“Di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững” là chủ đề của hội thảo khoa học diễn ra ngày 1/3 tại Hà Nội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phối hợp tổ chức.
Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa trong nước. Hơn 30 tham luận tại hội thảo đã góp phần khẳng định: Văn hóa phải được xem là một trụ cột của phát triển bền vững cùng với kinh tế, môi trường và xã hội. Các đại biểu cho rằng, ở Việt Nam vẫn có sự hạn chế trong nhận thức về vai trò và vị trí của văn hóa trong phát triển bền vững, văn hóa chưa thực sự được xem là một nguồn lực phát triển. Trong chiến lược phát triển bền vững, văn hóa bị lấn át bởi các nội dung khác.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, hội thảo khoa học “Di sản văn hóa với Chiến lược phát triển bền vững” với những ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học sẽ là tư liệu quý góp phần tham mưu chính sách đường lối cho Đảng và Nhà nước, cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lĩnh vực Bộ quản lý.
Thứ trưởng khẳng định phát triển bền vững là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặt ra từ lâu. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa triển bền vững được lãnh đạo Bộ quan tâm. Việt Nam có kho tàng di sản văn hóa khổng lồ với 40.000 di sản vật thể, 60.000 di sản phi vật thể. Vấn đề là phải quản lí, khai thác cho hiệu quả để bảo tồn, tiếp nối, phát huy như thế nào, bổ sung các giá trị mới góp phần làm giàu kho tàng di sản, trao truyền cho thế hệ mai sau. Đây là cái gốc để phát triển bền vững…
Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu đời, đặc trưng đa dạng về địa hình tự nhiên, sinh cảnh và đặc biệt là một nền văn hóa phong phú được tạo nên bởi cộng đồng 51 dân tộc, rất giàu bản sắc. Với ý nghĩa là một nguồn lực, văn hóa và di sản đang trở thành một dạng tài nguyên vô giá và vô tận nếu biết cách gìn giữ và khai thác một cách khoa học, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của con người. Đã đến lúc, nước ta phải có một chiến lược để văn hóa có thể phát huy hiệu quả tài nguyên đặc biệt này…
Các đại biểu cho rằng: Phải định lượng giá trị các di sản chứ không chỉ đơn thuần là kiểm kê, lập hồ sơ để có chiến lược và phương thức bảo tồn, khai thác khoa học. Công việc này phải được tiến hành đồng bộ với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị chứ không riêng ngành văn hóa. Bảo tồn và phát triển dựa vào cộng đồng đang là xu thế thế giới và là một giải pháp khai thác bền vững giá trị các di sản bởi văn hóa là sáng tạo và tài sản của cộng đồng. Giá trị của tài sản đó đem lại lợi ích cho cộng đồng, gắn kết, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, khiến việc gìn giữ di sản trở thành ý thức tự nguyện của người dân. Việt Nam có nhiều chính sách xã hội, mô hình phát triển du lịch gắn với cộng đồng đang ngày càng được nhân rộng. Các đại biểu nhấn mạnh, đây là một hướng đi đúng và có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, khi tiến hành, phương thức này cần có tầm nhìn xa. Hiện nay, loại hình du lịch này chủ yếu gắn với xóa đói giảm nghèo nhưng sản phẩm du lịch vẫn mang tính “ăn xổi”, giá trị thấp và ngắn hạn chứa chưa mang tính bền vững cao. Do đó, thay vì quan niệm du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo cần phát triển tư duy du lịch văn hóa theo nghĩa rộng…