Sáng 4-4, tại Hà Nội, Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017) đã được tổ chức trọng thể.
Tới dự có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (UVBCT), nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; Phạm Quang Nghị, nguyên UVBCT, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Võ Văn Thưởng, UVBCT, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ; Vũ Đức Đam, Ủy viên TƯ Đảng (UVTƯ), Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thế Kỷ, UVTƯ Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học nghệ thuật TƯ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành đoàn thể TƯ và địa phương, các thế hệ nhà văn tiêu biểu.
Các đồng chí: Trần Đại Quang - Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên,Bí thư TƯ Đảng, Chánh Văn phòng TƯ Đảng; Nguyễn Đức Chung, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND T.P Hà Nội đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND T.P Hà Nội đã tham dự buổi lễ.
Trong 60 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy".
Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khẳng định: Để ghi nhận, tôn vinh công lao đóng góp của Hội Nhà văn Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã trao tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác cho Hội. Nhiều nhà văn ưu tú được Đảng, Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Trong chặng đường mới của đất nước, Hội Nhà văn Việt Nam vừa tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, vừa phải đương đầu và vượt qua không ít khó khăn, nhưng luôn vững vàng mang trách nhiệm xã hội, phát triển nền văn học nước nhà trong những năm tới vì xã hội, vì con người.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm thực hiện một số vấn đề: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết về văn học nghệ thuật của Bộ Chính trị và Ban chấp hành TƯ theo hướng phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa; đi sâu, nắm bắt, sáng tạo các tác phẩm văn học ca ngợi, tôn vinh các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và nhân dân Anh hùng trên tinh thần nhận thức lịch sử một cách biện chứng, sâu sắc; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà văn, nhà thơ có tài năng, dấn thân lý giải những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra cho cả xã hội, kế thừa, phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo - truyền thống quý báu của dân tộc, của văn hóa Việt Nam…
Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam đã truy tặng Giải thưởng Cống hiến đợt I cho các tác phẩm của 22 cố tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn học Việt Nam. Cụ thể, 10 tác giả thể loại văn xuôi của các cố nhà văn: Hà Minh Tuân (các tác phẩm tiêu biểu như Hai trận tuyến, Vào đời), Nguyễn Thế Phương (tác phẩm Đi bước nữa, Nắng), Huy Phương (Xi măng, Nơi anh sẽ đến, Hoa nở đêm), Đỗ Quang Tiến (Vùng cao, Đêm đỏ), Bùi Bình Thi (Kiếp người, Xiêng khoảng mù sương, Hành lang phía Đông), Siêu Hải (Voi đi, Sông Lô, Nắng dọi kinh thành), Xuân Sách (Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, Mặt trời quê hương, Rừng bên sông), Võ Hồng (Thơm ngáy hương cau, Hoài cố nhân, Thiên đường ở trên cao), Nhật Tuấn (Con chim biết chọn hạt, Đi về nơi hoang dã), Nguyễn Văn Xuân (Bão rừng, Hương máu, Kỳ nữ họ Tống);
7 tác giả thể loại thơ gồm: Cẩm Giang (Cầm Vĩnh Ui, Bạc Văn Ùi, Gió núi biên phòng, Rừng trắng hoa ban), Ngô Kha (Hoa cô độc, Ngụ ngôn của người đãng trí), Lê Văn Ngăn (Vào một thời im bóng, Viết dưới bóng quê nhà), Trần Quang Long (Thưa mẹ trái tim, Vực thẳm và hy vọng), Xuân Miễn (Gói đất miền Nam, An Phú Đông), Dương Kiều Minh (Củi lửa, Dâng mẹ), Nguyễn Lương Ngọc (Từ nước, Ngày sinh lại);
3 nhà lý luận, phê bình văn học: Vũ Đức Phúc (Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn học Việt Nam hiện đại, Bàn về phương pháp nghiên cứu văn học), Trần Thanh Mại (Trong dòng sông vị, Hàn Mặc Tử, Tú Xương - Con người và nhà thơ), Trần Thanh Đạm (Vấn đề giảng dạy văn học theo thể loại, Tục ngữ và nguồn gốc văn chương);
2 tác giả thể loại văn học dịch: Nam Trân (Nhật ký trong tù, thơ Đường, Tống), Nguyễn Thụy Ứng (Sông Đông êm đềm, Bến bờ).