Phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá

14:13, 25/04/2017

Khu Di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa có hơn 130 điểm di tích, trong đó có 20 di tích xếp hạng cấp Quốc gia. Năm 2012, Đảng, Nhà nước đã xếp hạng là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt. Sau 5 năm (2012-2016), Khu Di tích có 14.557 đoàn khách trong nước, quốc tế, với hơn 3,2 triệu lượt người, trong đó năm 2016 có 2.980 đoàn khách, với hơn 667.000 lượt người đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan, nghiên cứu, học tập.

 “Vui sao một sáng tháng Năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/ Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn”… Từng lời, từng ý trong bài “Sáng tháng Năm” của Nhà thơ Tố Hữu như thôi thúc, giục giã tôi trên suốt dọc đường từ T.P Thái Nguyên lên Thủ đô gió ngàn Định Hóa.

 

Vẫn đồi cọ, nương chè, bản nhà sàn và bóng áo chàm thấp thoáng nương ngô, nhưng lần nào trở lại Định Hóa, trong tôi cũng xốn xang niềm cảm xúc khôn cùng, bởi nghĩ suy trên đất này, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân cả nước làm nên một thiên sử vàng Việt Nam.

 

Thời gian trôi mau, tất cả đã khép lại thành sử xanh. Nhưng còn đó ở ATK Định Hoá, những dấu tích lịch sử được khắc lại trên bia đá, và tạc trong lòng người. Trò chuyện với chúng tôi, anh Đồng Khắc Thọ, Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa tâm đắc: Đảng, Nhà nước khẳng định: Cùng với Pắc Bó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), ATK (Định Hoá) là một quần thể quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, một vùng Thủ đô kháng chiến có ý nghĩa và giá trị trên nhiều măt. Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di tích lịch sử cách mạng “Chiến khu Việt Bắc” là nhằm giáo dục các thế hệ về truyền thống lịch sử, cách mạng và kháng chiến của dân tộc ta… Từ ý nghĩa đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

 

20 năm trước (1997), tôi lên Định Hoá, anh Vi Văn Thư (khi đó là Bí thư Huyện ủy) đã đưa tôi về Phú Đình, thăm đèo De, thác Khuôn Tát, thăm Nhà trưng bày ATK Định Hóa. Nhà được Thủ tướng Võ Văn Kiệt cắt băng khai trương ngày 17-5-1997. Vậy mà nay trở lại, những đường đất lổn nhổn sỏi đá trước đó được thay thế bằng đường trải nhựa áp phan, đường bê tông. ATK đổi thay đến ngỡ ngàng.

 

Ông Nguyễn Văn Bình, xóm Phú Hà (xã Phú Đình) tham gia giúp Ban Quản lý Di tích trông coi, bảo vệ di tích lịch sử Thẩm Khen, nơi Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ở, làm việc năm 1951-1953.

 

Cùng năm tháng, nhiều công trình, nhiều di tích lịch sử được xây dựng, tái tạo bảo tồn. Ngoài Nhà trưng bày ATK - Tổ hợp trưng bày 380 hiện vật, ảnh tư liệu, sa bàn tái hiện không gian thủ đô kháng chiến, Đảng, Nhà nước còn đầu tư xây dựng nhiều các công trình mang ý nghía chính trị lớn và các công trình phúc lợi phục vụ nhân dân và du khách, trong đó phải kể đến Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở đỉnh đèo De, một món quà đầy ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền nhân dân thủ đô Hà Nội tặng trung tâm Thủ đô gió ngàn năm 2005. Anh Nguyễn Văn Nương, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích tự hào: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài việc con cháu trên mọi miền đất nước về dâng hương tưởng niệm, báo công với Người, mà còn là nơi được nhiều Đảng bộ, chi bộ thuộc các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước đến dâng hương, làm lễ kết nạp đảng viên mới; lễ cấp phát bằng tốt nghiệp lớp trung cấp, cao cấp chính trị.

 

Qua trò chuyện chúng tôi còn được biết: Từ 5 năm gần đây, bằng nguồn xã hội hóa, Ban Quản lý Di tích đã xây dựng được nhà đón tiếp dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số công trình phụ trợ, trang thiết bị cho Trạm Y tế - Cứu hộ ATK, với số tiền hơn 7,5 tỷ đồng. Và để di tích ngày càng phát huy cao giá trị trong đời sống xã hội, Ban Quản lý Di tích thường xuyên có nhiều các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, triển lãm hình ảnh Khu Di tích đến nhân dân và du khách. Trong khoảng tthời gian từ năm 2010 đến hết năm 2016, Ban Quản lý Di tích đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức 3 hội thảo khoa học, tọa đàm về công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Các điểm di tích Xưởng Đội Cấn - Nhà máy Quân giới K77 (Đồng Thịnh); Trường Nguyễn Ái Quốc (Bình Thành); nơi ở, làm việc của cơ quan Bộ Tổng tham mưu và Tổng Tham mưu Trưởng Hoàng Văn Thái (Định Biên)… được Ban Quản lý Di tích lập hồ sơ khoa học được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia.

 

Cũng trong những năm này, Ban Quản lý Di tích sưu tầm được 442 tài liệu, hiện vật; hơn 500 ảnh tư liệu, 6.215 sách hồi ký, lịch sử, bảo tồn, bảo tàng… Đặc biệt là các hiện vật như: áo dạ, thanh kiếm Bác Hồ tặng cụ Ma Tiến Đàm khi chữa bệnh cho Người ở Tân Trào (7-1945); phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946) của nhà điêu khắc Nguyễn Cao Đàm; túi sung đan của Phụ nữ Pắc Bó tiếp tế lương thực cho Bác Hồ… Khảo sát đưa vào danh mục lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức chữa bệnh bằng thuốc Nam của người Dao” huyện Định Hóa. Nhân Lễ hội Lồng Tồng hằng năm, Ban Quản lý Di tích tổ chức triển lãm ảnh, tư liệu, tranh sơn dầu với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thái Nguyên”; “Việt Nam đất nước, con người” phục vụ hàng vạn lượt người xem/đợt.

 

ATK Định Hóa - Thủ đô gió ngàn, nơi phát tích Chiến dịch Điện Biên phủ. Để từ đất này có “Những đường Việt Bắc của ta/ Đêm đêm rầm rập như là đất rung”  (Thơ Tố Hữu). Vâng! Vẫn còn đây Thủ đô gió ngàn, với măng đắng, đọt cọ, rau rừng, xôi ngũ sắc, cơm lam, tiếng cọn kéo nước lên đồng và lời then, tiếng tính rộn ràng mừng quê hương đổi mới.