Ngày xuân đi Lễ hội đền Đuổm

15:01, 02/02/2017

Trong khí ấm áp đầu xuân năm mới, sáng ngày 2-2 (tức mùng 6 Tết), huyện Phú Lương đã long trọng tổ chức Lễ hội đền Đuổm. Đây là Lễ hội lớn của tỉnh, huyện Phú Lương dịp đầu xuân năm mới nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Danh tướng Dương Tự Minh – Người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc phương Bắc.

Dự Lễ hội có đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung Ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Hoàng Sơn, Trưởng Ban Dân vận; Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

 

Đền Đuổm được xây dựng năm 1180 vào thời Lý Cao Tông. Từ lâu, nơi đây có tiếng là địa linh, là nơi thờ tự chính vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh - Người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của Tổ quốc Đại Việt dưới các triều vua Lý. Ông đã hai lần được Vương triều Lý phong làm Phò mã. Đây còn là nơi thờ 2 công chúa là Diên Bình, Thiều Dung và có đền thờ Mẫu nên càng làm cho di tích thêm nổi tiếng. Thế nên, hơn một nghìn năm hưng khởi nhân dân ta có câu:

 

“Quan triều hiển hách thiên thu tại

Động Đạt giáng thần vạn cổ hinh”

 

Nghĩa là:

 

 “Đất quan triều hiện thánh từ ngàn năm, đến nay vẫn còn

Động Đạt giáng thần, muôn đời khói hương thơm ngát”.

 

Như thường lệ, mở đầu Lễ hội đền Đuổm là nghi thức Rước lễ từ sân Thủy Đình lên đền Trung. Các mâm Lễ gồm cả cỗ chay và cỗ mặn đã được người dân làng Đuổm cùng các đoàn tín chuẩn bị từ sáng sớm. Cỗ chay gồm các loại bánh như: Bánh bìa, bánh vôi, bánh chè lam, bánh khảo… được đặt thành 8 phần và đặt vào 8 chiếc mâm bồng. Cỗ mặn gồm: Lợn quay, xôi ngũ sắc được trang trí đẹp mắt, đều là những sản vật của địa phương được người dân cung tiến lên Đền. Đại diện Đoàn rước Lễ gồm chủ tế và 2 bồi tế trong trang phục áo thụng khăn xếp truyền thống, họ thay mặt cho muôn dân, trăm họ tấu thỉnh tới anh linh của Đức thánh Đuổm cầu mong Quốc thái, dân an và mọi sự may mắn cho một năm mới an khang - thịnh vượng. Cùng Đoàn rước Lễ vào đền còn có các Đoàn tín, người dân mặc trang phục với các sắc màu đại diện cho các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn huyện như: Dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông…

 

Vũ điệu Tắc xình do người dân xã Tức Tranh biểu diễn tại Lễ hội.

Vũ điệu Tắc xình do người dân xã Tức Tranh biểu diễn tại Lễ hội.

 

Vừa dứt phần Lễ, khu vực sân trước cửa đền như bừng tỉnh bởi tiếng reo hò, vỗ tay của hàng vạn du khách thập phương trước các trò chơi trong phần Hội như: Ném còn, kéo co, thi văn nghệ, trình diễn thời trang… Cũng trong khuôn viên diễn ra phần Hội, nhiều sản vật của các địa phương trên địa bàn huyện được trưng bày tại đây. Chị Vũ Thị Bích Thùy, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phấn Mễ - người đại diện cho xã giới thiệu về gian hàng của địa phương mình cho biết: Để chuẩn bị các sản phẩm trưng bày trong Lễ hội, trước khi diễn ra Lễ hội 1 tháng, UBND xã đã giao nhiệm vụ cho từng tổ chức hội, đoàn thể của xã, trong đó, Hội Phụ nữ, Hội nông dân xã được giao công việc huy động các hội viên chuẩn bị nông sản nổi bật của từng xóm để trưng bày tại gian hàng của địa phương mình, cụ thể như: Làng nghề Mây tre đan Phú Yên phải chuẩn bị sản phẩm mây, tre đan; hay người dân ở xóm Tân Hòa phải chuẩn bị khoai lang, bí đỏ, khoai tây… Sau khi các sản phẩm được thu gom đầy đủ, ngày 1-2 (tức ngày mùng 5-1 âm lịch), chúng tôi đã cùng nhau trang trí, trưng bày gian hàng cho đẹp, bắt mắt nhất.

 

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Lễ hội đền Đuổm được tổ chức hằng năm không chỉ nhằm mục đích tưởng nhớ công lao to lớn của danh tướng Dương Tự Minh, cầu cho mùa màng tốt tươi mà đây còn là hoạt động nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân ta. Với mục đích, ý nghĩa như vậy, năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng nhận Lễ hội đền Đuổm được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào cũng như động lực để chính quyền, nhân dân huyện Phú Lương tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi Đền.