượng công chúng đông đảo, tất nhiên, mục đích đến với ngày thơ của các tác giả, bạn đọc là rất đa dạng chứ không chỉ vì các sân thơ, cho thấy mối quan tâm đối với thơ, tình yêu thơ của bạn đọc rất dồi dào và các hoạt động Ngày thơ tại Văn Miếu đã phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức. Nhưng từ đây, nên nghiên cứu, sáng tạo để xây dựng được thêm nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn, cuốn hút hơn trong Ngày thơ, phát triển thêm cách thể hiện ngoài những hình thức quen thuộc. Nên nghĩ đến việc có thêm nhiều hoạt động, nhiều không gian thơ hơn là tập trung vào các sân khấu thơ chính, nơi thể hiện các tiết mục văn nghệ, các màn đọc thơ và giao lưu với tác giả.
Trong nhiều năm, trên sân khấu thơ trẻ, những người thực hiện đã luôn nghĩ đến việc làm mới, làm khác hơn, làm thêm so với Ngày thơ năm trước. Vì thế việc tìm tác giả, chọn tác phẩm, xây dựng chương trình, tiết mục có sự dàn dựng, trình diễn thường đã diễn ra từ trước Tết âm lịch. Với mỗi lần thể hiện thơ trẻ trên sân thơ này bằng phương thức trình diễn, báo chí, dư luận còn có những nhận xét khác nhau, hoặc có năm sân thơ trẻ còn gặp lỗi kỹ thuật hay khả năng thể hiện của tác giả còn hạn chế. Nhưng hầu như đều giành được thiện cảm và sự hoan nghênh của đông đảo khán giả có mặt trực tiếp, cũng như qua mỗi năm, sân thơ lại có đường nét, màu vẻ khác hơn, được ghi nhận. Vào Ngày thơ năm 2010 trên sân thơ trẻ đã có đến ba vị trí thể hiện khá độc đáo là một góc thơ sắp đặt, sân khấu thể hiện thơ theo lối đọc và sân khấu trình diễn thơ, luân phiên trình bày, tạo nên sự thay đổi về không khí và cảm hứng, sau đó lại có phần giao lưu ngẫu hứng với sự tham gia nhiệt tình của một số tác giả là khán giả. Cũng trên sân thơ trẻ, trong Ngày thơ năm 2013 có sự góp mặt các tiết mục văn nghệ của sinh viên một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Các tiết mục này thiên về tạp kỹ, nhưng đó cũng là một cách phát triển thêm về màu sắc chương trình.
Cũng trên sân thơ trẻ, cùng với sân khấu chính và các trại thơ của các tỉnh, trong nhiều năm còn có các poster, “thi quán” giới thiệu nhiều gương mặt thơ trẻ nổi bật, cùng các trích đoạn tác phẩm, được trình bày trẻ trung, bắt mắt. Ngày thơ năm 2016, sân thơ trẻ quay về với cách đọc thơ thuần túy, nhưng lại có sự hỗ trợ hiệu quả của âm nhạc, cũng đã gây được chú ý với người xem và báo giới. Những cách làm trên, đều là những nỗ lực làm cho khu vực thơ trẻ thêm phần sôi nổi, hấp dẫn trong Ngày thơ. Và cũng đáng để gợi suy nghĩ cho câu chuyện hãy làm gì đó hơn nữa để thu hút khán giả.
Vì vậy, trong các Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại Văn Miếu, ban tổ chức nên tạo điều kiện sớm hơn về thời gian và thiết thực hơn về vật chất để những sáng tạo mới, tiết mục mới độc đáo được chuẩn bị và có cơ hội xuất hiện trên các sân thơ, mở thêm các không gian thơ trong một không gian chung có tính chất lễ hội. Càng mở hơn, thì sự tham dự, thưởng thức và hưởng ứng của công chúng, của những người cầm bút cả chuyên nghiệp và không chuyên, đến với Văn Miếu trong Ngày thơ cũng được khích lệ hơn. Người đọc, người xem sẽ được thưởng thức nhiều “món ăn” độc đáo từ các vị trí khác nhau của ngày hội, thậm chí có thể tham dự vào như những chủ thể của chương trình.
Có thêm những sân khấu nhỏ cho tác giả thể hiện. Có thêm những góc thơ để người làm thơ giao lưu, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm sáng tác. Tất nhiên, các không gian này đều phải có sự bao quát, thẩm định về chuyên môn của ban tổ chức và quan trọng là thể hiện được những bài thơ hay. Có những góc thơ dành cho các tác giả uy tín xuất hiện, giao lưu cùng bạn đọc và bán, ký tặng các tập thơ của mình. Việc trang trí, trình bày, trưng bày các chân dung, gương mặt thơ tên tuổi của nước nhà cũng nên thiết kế, thể hiện cho trẻ trung, mới mẻ hơn, mang tính mỹ thuật cao hơn. Đó đều là những việc nên nghiên cứu, tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, nên có những vị trí, không gian rộng rãi, bề thế hơn cho sân thơ thiếu nhi, chứ không chỉ là một trại thơ hay góc thơ khiêm nhường. Trong ngày thơ năm 2016, màn thể hiện của chương trình thơ thiếu nhi với những bài thơ xen kẽ một số tiết mục văn nghệ tuy ngắn gọn nhưng sinh động, tươi trẻ và gây được thiện cảm với người xem. Tiếc rằng năm nay, thơ thiếu nhi lại thu hẹp đất hơn.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15, 2017 đang đến gần, lại hứa hẹn đông đảo công chúng tụ về Văn Miếu, say mê với không khí, tinh thần thơ ca được nhóm lên và tôn vinh. Ngày thơ sẽ diễn ra vào thứ bảy ngày 10-2, tức Tết Nguyên Tiêu xuân Đinh Dậu. Bên cạnh các hoạt động đọc thơ, ngâm thơ trên sân khấu, trong khuôn viên Văn Miếu sẽ có triển lãm 60 năm Hội nhà văn Việt Nam, khai trương “Con đường thi nhân”, có các gian trưng bày nét đẹp văn hóa của các tỉnh thành, cùng với các hoạt động của các CLB thơ tại khu vực Hồ Văn… Mong sao sự quen thuộc trong cách thể hiện, thậm chí những gì đã có phần nhàm, cũ và “già” sẽ được điều chỉnh, thay đổi.