Nhiều điều cần chấn chỉnh tại các lễ hội

17:09, 06/02/2017

Vào những ngày đầu xuân mới, nhiều người thường đến các ngôi đình, đền, chùa và đây được xem là nét văn hóa truyền thống của người Việt. Mục đích đi lễ của mỗi người có thể khác nhau nhưng đều có chung tâm nguyện là cầu cho bản thân, gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, nhiều may mắn, công việc thuận lợi…

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số hạn chế mà cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm, nhắc nhở để các địa phương cũng như Ban Quản lý di tích chấn chỉnh. Địa điểm đầu tiên mà chúng tôi thấy còn nhiều bất cập trong Lễ hội là là Cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối, ở xã Tân Thành (Phú Bình), đã được UBND tỉnh xếp bằng di tích lịch sử - văn hóa năm 2005. Lễ hội diễn ra trong cả tháng Giêng nhưng năm nay, ngày chính hội là mùng 4 Tết.

 

Trước đây, Cụm di tích khá nhỏ hẹp, nhưng từ khi được UBND tỉnh xếp hạng thì số lượng người đến đây vào dịp đầu năm ngày một nhiều. Nhờ đó, huyện Phú Bình đã có điều kiện để trùng tu, tôn tạo và mở rộng khuôn viên Cụm di tích, việc quản lý cụm di tích giờ đã do huyện quản lý, thay vì giao cho UBND xã Tân Thành như trước đây. Có mặt tại Cụm di tích trong buổi chiều muộn mùng 4, chúng tôi chứng kiến nhiều hình ảnh không đẹp mắt, thậm chí có thể nói là phản cảm. Dọc lối lên Đền Công Đồng có khá nhiều người ăn xin. Tiếp đến là gạo, muối được người đi lễ vãi trắng xóa mặc dù có nhiều biển ghi cấm vãi gạo, muối. Ngay trước cửa Đền, do không được hướng dẫn cũng như không được trang bị đầy đủ lọ, bình nên người mang hoa đến phải để ngổn ngang dưới chân cây hương phía trước. Ngoài sân, trong Đền rất nhiều túi bóng đựng đồ lễ do chính những người đi lễ vứt ra, trông bẩn thỉu, nhem nhuốc mà không có người thu dọn. Nhiều du khách do tìm mãi hòm công đức không thấy nên đặt tiền bất kể chỗ nào nên nhiều tờ tiền đặt lễ rơi xuống đất, bị dẫm lên. Thỉnh thoảng có một vài người mang theo chiếc bao tải đi thu tiền trên các ban thờ trông rất phản cảm. Có những người vừa đặt tiền, chưa kịp lễ đã bị vơ, khiến họ cảm thấy ấm ức.

 

Ở một số đền, chùa khác, chúng tôi lại bắt gặp những sự việc đáng tiếc khác. Đơn cử như ở chùa Hương Sơn (phường Hương Sơn, T.P Thái Nguyên), do Ban Tổ chức không bố trí người trông xe cụ thể nên đã xảy ra tình trạng mất xe máy, khiến nhiều người đi lễ bất an làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của ngôi chùa. Nhiều người cho rằng, thà cứ bỏ ra 5.000-10.000 đồng để gửi xe để yên tâm vãn cảnh chùa và làm lễ còn hơn được miễn phí mà cứ nhấp nha nhấp nhổm. Hoặc như ở Đền ông Hoàng Bẩy (hay còn gọi là Đền Đá Thiên), ở thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) do công tác phân luồng giao thông không tốt nên mặc dù lượng xe rẽ vào Đền không quá đông nhưng có lúc đường bị tắc tới gần cả giờ đồng hồ, khiến dịch vụ xe ôm được dịp “trúng quả”. Một số người đi lễ có kinh nghiệm thì cho rằng, có thể một số người dân sống quanh khu vực đó đã cố tình tạo ra tình trạng tắc đường để buộc du khách phải gửi xe ở phía ngoài và sử dụng dịch vụ xe ôm, bởi từ chỗ tắc đường vào tới Đền dài 2,5km. Điều này không phải là không có lý khi mà trên thực tế lượng xe di chuyển vào còn đường dẫn vào Đền không quá nhiều.

 

Trên đây chỉ là 3 địa điểm di tích chúng tôi muốn đề cập về những hạn chế trong công tác tổ chức để Ban quản lý các di tích này cũng như các di tích khác trên địa bàn tỉnh lưu tâm, sao cho những hình ảnh không đẹp mắt, làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm chốn linh thiêng sẽ không còn. Đó cũng là cách để chúng ta góp phần duy trì và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.