Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Kỳ I)

09:38, 14/03/2017

Ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thái Nguyên sẽ góp sức như thế nào để cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết này? Đây là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra không chỉ với cơ quan chức năng mà cần sự vào cuộc của mọi người dân.

 Nhiều lợi thế phát triển

 

Không có biển làm bãi tắm chào mời du khách, không có vùng tuyết rơi cho du khách trải nghiệm, nhưng từ lâu Thái Nguyên được coi là điểm đến của nhiều du khách trong nước, quốc tế, với những sản phẩm du lịch lịch sử về nguồn, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tín ngưỡng và du lịch qua những vùng chè.

 

Theo Tiến sĩ Dương Đình Hiền, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch): Trong phát triển ngành du lịch, Thái Nguyên có lợi thế về vị trí địa lý, về nguồn tài nguyên du lịch và lòng người hồn hậu. Còn bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phòng Quản lý Di sản văn hóa phi vật thể (Cục Di sản văn hóa) cho biết: Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bởi ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, còn có các điểm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa riêng, trong đó có các di sản văn hóa phi vật thể được nhân dân gìn giữ, tôn trọng.

 

Từ nhận thức rõ vai trò to lớn của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, nhiều dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được triển khai đưa vào hoạt động, đem lại hiệu quả thiết thực, như: đường tỉnh 260 (Đán - Khu du lịch Hồ Núi Cốc); cơ sở hạ tầng ATK, đường cho người đi bộ thăm cây đa trăm tuổi xã Phú Đình (Định Hóa); một số tuyến đường vào điểm du lịch ở xã Cúc Đường (Võ Nhai); khu du lịch hồ Nà Mạc, xã Ôn Lương (Phú Lương)… được đầu tư nâng cấp. Nhờ có hệ thống giao thông thuận lợi, từ Thái Nguyên, du khách có thể đến các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Cùng với đó, các lĩnh vực dịch vụ xã hội như viễn thông, dịch vụ vận tải công cộng, hệ thống điện, hệ thống cấp, thoát nước được quan tâm đầu tư, đáp ứng kịp thời cho ngành du lịch phát triển.

 

Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 810 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá, trong đó có 510 di tích lịch sử, 39 di tích danh thắng, 12 di tích khảo cổ học, 16 di tích kiến trúc nghệ thuật và 233 di tích tín ngưỡng… Các di tích, danh thắng từ lâu được ví giống như những “mỏ vàng lộ thiên”, hoặc như “một công trường” mang lại việc làm thường xuyên cho hàng vạn lao động địa phương. Điển hình như Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hoá, Di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ Thần Sa (Võ Nhai), Đền Đuổm (Phú Lương), Chùa Hang (Đồng Hỷ), Chùa Phủ Liễn, Đền Xương Rồng, Đền Đội Cấn (T.P Thái Nguyên)... Có rất nhiều điểm đến mang lại cho du khách một trải nghiệm lý thú, được gần gũi với thiên thiên, như thả thuyền trôi thăm các đảo lớn, nhỏ trên mặt hồ Núi Cốc (Đại Từ); lên Võ Nhai leo núi chinh phục Hang Phượng Hoàng, xuống Suối Mỏ Gà thỏa mình trong dòng nước mát lành gạn ra từ lòng núi; hoặc về Phổ Yên bơi chải trên hồ Suối Lạnh, ngắm bãi ngô, nương chè.

 

Người Thái Nguyên tự hào có một kho tàng văn hóa phi vật thể da dạng, phong phú với hàng trăm di sản đã được kiểm kê, khôi phục, bảo tồn, trong đó có nhiều di sản được xếp hạng cấp quốc gia, như: Rối cạn Thẩm Rộc của người Tày Định Hoá; hát Soọng Cô của người Sán Dìu (Đồng Hỷ); múa Tắc Xình (cầu mùa) của người Sán Chay (Phú Lương) và Lễ cấp sắc của người Dao (Đại Từ)… Ngoài các di tích, danh thắng và di sản văn hoá phi vật thể, ở Thái Nguyên còn có các làng nghề thủ công truyền thống, như làng nghề thủ công mỹ nghệ (Phú Bình), làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (Phú Lương), làng nghề dệt mành cọ (Định Hoá)… Rồi từ Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam (năm 2011, 2013 và 2015), Thái Nguyên còn có thêm sản phẩm du lịch mới, đó là du lịch sinh thái - trải nghiệm qua những vùng chè ở La Bằng (Đại Từ); Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương); Minh Lập (Đồng Hỷ);  Tân Cương (T.P Thái Nguyên)… và gần 80 lễ hội có quy mô khác nhau được tổ chức chủ yếu tại các đền, đình, chùa, khu di tích. Một số lễ hội tiêu biểu, có quy mô lớn, thu hút được hàng vạn lượt người tham gia mỗi dịp tân Xuân, như: Lễ hội Đình, đền, chùa Cầu Muối (Phú Bình); Chùa Hang (Đồng Hỷ), Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa, Đền Đuổm (Phú Lương).

 

Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Trong những năm gần đây, các điểm du lịch của tỉnh cũng như hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và dịch vụ đưa đón du khách đã có sự chuyên nghiệp hơn, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch cơ bản đáp ứng được yêu cầu của du khách. Hiện, trên địa bàn của tỉnh có 381 cơ sở lưu trú phục vụ du khách, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 5 khách sạn 3 sao, 39 khách sạn từ 1 đến 2 sao và 336 nhà nghỉ, với công suất phòng, buồng đạt 66%.

 

Trong buổi làm việc với đồng chí Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (8-2-2017), đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều quan tâm trong phát triển ngành du lịch, cụ thể là các hoạt động tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tuyên truyền, quảng bá góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Cơ sở vật chất của các nhà hàng, khách sạn được quan tâm đầu tư, nâng cấp; đội ngũ cán bộ, nhân viên thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

 

Theo ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh: Hiện Hiệp hội có 90 đơn vị thành viên, tăng 17 đơn vị so với năm 2014. Để làm ăn có hiệu quả, các đơn vị thành viên tích cực đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các dịch vụ. Hằng năm, Hội phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng trình độ, chuyên môn cho đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch, cơ bản về các nghiệp vụ: Lễ tân khách sạn; phục vụ buồng; nghiệp vụ hướng dẫn viên - thuyết minh viên du lịch. Một điểm mới là giữa các đơn vị làm du lịch đã có sự liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ, hỗ trợ nhau về kinh tế, kinh nghiệm và chia sẻ tuor. Để vươn ra thị trường lớn, Hiệp hội chủ động liên kết với hiệp hội du lịch ở các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương...

 

Sự liên kết mang lại cho du khách nhiều lợi ích thiết thực khi tham gia các tuor, tuyến tại Thái Nguyên và các tỉnh, thành lân cận. Năm 2016, Thái Nguyên đón tiếp vị khách thứ 2,6 triệu; tổng doanh thu về các dịch vụ xã hội đạt gần 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với năm 2013, trong đó tổng doanh thu do các doanh nghiệp du lịch đạt 205 tỷ đồng, tăng hơn 67 tỷ đồng so với năm 2013. Với ngành Du lịch, đây là năm khởi sắc, và là tín hiệu đáng mừng để tỉnh tiếp tục phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.