Khi bàn về phát triển ngành du lịch Thái Nguyên, Tiến sĩ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đúc kết: Thái Nguyên có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, chưa làm cho nguồn tài nguyên đó trở nên hấp dẫn hơn đối với du khách.
Nhiều chuyên gia kinh tế trong, ngoài nước khi đến làm việc tại Thái Nguyên cũng cho rằng: Vùng đất Thái Nguyên nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, với những phong tục tập quán truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, chẳng khác một “mỏ vàng lộ thiên”, nhưng chủ nhân của nó chưa biết khai thác, làm giàu.
Hiện trên địa bàn của tỉnh có 810 di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Nhiều nhất là di tích lịch sử với 510 điểm; di tích tín ngưỡng có 233 điểm và 39 di tích danh thắng, 12 di tích khảo cổ học, 16 di tích kiến trúc nghệ thuật. Song hầu hết các điểm du lịch đều chưa thật sự hấp dẫn đối với du khách.
Từ nhiều năm gần đây, lãnh đạo các cấp, ngành của tỉnh đã đánh giá cao vai trò to lớn của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó được minh chứng thông qua các văn bản chính sách của tỉnh liên quan đến lĩnh vực du lịch, khai thác du lịch, như các đề án, dự án, quy hoạch phát triển du lịch của từng giai đoạn trước mắt và cả lâu dài, trong đó có đề án mang tầm nhìn phát triển du lịch đến năm 2030.
Sự quan tâm của tỉnh đã trực tiếp thúc đẩy ngành Du lịch phát triển, khẳng định được một phần không nhỏ về vai trò, tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhưng một thực tế tồn tại là ngành Du lịch của tỉnh phát triển chưa xứng tầm, bởi do công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tuy đã được triển khai, nhưng còn thiếu hệ thống, chưa thường xuyên; việc kết nối tuor, tuyến, hợp tác giữa cơ quan chức năng và giữa các doanh nghiệp làm du lịch trong vùng chưa được đẩy mạnh. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch. Chất lượng sản phẩm du lịch thấp. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người làm du lịch còn hạn chế, dẫn đến việc chưa khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch.
Thực tế trong 4 năm gần đây, lượng du khách đến Thái Nguyên tăng. Năm 2016, ngành Du lịch của tỉnh đón gần 2,1 triệu lượt du khách, tăng gần 300 nghìn lượt so với năm 2013. Trong đó khách do cơ sở lưu trú phục vụ năm 2016 đạt hơn 900 nghìn lượt, tăng gần 100 nghìn lượt so với năm 2013. Khách quốc tế gần 67 nghìn lượt, tăng gần 35 nghìn lượt (du khách quốc tế được tính cả số người nước ngoài đến Thái Nguyên làm việc). Tổng doanh thu về các dịch vụ xã hội đạt gần 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với năm 2013.
Đã có dấu hiệu khả quan về tăng trưởng trong ngành Du lịch nhưng chưa thực sự bền vững. Hầu hết khi du khách đến Thái Nguyên thăm quan, vãn cảnh theo cách đi cho nhanh rồi về. Du khách thường “đi lướt” qua các điểm Hồ Núi Cốc (Đại Từ), Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đèo De (Định Hóa); Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Không gian Văn hóa Trà Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Thậm chí nhiều du khách từ Hà Nội và các tỉnh miền xuôi qua đường Thái nguyên, đi thẳng lên hồ Ba Bể (Bắc Kạn); lên Cao Bằng thăm thác Bản Giốc, hoặc sang Tuyên Quang tắm suối khoáng Mỹ Lâm; lên Hà Giang thăm cao nguyên đá Đồng Văn.
Du khách “một đi không trở lại” là dấu hiệu buồn đối với bất cứ địa phương nào, nhất là với ngành Du lịch. Bà Ma Thị Lan, xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc, một trong những hộ dân tại địa phương tham gia lĩnh vực du lịch cho biết: Vào các dịp lễ, Tết, du khách về thăm ATK đông, họ rất thích thú khi được vào thăm những ngôi nhà sàn, nghe hát ví bằng tiếng dân tộc, nhưng họ ngại vì đường vào xóm nhỏ hẹp và hiếm lắm mới có khách lưu trú qua đêm.
Ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Du lịch - Khách sạn Dạ Hương; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên cho rằng: Vì thiếu một chợ đêm, một khu vui chơi giải trí, khu ẩm thực thân thiện và khu mua sắm, nên du lịch Thái Nguyên chưa thể giữ được chân du khách lưu trú… Ông Hiệp cho biết thêm: Nhiều du khách phàn nàn khi đến Thái Nguyên thường phải mang tiền về vì chẳng biết tiêu, sắm gì.
Lý do nhiều du khách chưa mặn mà với Thái Nguyên còn bởi một lẽ đơn giản - Thái Nguyên chưa có sản phẩm du lịch chất lượng cao, nhất là trong hoạt động phục vụ du khách; các đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân liên quan tới du lịch chưa có sự liên kết chặt chẽ, không tạo được chuỗi trong các hoạt động du lịch, nên gây cho du khách cảm giác chưa thật thoải mái khi bỏ tiền cho một số dịch vụ du lịch tại Thái Nguyên.
Ngành Du lịch của Thái Nguyên còn sơ đẳng, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên lĩnh vực này chưa thật sự có nghề, còn vừa làm, vừa thăm dò, rút kinh nghiệm. Mong du lịch Thái Nguyên sớm cùng du lịch của cả nước thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017. Và mong hình ảnh về mảnh đất, quê hương, con người Thái Nguyên ngày càng được đẹp hơn trong mắt du khách.