Người lưu truyền tiếng kèn Péle ở Đồng Tâm

14:00, 05/04/2017

75 tuổi, ông Hầu Văn Đạo, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh (Phú Lương) đã ngại ra khỏi nhà. Từ hơn 1 năm nay, căn bệnh gút đã “cột” cuộc đời ông trong ngôi nhà của mình. Nhưng không cột được tiếng kèn Péle “trời ban” cho ông. Hằng ngày, từng giai điệu, âm hưởng cuộc sống vẫn vút lên, ngân vang, đổ dài trên đồng làng gọi mùa lúa chín.

Mến tiếng kèn Péle ông thổi, nhiều người trong vùng gọi ông là nghệ nhân của đời thường. Bởi gần suốt cuộc đời bôn ba bươn trải, cả lúc gia đình khó cái ăn, đến bữa chưa có gạo bắc bếp cho 9 đứa con (6 gái, 3 trai) trứng gà, trứng vịt nhếch nhác, ông vẫn giữ được cái thú thổi kèn Péle.

 

Có người bảo: Thổi được kèn péle là phúc phận trời ban, vì đó là tiếng kèn gắn với những giai điệu hát ví Sấng cọ và nhảy Tắc xình của người dân tộc Sán Chay. Lại có người nói đó là việc “giời hành”, vì theo lệ, đó là tiếng kèn nói chuyện với người âm, tiễn người xấu số về thế giới người hiền. Ông bảo: Ai nói mặc ai, còn tôi thổi kèn Péle là muốn giữ, lưu truyền lại cho các thế hệ sau một nét đẹp văn hóa của người dân tộc Sán Chay.

 

Một trong những người hiểu về âm luật trong ca, vũ của đồng bào người dân tộc Sán Chay là Nghệ nhân Ưu tú Hầu Thanh Tĩnh. Ông Tĩnh nói như một đúc kết: Hát Sấng cọ, múa Tắc xình, chỉ cần thích là tập được. Còn thổi kèn Péle thì nhiệt tình cũng không học được. Bởi thế, ông Đạo có rất nhiều học trò, nhưng chỉ có ông Bế Văn Tiến theo được. Ông Tĩnh buông câu hát: “Vù tàu sính sìn hồng hình tàu/ Tông slằm tí lươợc mòi trừng slằm” (tạm dịch: “Em có hỏi thì anh trả lời thật/ Anh không phải người trời, anh chỉ là người làng…”).

 

Hiện ông Tiến đã xắp tuổi lục tuần, đang “làm chân” thổi kèn Péle thay ông Đạo trong Đội văn nghệ xóm Đồng Tâm. Ông Tiến cho biết: Làm nghệ sĩ xóm rồi, nhưng lúc rảnh, tôi lại đến nhà ông Đạo học nâng cao các âm vực, trường độ, tiết tấu, càng học càng thấy mê.

 

Cầm cây kèn trong tay, ông Đạo giới thiệu cho chúng tôi về cây kèn gỗ, loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình. Ông tự hào: Kèn Péle là nhạc cụ thuộc họ hơi, có hình dáng nhỏ, gọn, chất liệu âm thanh vang vọng, tưng bừng và là biểu tượng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào người dân tộc Sán Chay.

 

Ông dừng lời, phóng mắt nhìn lên các triền núi: Cắm Mốc, núi Cao, núi Đình, rừng Chò, nơi có tiếng chim ríu ran bầu bạn. Dù mới qua tiết Thanh minh (3-3 âm lịch), nhưng câu chuyện ông Đạo kể như đưa chúng tôi đi thăm các khu đồng: Ao Mon, Cà Thế, Khe Si, Ông Mót, nơi sau mỗi mùa gặt, bà con trong xóm lại rủ nhau nhảy Tắc xình mừng cơm mới. Tất cả như từng thước phim sống động đưa tôi về miền hoài niệm xưa cũ, bao thế hệ con người đã đồng lòng, chung sức gầy dựng cuộc sống ấm no; biết trân trọng, gìn giữ và lưu truyền những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

 

Cũng như bao công dân chào đời ở vùng đất Đồng Tâm, ông Đạo lớn lên trong lời ví ru của mẹ. Nhưng không giống bao người, từ tấm bé, ông Đạo đã mê mẩn tiếng kèn Péle. Mỗi lần nhà có việc, ông cứ sán lại gần với các thầy Tào để nghe giai điệu kèn. Rồi giai điệu “thần bí” ngấm vào tâm trí khi nào không hay. Một lần nghe tiếng kèn Péle, ông đã nói với mọi người về các giai điệu đưa tiễn người bạc mệnh, trong đó có giai điệu chia ly; cấp tiền; rót rượu; chuẩn bị ra đồng; mời các cụ ở cõi âm lên đón người nhà… Một thầy Tào lớn tuổi đã mững rỡ, bảo: Đây là truyền nhân của tiếng kèn Péle. Từ đấy, ông được một số thầy Tào trong vùng quan tâm, truyền dạy cho các kỹ năng lấy hơi, điều khí, các kỹ thuật rung hơi, vuốt hơi và nhấn, nhả, rung, vuốt ngón tay trên các lỗ hơi của cây kèn tạo ra những âm thanh tiết tấu bay bổng, dồn dập, vui nhộn hoặc da diết buồn nhớ. Đến năm 20 tuổi, ông luyện thành thạo nghệ thuật lấy hơi bằng mũi, thả hơi đằng miệng và có thể thổi hàng giờ liên tục mà không biến sắc mặt vì mệt. Cũng từ đó, ông được tham gia thổi kèn Péle tại các lễ nghi của đồng bào người dân tộc Sán Chay trong vùng.

 

Ông Đạo cho biết: Học thổi kèn Péle không có sách vở, không nốt thăng, nốt giáng, nốt trắng, nốt đen như các cháu trong xóm về thành phố học nhạc lý, mà các thầy thổi như thế nào, mình thổi theo như thế đó. Có bài học thổi hàng chục lần mới thấy xuôi.

 

Năm 1968, ông nhập ngũ, cùng đồng đội vào miền Nam chiến đấu. Ông kể: Liên miên với trận mạc, năm 1969, do lập công xuất sắc, tôi được kết nạp vào Đảng. Tôi phục vụ trong Quân đội đến năm 1976, được xuất ngũ về quê. Trong suốt 9 năm quân ngũ, làm bộ đội đặc công phục vụ chiến dịch từ vùng Bảy Núi (An Giang) đến Cà Mau, nhớ tiếng Péle mà không dám thổi, vì phải giữ bí mật cho đơn vị. Nên khi trở về, tôi lại làm bạn với cây kèn Péle, lại cùng các thầy Tào phục vụ những lễ nghi truyền thống.

 

Từ tiếng kèn Péle đậm chất tâm linh, đến tiếng kèn Péle xuất hiện trên sân khấu hội diễn văn hoá, văn nghệ các cấp, là cả một chặng đường dài trau dồi, rèn luyện của người dân xóm Đồng Tâm. Ông Đạo kể: Cuối năm 1998, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, người dân xóm Đồng Tâm đã nhận được sự giúp đỡ của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lương về việc khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có hát Sấng cọ và nhảy Tắc xình. Trong thực hiện hát, múa của dân tộc Sán Chay, rất cần đến một số nhạc cụ hỗ trợ, gồm: Náy trooc (trống lớn, trống nhỏ, trống nứa); sắm sẹ (quả chuông, chiêng, chập xeng); Kèn tổ sâu và kèn péle. Với nghĩ suy góp chút sức mình cùng bà con khôi phục nét bản sắc văn hóa dân tộc, tôi đến Làng Pháng, xã Phú Đô tìm nhà cụ Vi Văn Cải học thổi kèn péle. Một trong những loại nhạc cụ quan trọng trong nghi lễ cầu mùa, cầu an, hát sấng cọ, múa tắc xình (Năm 2016, cụ Vi Văn Cải được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú). Nhờ cụ Cải nhiệt tình hướng dẫn, bản thân tôi có tâm huyết, nên đã nhanh chóng nắm bắt được các kỹ năng sử dụng kèn Péle để tham gia phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương.
Chúng tôi biết: Cây kèn Péle đã cùng ông và đội văn nghệ người Sán Chay Đồng Tâm tham gia nhiều hội diễn lớn cấp quốc gia, cấp tỉnh. Tiếng kèn péle cùng các đạo cụ truyền thống góp phần đẩy câu hát sấng cọ và vũ điệu tắc xình lên một tầm nghệ thuật cao hơn. Đặc biệt, ngày 25-8-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ban hành Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL công nhận vũ điệu Tắc xình là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ông tự hào: Dù bây giờ không còn sức cùng bà con đi diễn văn nghệ, nhưng tôi đã có người kế chân thổi kèn Péle thành thạo. Tiếng kèn Péle của tôi, của cha ông tôi sẽ không bao giờ tắt, mãi như ngọn lửa lòng sưởi ấm tâm hồn người Sán Chay.

Bài và ảnh: