Với tên gọi "Thuở trường chinh", chương trình "Giai điệu tự hào tháng 5" sẽ lên sóng VTV1 lúc 21 giờ 40 tối nay, 27/5/2017.
Ngày 2/9/1945, toàn dân nô nức trong ngày hội lớn của toàn dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đánh dấu nền độc lập của nhân dân Việt Nam, sau gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ.
Tuy nhiên, chỉ 21 ngày sau, nền độc lập non trẻ của Việt Nam bị đe dọa với sự trở lại của thực dân Pháp. Biết bao cuộc đàm phán, biết bao nỗ lực để cứu vãn hòa bình bất thành. Cả nước lại bước vào một cuộc “trường chinh” kéo dài tới 9 năm ròng. Trong 9 năm đó, biết bao thanh niên trai trẻ đã lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, theo tiếng gọi của con tim, bước vào cuộc chiến tranh vệ quốc, mở màn cho “30 năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông”...
"Giai điệu tự hào" tháng 5/2017 sẽ kể lại câu chuyện 9 năm kháng chiến bằng âm nhạc, với những bài ca được ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ở đó, không chỉ có những gian khổ hy sinh mà còn có tình đồng chí kề vai sát cánh, sự lãng mạn Cách mạng với những ký ức tuyệt đẹp rất đỗi tự hào của những người chiến sĩ vệ quốc ngày nào...
Trong bầu không khí Cách mạng sục sôi của hơn 7 thập kỷ trước, có một chàng trai trẻ, một đại diện của tiếng nói giới trí thức đã bỏ lại giảng đường, hòa vào đoàn quân kháng chiến. Họ ra đi với niềm tin một ngày trở về: “Hẹn ngày mai chiến thắng chớ quên đường về làng xưa/ Em vẫn mong chờ tới ngày ấy đôi ta cùng mơ...".
Bản thân nhạc sĩ Lê Quý Hiệp, - tác giả của “Đoàn quân đi” – lấy nghệ danh là Việt Lang, nghĩa là “chàng trai đất Việt” thể hiện quyết tâm của những chàng trai trẻ khi đó. Nhà biên kịch Lê Hoàng Trâm – con gái nhạc sĩ Việt Lang – thành viên của Hội đồng bình luận kể rằng: “Bố tôi ghi lại hình ảnh thật, ý nghĩ thật của anh bộ đội Cụ Hồ - những con người làm nên lịch sử để chúng ta thấy rằng thời kỳ kháng chiến chống Pháp gian khổ thế nhưng tất cả vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai chiến thắng. Ở thời đó, không chỉ đoàn quân đi mà toàn dân cùng đi”.
Ca sĩ Nhật Thuỷ với "Đoàn quân đi" được phối khí lại theo hơi hướng Blue, jazz .
Ca khúc“Đoàn quân đi”được nhiều nhà phê bình âm nhạc cho rằng đã thổi một hơi thở mới trong những ca khúc giai đoạn kháng chiến chống Pháp, là mắt xích chuyển hóa ngôn ngữ âm nhạc từ tân nhạc sang dòng ca khúc Cách mạng. Trong "Giai điệu tự hào" tháng 5, “Đoàn quân đi” với giọng ca Nhật Thủy được phối khí lại theo hơi hướng Blue, jazz. Cách hát rất phiêu, điệu và sang của “Thần tượng âm nhạc Việt” Nhật Thủy nhận được rất nhiều lời khen của Hội đồng nghệ thuật.
Ca sĩ trẻ Đinh Mạnh Ninh trở lại với "Giai điệu tự hào" tháng 5 với sáng tác “Niềm thương mến” của nhạc sĩ Phan Vân. Âm nhạc và ca từ của ca khúc là những tình cảm chân thành của những người lính, là lời kêu gọi đoàn kết hỗ trợ nhau của những người xa quê đi làm Cách mạng...
"Niềm thương mến" qua giọng ca của Đinh Mạnh Ninh mộc mạc, chân thành.
Ca từ là hiện thực khốc liệt của cuộc chiến, nhưng giai điệu lại rất nhẹ nhàng, giản dị như thể cuộc chiến chẳng thể chạm đến tinh thần của họ.
Không màu mè, Đinh Mạnh Ninh thể hiện “Niềm thương mến” một cách đầy mộc mạc, chân thành, phác thảo nên hình ảnh đoàn quân Nam tiến. Chính nam ca sĩ chia sẻ rằng, anh muốn hát lại ca khúc này bình dị như tâm tình, tự sự của những người chiến sĩ với nhau trên những con đường chiến dịch.
Trong “Thuở trường chinh”, mỗi người lính khi ra mặt trận còn mang trong mình tình yêu quê hương và nỗi nhớ tha thiết quê nhà. Một nỗi nhớ mênh mang được Nhạc sĩ Hồ Bắc gọi thành tên đầy trìu mến qua ca khúc “Làng tôi” (biểu diễn: Bích Ngọc và tốp ca Sao Mai). Cùng với cây đại thụ Văn Cao và Chung Quân, Nhạc sĩ Hồ Bắc đã tạo nên một hiện tượng của âm nhạc cách mạng Việt Nam khi mà 3 nhạc sĩ không hẹn mà gặp lại cùng lựa chọn hình ảnh quê nhà, hình ảnh ngôi làng nơi mình ra đi để khắc hoạ nỗi nhớ niềm thương và gửi gắm cả những hoài bão, ước vọng giữ được hoà bình cho quê hương.
Khác với suy nghĩ thông thường của nhiều người, theo nhà thơ Hữu Việt, thành viên hội đồng nghệ thuật, bài hát này được sáng tác vào khoảng năm 1949 khi nhạc sĩ mới ở độ tuổi 20, thể hiện mơ ước của nhạc sĩ về một làng quê trù phú yên bình trong hiện thực đầy khói lửa của cuộc chiến. Chính mơ ước ấy tạo nên sức mạnh tinh thần cho mỗi chiến sĩ vệ quốc.
“Làng tôi” trong "Giai điệu tự hào" tháng 5 được thể hiện qua giọng hát của Bích Ngọc – á quân dòng nhạc thính phòng của Sao Mai 2015 với một bản phối mang âm hưởng của điệu swing kết hợp tiếng ghita mang chút hơi hướng country, tạo nên cảm giác vừa thân thuộc vừa mới mẻ.
Tuy không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng tác giả Minh Quốc đã phổ nhạc rất thành công bài thơ nổi tiếng “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. Theo nhạc sĩ Doãn Nho, bài hát này “Tình đồng chí” một vị trí quan trọng trong lịch sử âm nhạc bởi đó bài hát đầu tiên về người lính mang màu sắc trữ tình. Trước khi trở thành người lính, nhà thơ Chính Hữu là một sinh viên ngành Triết học, có lẽ vì thế mà trong thơ của ông có rất nhiều thi ảnh ẩn dụ mà “đầu súng trăng treo” chỉ là một trong số đó.
“Tình đồng chí” đưa NSƯT Tấn Minh trở lại "Giai điệu tự hào" tháng 5 trong một không gian đầy trữ tình.
9 năm kháng chiến, điều làm nên sức mạnh để quân dân ta đi tới ngày thắng lợi chính là thế trận lòng dân. Nơi nào có tiền tuyến, nơi đó có hậu phương. Không chỉ là hậu phương nơi quê nhà của những người lính vệ quốc, theo mỗi bước hành quân của người đi kháng chiến, là một hậu phương kề vai sát cánh, vừa sản xuất tăng gia, vừa nuôi quân, đánh giặc.
Trong một chuyến hành quân lên Tây Bắc như thế, nhạc sĩ Văn An đã sáng tác ca khúc đầu tay của mình mang tên “Đường lên Tây Bắc”. Không chỉ phác nên một bức tranh Tây Bắc đẹp nao lòng, bài hát như còn là dự cảm về một chiến thắng đang đến rất gần.
Về mặt âm nhạc, “Đường lên Tây Bắc” thể hiện tư duy âm nhạc của một thế hệ nhạc sĩ mới: đoạn tuyệt với nhạc tiền chiến để lồng vào đó những hơi thở của thời đại. Cố vấn Thụy Kha chia sẻ: “Lúc ấy là một lứa thanh niên mới, họ tiếp nhận dân ca với tư duy cũng khác trước nên phải nói lên tiếng nói mới”.
Với “Đường lên Tây Bắc”, lần đầu tiên ca sĩ Lan Anh xuất hiện trên sân khấu của "Giai điệu tự hào".
Điểm cuối của cuộc trường chinh 9 năm, cũng là điểm cuối của hành trình "Giai điệu tự hào" tháng 5 là một ca khúc bất hủ của dòng âm nhạc Cách mạng Việt Nam, bản hùng ca “Chiến thắng Điện Biên”, bài hát mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết và thăng hoa tới từng lời ca, giai điệu thì lại như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Đây cũng chính là phần biểu diễn được ê-kip "Giai điệu tự hào" tháng 5 dàn dựng công phu nhất. Người thể hiện là nhóm Bel Canto.
Năm 1954, chỉ ít ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi chiến trường chưa tan mùi thuốc súng, ngay tại Hầm Đờ Cát đã diễn ra một đám cưới đặc biệt, đám cưới lịch sử của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản và Trung tướng Cao Văn Khánh. Gọi là lịch sử bởi nó đánh dấu niềm hạnh phúc riêng tư hòa vào niềm hạnh phúc chung của toàn dân tộc. Bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu hy sinh mất mát là để bảo vệ hòa bình, bảo vệ độc lập, bảo vệ quyền được sống hạnh phúc của mỗi người.
Chương trình "Giai điệu tự hào" tháng 5 cũng sẽ mời đến trường quay nữ bác sĩ sản khoa nổi tiếng Nguyễn Thị Ngọc Toản – người giờ đã gần 90 tuổi và Nhà thơ Hữu Việt – con trai Nhà thơ Hữu Mai, người được chính bác sĩ Toản đưa ra từ trong bụng mẹ.