Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương- Di sản văn hóa thuần Việt

10:48, 05/04/2017

Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều đó một lần nữa khẳng định sức sống hàng ngàn năm của một truyền thống tốt đẹp, với dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam. Truyền thống đó đã khẳng định tính kết nối và lan tỏa mạnh mẽ của một di sản văn hóa thuần Việt.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng văn hóa, tín ngưỡng mang tính phổ quát và nhân văn sâu sắc. Bởi con người, tự bản chất luôn có tâm lý hướng về cội nguồn, tưởng niệm, biết ơn, tri ân tổ tiên, dẫu rằng sự thể hiện ở mỗi dân tộc, mỗi quốc gia có khác nhau. Đối với mỗi người con dân đất Việt thì Hùng Vương là vị vua gắn với Nhà nước Văn Lang huyền thoại thành vị Thủy tổ của dân tộc, là Thánh vương thiêng liêng. Bao đời nay, người dân truyền từ đời này sang đời khác như một bản sắc dân tộc: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm vào ngày 10-3 âm lịch là một sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa - tinh thần của người dân đất Việt

 

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”

 

Đã là người dân Việt Nam, không ai không nhớ câu ca nhắc nhở ý thức cội nguồn gốc rễ. Để mỗi con cháu Lạc Hồng dù ở đâu, đi đâu trong ngày này đều nghĩ về ngày Giỗ Tổ, nhớ tới cội nguồn của dân tộc mình. Từ truyền thuyết bọc trăm trứng đến sự tích Hùng Vương, trong lịch sử hơn 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn sắt son quan niệm: Đã là người Việt, tất cả cùng chung dòng máu Tiên Rồng, phải sống với nhau có nghĩa, có tình, có trước có sau, thủy chung son sắt. Từ một niềm tin tín ngưỡng, tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt, thể hiện tinh thần tôn trọng quá khứ, biết ơn quá khứ. Đó chính là những giá trị văn hóa tinh thần cốt lõi tạo nên sức mạnh vĩnh hằng hun đúc truyền thống đoàn kết trong cộng đồng văn hóa người Việt.

 

Từ nhiều nguồn tư liệu cho thấy, khoảng từ thế kỷ XIV, XV nhà Lê bắt đầu xây dựng bộ ngọc phả Hùng Vương, sau đó là việc thờ cúng Hùng Vương. Các triều đại sau đó như Tây Sơn, nhà Nguyễn đều có việc phong sắc giao cho các làng, xã xung quanh núi Nghĩa Lĩnh (Lâm Thao, Phú Thọ) thờ cúng Hùng Vương. Cho đến nay tín ngưỡng này càng phát triển mạnh.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho ông Hùng Thúc Kháng thay mặt Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa làm lễ trước miếu các Vua Hùng. Đặc biệt, tại đây vào ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong với câu nói bất hủ khắc ghi trong lịch sử dân tộc “Hùng Vương là người sáng lập ra nước ta, đây là tổ tiên của dân tộc ta. Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”… Đến giờ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được nâng lên tầm Quốc gia, trở thành một sự kiện văn hóa lớn của dân tộc. Từ ngày 11-4-2007, Chủ tịch Nước đã ký lệnh công bố sửa đổi bổ sung điều 73 của Bộ luật Lao động ngày 11-4-2007. Theo đó người lao động được nghỉ 1 ngày làm việc và hưởng nguyên lương nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm.

 

 

 

Phần Hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, văn minh, an toàn. Ảnh: Nguyễn Sản (Báo Phú Thọ).

 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu trưng đặc sắc về bản sắc và sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất rộng và không chỉ duy trì ở 326 điểm thờ cúng thuộc các làng, xã thuộc tỉnh Phú Thọ. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có 1.417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam (trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có Đình Hùng Vương nằm ở phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên). Sở dĩ không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức lan tỏa như vậy vì cốt lõi của nó là việc thờ cúng tổ tiên của người Việt. Người Việt, trong gia đình, gia tộc thì tổ tiên của gia tộc mình, ra làng xã thì thờ cúng những người có công lao với làng xã, đến cộng đồng lớn hơn thì thờ Hùng Vương với tư cách là ông tổ của đất nước, vị thủy tổ của dân tộc. Thậm chí, các Việt kiều sống ở nước ngoài khi có dịp cũng “thỉnh” chân hương tại đất tổ để về cắm trên bàn thờ của gia đình mình. Điều đó khẳng định: Ở đâu có người Việt Nam sinh sống thì ở đó có thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Từ nhiều thế kỷ nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh Việt Nam - sức mạnh tiềm tàng để xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, có sự tham gia của 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Bình Phước và Bến Tre, được tổ chức trong vòng 6 ngày, từ ngày 1-4 đến 6-4 (tức từ ngày 5 đến 10-3 âm lịch). Các hoạt động tại Lễ hội Đền Hùng được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng gắn với các hoạt động hội nhằm quảng bá, tuyên truyền sâu rộng 2 di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNECO vinh danh. Lễ hội Đền Hùng được tổ chức vui tươi, an toàn, tiết kiệm, kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại có sức lan tỏa rộng rãi phục vụ cho đồng bào và du khách về dự. Bằng sự nỗ lực hết mình, Ban Tổ chức quyết tâm xây dựng Lễ hội Đền Hùng năm 2017 trở thành một trong các lễ hội mẫu mực của cả nước, đậm đà bản sắc dân tộc, thân thiện với nhân dân và du khách thập phương khi hành hương về với cội nguồn...

 

Theo dòng chảy thời gian, Lễ hội Đền Hùng và Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được tôn vinh ở một tầm cao mới. Giờ đây, việc thờ cúng các Vua Hùng không chỉ ở một vùng, một miền mà đã lan rộng trong cả nước, trở thành một nghi lễ quốc gia, dân tộc. Hiện nay, nhiều di tích thờ Hùng Vương đang tiếp tục được tôn tạo, xây dựng. Những thực thể Đền Hùng ấy đã tạo nên một không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một sự hồi quang của lịch sử, nó có sức sống, sự sáng tạo văn hoá và sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, kết thành ý thức "nguồn cội", nghĩa "đồng bào" và trở thành yếu tố nội lực tạo nên sức mạnh của dân tộc ta trong mọi giai đoạn lịch sử.