Đầu xuân, vãn cảnh cầu lộc, cầu tài, cùng “cành vàng, lá ngọc”, nhiều người còn xin chữ mang về treo trang trọng trong nhà, với đức tin gặp nhiều may mắn trong năm.
Chuyện xin chữ, cho chữ người ta thường nhắc nhớ về Văn Miếu (Hà Nội), là một nét đẹp văn hóa cổ từng tồn tại hàng trăm năm nay, và lan truyền về những vùng quê xa Hà thành như Thái Nguyên - xứ sở của nương chè được tắm tưới bằng câu chuyện huyền thoại tình yêu chàng Cốc, nàng Công. Từng nét chữ bổng bay trên nền giấy hồng điều, bình gốm xứ, trên vật liệu gỗ tre, trúc và cả trên tấm mành cọ được nghệ nhân vùng ATK Định Hóa kỳ công dệt thành.
Việc xin chữ, cho chữ có thể thực hiện được trong tất cả các ngày trong năm. Nhưng công việc bận rộn, nên thường lúc: “Niên niên đào khai hoa/ Tổng kiến lão tú tài/ Truy nghiễn hồng tiên bãi/ Thông cù nhân vãng lai”. (dịch: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”,) thì ở một số nơi có lễ hội, như: Khu vực Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; đền Xương Rồng; chùa Phù Liễn (T.P Thái Nguyên); chùa Hang (Đồng Hỷ)… các ông đồ lại: “Xảo bút nhất huy tựu/Long vũ nhi, phụng phi” (dịch : “Hoa tay thảo những nét/Như phượng múa, rồng bay”).
Ông Lê Mạnh Đạt, tổ 5, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên), người từng nhiều năm “đi cho chữ” nói tâm đắc: Vẻ đẹp cổ kính của loại chữ tượng hình thể hiện ý chí, khát vọng của mỗi người. Thế nên mỗi người lại đến xin một chữ khác nhau, hoặc câu đối khác nhau. Còn như tôi và những người cho chữ, không cầu tiền bạc, danh vọng, mà cốt mong góp phần công sức nho nhỏ của mình được gìn giữ, lưu truyền một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống cộng đồng.
Đang những ngày xuân, nhưng lời ông Đạt gợi cho tôi nhớ đến câu chuyện “Chữ người tử tù” của cụ Nguyễn Tuân. Một câu chuyện mang tính nhân văn cao thượng. Nhân vật tử tù bị giam cầm trong buồng tối, song vẫn tỏa sáng từ nét chữ tao nhã, bởi “lòng trong, bút sắc”. Cũng nhờ người tử tù cho chữ, một quan giám ngục nhận ra trân, thiện, mỹ được tỏa sáng từ nội tâm nhân cách con người. Ông từ quan, về quê sống thanh bần để giữ được tâm hồn trong sạch, xứng với thú chơi chữ. Rồi nhiều cụ đồ Nho cho chữ, nhạo báng quan lại ngu dốt, hãnh tiến làm kẻ học đòi chẳng để đâu hết nhục… Là chuyện của ngày xưa. Còn như những xuân nay, lòng người phơi phới cùng đào, mai, cúc, trúc, “người ta” dù chẳng biết tí chữ nho nào, song cũng biết ngữ nghĩa của cái chữ mình xin về treo trong nhà.
Gặp bên chiếu chữ ở đền Xương Rồng sáng hôm mùng 1 Tết Nguyên đán Đinh Dậu, cụ Nguyễn Hoàng Lê, 92 tuổi nói ôn tồn: Đi xin chữ đầu xuân là thể hiện được người có đức hiếu học. Nhưng không nhất thiết phải xin chữ nho, vì chữ Việt Nam ta cũng có thể thiên biến, vạn hóa tựa phượng múa, rồng bay. Với người trải đời, hiểu biết về hội họa, âm luật, nhìn chữ thấy hoa nở, chim ca, suối reo; biết được tâm trạng của người cho chữ và người xin chữ… Cụ dừng lời, mắt chăm chắm ngắm nhìn từng nét chữ nổi trên nền giấy đỏ, tay vuốt chòm râu bạc, khoan thai bảo người cho chữ đáng tuổi con trai mình: Xuân nay, thầy cho tôi xin THUẬN.
Ngẫm ngợi giây lát, ông đồ nho gật đầu, vén tay áo, phóng bút bằng cử chỉ tao nhã. Chỉ một loáng đã thấy trên vuông giấy đỏ một bức tranh được vẽ bằng chữ đẹp mê hồn. Thế mới thấy sự thâm sâu của các bậc cao niên khi đi xin chữ; cũng đồng thời thấy cài tài nghệ của người cho chữ… Cụ già 2 tay đón chữ, miệng nói lời cảm tạ. Tôi thấy giữa người cho chữ và người nhận chữ cùng tâm đắc như thân thiết, tri kỷ. Cũng khi đó, một bé gái chừng mươi tuổi ngập ngừng nói: Ông ơi, ông cho cháu xin chữ NHẪN. Vì chữ này sẽ nhắc nhở bố mẹ cháu không cãi nhau hằng ngày.
Cô bé làm mọi người có mặt hết sức ngạc nhiên. Ông đồ lại vén tay, phóng bút một cách nghiêm nghị. Ông tặng cho bé gái tranh chữ, bảo: Cháu là một người con hiếu thảo… Rồi lại cặm cụi mài mực Tàu, soạn giấy đỏ và phóng bút.
Giữa hội đầu xuân, đến chùa Hang, gặp Đại đức Thích Nguyên Thanh, hỏi chuyện chơi chữ: Đại đức cho biết: Mỗi người có một sở nguyện, có người thích chơi chữ: PHÚC, ĐỨC, TÀI, LỘC, THỌ, AN KHANG… có người thích chơi câu đối. Trong trường hợp viết bằng chữ Nho, thường có chữ Việt viết giải thích dưới chân chữ. Còn chữ Việt thường được viết giống như chữ tượng hình, xem rất đẹp. Người đi vãn cảnh đền, chùa thường xin chữ về treo ở vị trí trang trọng trọng nhà, coi việc xin được chữ mang về là có phúc, lộc may mắn cả năm.
Cũng nhân xuân nay, đi vãn cảnh đền, chùa, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng những bức tranh vẽ bằng chữ cực kỳ công phu, tinh xảo. Chữ được mạ vàng, mạ bạc, mạ đồng hoặc đúc nổi bằng nhựa cao cấp, trông như ngà ngọc, lóng lánh được làm sẵn bán cho người du xuân mua làm quà tặng người thân.