Về thăm xã Bảo Lý, huyện Phú Bình những ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi cảm nhận sự thay da đổi thịt của vùng đất nơi đây. Con đường dẫn vào làng Thượng gồm 3 xóm: Thượng mới, Thượng ngoài và Đình Thượng được trải bê tông phẳng phiu, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương buôn bán thuận lợi. Dọc hai bên đường là những mái ngói rêu phong xen lẫn những ngôi nhà hiện đại được xây dựng kiên cố, khang trang.
Trong quá trình đô thị hóa hiện nay thì làng Thượng vẫn lưu giữ những nét đẹp truyền thống bình dị, gần gũi trong văn hóa Việt Nam, mà điểm nhấn chính là ngôi đình làng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thế hệ này qua thế hệ khác người dân địa phương đã nỗ lực để giữ gìn, tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.
Theo sử sách ghi lại, đình làng Thượng thờ 3 vị nhân thần là Trần Cao Sơn, Quý Minh và Thần Tam Giang. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê Hoàng Triều Vĩnh Khánh (năm 1729-1732). Đình làng Thượng hiện còn lưu giữ những cổ vật quý như: nhà hậu cung có có 8 cột đá xanh, nhiều cổ vật quý khác là chuông đồng, khánh đồng, bia hậu, tượng hậu đá… Những năm kháng chiến chống Pháp, đình chùa làng Thượng còn là nơi đóng quân, sơ tán của một số đơn vị quân đội. Nơi này ghi dấu ấn năm 1950, trong một lần về thăm Trường Quân chính Liên khu Việt Bắc đóng tại làng Thượng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến đình làng và nói chuyện với bà con nhân dân nơi đây. Đây là một sự kiện quan trọng, gắn liền với di tích lịch sử văn hóa đình, chùa làng Thượng, xã Bảo Lý. Từ mảnh đất này, nhiều người con Bảo Lý đã được giác ngộ cách mạng, lên đường bảo vệ Tổ quốc, không ít người đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, được Tổ quốc ghi công.
Trong sự vui mừng trước sự phát triển của quê hương, ông Dương Văn Thi năm nay đã ngoài 90 tuổi nhớ lại: Làng Thượng vinh dự là nơi đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử. Trong kháng chiến chống Pháp, làng Thượng và đình, chùa Thượng là nơi đứng chân của nhiều cơ quan và đơn vị bộ đội. Vào thời kỳ đó, nhiều gia đình trong xã đã nhường nhà làm kho chứa thóc, nuôi quân giải phóng. Năm 1947, Ủy ban hành chính kháng chiến xã Bảo Lý, cơ quan chính trị Khu 12 được đặt tại Đình Thượng. Cũng tại đây, báo Quân Việt Bắc do nhà văn Nguyên Hồng làm chủ bút cũng lấy đình làng Thượng làm trụ sở biên tập và in báo, phục vụ kháng chiến. Và tác phẩm nổi tiếng “Bên kia Sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm đã được ra đời. Với những giá trị lịch sử vô giá, ngày 23-9-2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định công nhận đình, chùa làng Thượng, xã Bảo Lý là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Dẫn chúng tôi đến thăm đình làng Thượng, ông Dương Văn Thiệu, Trưởng xóm Đình Thượng nói: Ngôi đình Làng Thượng được tôn tạo, xây dựng đẹp, bề thế như ngày hôm nay là có sự đóng góp rất lớn của những người con quê hương. Khi xây dựng, tôn tạo, mở rộng, hàng chục hộ trong làng đã hiến đất để mở rộng điểm di tích, đóng góp tiền, ngày công lao động để tôn tạo Đình. Thực tế, năm 2013 dân làng rất vui mừng vì đình, chùa đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài do sự tác động của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh, đình làng bị xuống cấp nghiêm trọng. Việc bảo tồn và xây dựng là một việc làm hết sức thiết thực. Vì đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh mà còn là nơi hội tụ, gắn kết của các thế hệ, để con cháu thể hiện lòng tôn kính, biết ơn công đức của tổ tiên. Để tôn tạo, phát huy những giá trị lịch sử vô giá của di tích, xóm đã tổ chức họp, tuyên truyền, vận động để người dân tích cực hưởng ứng. Các gia đình, dòng họ trở thành cầu nối để trưởng xóm liên hệ vận động kêu gọi những người con xa quê thể hiện trách nhiệm và tình cảm của mình đối với quê hương. Đặc biệt là bà Dương Thị Nhã, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, tỉnh Đồng Nai, một người con xa quê rất vui và tự hào khi góp một phần công sức cho quê hương. Được sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, tháng 6-2016, đình làng Thượng đã được khởi công xây dựng lại. Sau hơn 6 tháng thi công, ngôi đình đã được hoàn thiện gồm các hạng mục: 1 đình nhà 3 gian, 1 gian hậu cung, sân đình, cổng; hồ nước…. tổng kinh phí xây dựng trên 2 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đều do nhân dân, các nhà hảo tâm, con em xa quê đóng góp, trong đó riêng gia đình bà Dương Thị Nhã đóng góp 2 tỷ đồng.
Công trình xây dựng, tôn tạo đình làng Thượng hoàn thành góp phần phát huy giá trị lịch sử văn hoá của di tích, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương, đồng thời nêu cao được các truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần tô đẹp thêm diện mạo vùng quê giàu truyền thống cách mạng Phú Bình.