Có lẽ không còn nhiều thời gian để chúng ta quyết tâm đặt ra và thực hiện những giải pháp quyết liệt, nhằm trả lại cho lễ hội những phần đẹp đẽ vốn có, đã được ông cha xưa bền bỉ bồi đắp, hàng ngàn năm truyền lại.
Buồn, pha lẫn xấu hổ khi xem những bức ảnh ghi lại cảnh hàng ngàn người xô đẩy, chen lấn cướp lộc ở nhiều lễ hội ngay trong những ngày đầu năm này. Buồn hơn, vì hình như cảnh phản cảm này không còn cá biệt, không còn mới mẻ. Nét văn hóa đặc sắc “hội” xưa của cha ông dường như đã biến mất, chỉ còn lại phần “lễ” với những toan tính khi người người tìm đủ cách để "đút lót", xin xỏ thánh thần, chà tiền cầu may đến mòn bóng tượng Phật, đốt vàng mã mù trời mà số tiền thăng thiên đó được tính bằng tiền tỷ…
Mỗi năm, chúng ta có hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ, tập trung vào tháng giêng - tháng ăn chơi theo quan niệm xưa. Quanh năm cấy cày vất vả, mùa màng được mất dựa vào thời tiết của trời, nên việc cầu cúng mưa thuận gió hòa là phần rất quan trọng trong lễ hội của ông cha ta. Càng hiện đại, kinh tế phát triển, xã hội dần văn minh, thật đau lòng khi phải thừa nhận, lễ hội càng ngày càng bị biến tướng, bị bôi bẩn bởi hiện tượng bát nháo, của những lòng tham đầy trần tục. Còn đâu nữa mong ước mưa thuận gió hòa, bình an cho muôn dân. Thay vào đó, lễ hội đã bị "đời hoá, tục hoá, thị trường hoá", ngàn cánh tay bê mâm cỗ nặng tấu lên chốn linh thiêng chứng cho lòng thành, hòng xin đỗ đạt, thăng quan tiến chức, “tiền vào như nước”, cầu thánh thần che chở qua khỏi vòng pháp luật. Đi lễ để tĩnh tâm, hướng về điều thiện, vậy mà ngay chốn tâm linh ấy họ giày xéo, đạp lên nhau, thoải mái xả rác, cãi chửi, chặt chém, thậm chí ngay tại chùa Hương- chốn linh thiêng bậc nhất đã xảy ra cảnh đám nam thanh nữ tú lao vào đánh một bà già chỉ vì một lý do lãng xẹt. Từ miền ngược đến miền xuôi, khắp đền nọ phủ kia, nhà nhà thi nhau cúng lễ, dâng sao giải hạn, nhiều triệu đồng tiêu tan vào vàng mã, ngựa xe... Phần lớn trong số này có lòng tin mù quáng rằng, lễ to, tế nhiều sẽ giải được hạn, thánh thần càng hào phóng ban phát...
Còn rất nhiều cách ứng xử không phù hợp, phản cảm đang diễn ra tại các lễ hội, làm xấu xí những lễ hội đẹp đẽ của cha ông ta xưa, làm mất đi nét đẹp văn hóa vốn có của lễ hội. Nguyên nhân có thể một phần do nhận thức của người dân về lễ hội còn phiến diện, do công tác tuyên truyền của chúng ta chưa đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, cơ bản phải chăng do chưa tìm ra được giải pháp phù hợp để quản lý lễ hội, mặc dù chúng ta đã có gần 20 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị khoá VIII về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…
Để hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hoá của nhân dân, giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần của nhân dân, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, có lẽ không còn nhiều thời gian để chúng ta quyết tâm đặt ra những giải pháp quyết liệt, nhằm trả lại cho lễ hội những phần đẹp đẽ vốn có, đã được ông cha ta bền bỉ bồi đắp từ hàng ngàn năm truyền lại./.