Chiều 13-6, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện về việc trùng tu di tích, quản lý lễ hội, việc xuống cấp đạo đức của một bộ phận giới trẻ...
Mong muốn có đầu tư thích đáng để phát huy giá trị truyền thống của dân tộc
Về vấn đề quản lý, trùng tu, tôn tạo di tích, đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi: Thời gian qua, việc bảo tồn, tôn tạo di tích gắn với việc phát triển văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, kinh phí cho việc này còn hạn chế, Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục tình trạng trên?
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, cả nước có hơn 40.000 di tích đã được kiểm kê. Hầu hết các di tích này trong tình trạng xuống cấp. Từ năm 2010-2015, Nhà nước có cấp ngân quỹ quốc gia cho việc trùng tu di tích, tuy nhiên từ năm 2016-2017, chương trình này không còn mà chỉ có chương trình phát triển văn hóa; không có nguồn vốn nhà nước mà giao về cho các địa phương quản lý. Hiện nay, Bộ VH-TT&DL không có ngân sách cho việc này mà chủ yếu là huy động từ nguồn xã hội hóa.
Về các loại hình nghệ thuật truyền thống đa dạng, là di sản đặc sắc của dân tộc như múa rối, chèo, cải lương, ca Huế, dân ca Nam Bộ..., Bộ trưởng khẳng định, trách nhiệm bảo tồn là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, các loại hình nghệ thuật này đang gặp nhiều khó khăn vì có ít khán giả, ít người mua vé xem. Điều này khiến cho đời sống của văn nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn. Hiện Bộ đã có chủ trương giới thiệu, quảng bá các loại hình truyền thống này tới khán giả. Cụ thể, quan họ Bắc Ninh, chèo đã được biểu diễn trong Nhà hát Lớn để quảng bá tới đông đảo người dân hơn. Kết quả ban đầu thu được là tích cực, khán giả đến đông và đánh giá cao các chương trình nghệ thuật chất lượng này.
Trước câu trả lời của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, một số ĐB cho rằng, hiện nay, các văn nghệ sĩ của nghệ thuật dân gian gặp nhiều khó khăn do ít “đất” biểu diễn. Ngành Văn hóa nên có những giải pháp để khuyến khích người xem đến với văn hóa truyền thống cũng như có kế hoạch quảng bá cụ thể. Việc đưa nghệ thuật truyền thống vào Nhà hát Lớn là tốt nhưng chưa đủ, bởi lẽ du khách quốc tế và trong nước cần phải được tiếp cận bản gốc của văn hóa dân gian Việt Nam.
Trước những nhận xét này của các ĐB, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định, việc biểu diễn văn hóa ở Nhà hát Lớn là chương trình quốc gia, còn các chương trình phát triển văn hóa truyền thống vẫn đang được duy trì, cụ thể là tại các huyện, xã, thôn, bản đều có các đội văn nghệ. Văn hóa truyền thống đã và đang phát triển tới mọi ngõ ngách của xã hội.
Lễ hội nhiều nhưng chưa “tinh”
Vấn đề quản lý, tổ chức lễ hội cũng được các ĐB đặt ra trong phiên chất vấn.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu vấn đề: việc tổ chức lễ hội, ngoài chuyện tràn lan, thiếu kiểm soát, thì một số lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, kéo dài, một số lễ hội có hình thức đâm trâu, cướp lộc... gây bạo lực, phản cảm. Trong vấn đề này, trách nhiệm của địa phương đến đâu? Liệu có phải là do ngành Văn hóa buông lỏng quản lý?
ĐB Trịnh Thế Hùng (Lâm Đồng) cũng băn khoăn, hằng năm, cả nước có hơn 8.000 lễ hội dân gian, tính ra mỗi ngày có 22 lễ hội, như vậy có phải là quá nhiều hay không? Liệu ngành Văn hóa có quá dễ dãi trong khâu tổ chức?
Trước những chất vấn của các ĐB, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong số khoảng 8.000 lễ hội hiện nay, 88% là lễ hội dân gian. Con số này nhiều hay không cần phải được xem xét, bàn bạc lại. Nếu những lễ hội đó góp phần vào xây dựng, bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thì không nên ngăn cản. Những lễ hội phản cảm, không tốt thì nên xem xét ở góc độ cộng đồng. Bộ trưởng cũng cho biết, năm nay, công tác quản lý lễ hội đã tốt hơn, hạn chế được nhiều lễ hội phản cảm.
Để quản lý lễ hội tốt hơn, Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu các địa phương nâng cao vai trò quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền nguồn gốc của lễ hội; người dân tham gia lễ hội cần có ý thức hơn. Hiện nay, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về quy hoạch lễ hội, từ đó sẽ quy định được việc tổ chức các lễ hội dân gian nên như thế nào, tần suất ra sao...
Nếp sống văn hóa, đạo đức con người luôn được quan tâm
Ngoài những câu hỏi về quản lý di tích, lễ hội, nhiều ĐB cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về những hạn chế trong xây dựng nếp sống văn hóa, lối sống trong một bộ phận giới trẻ, nhất là khi văn hóa ngoại lai xâm nhập.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định, việc xây dựng đạo đức, nếp sống, lối sống con người Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Văn hóa. Hiện nay, vấn đề này đã được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, đề án như: chương trình về văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, văn hóa ứng xử trong gia đình...
“Đây là vấn đề lớn và khó nhưng chúng ta phải làm ngay từ bây giờ”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.