Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm di tích lịch sử Đền Xương Giang, phường Xương Giang (T.P Bắc Giang). Nơi đây, năm 2009, đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Từ đằng xa, dáng vóc một khu di tích bề thế, uy nghi khiến đoàn tham quan chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Quả thật không hổ danh là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của ông cha cách đây ngót 6 thế kỷ. Khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng với cây xanh rợp bóng mát dẫn chúng tôi vượt qua cổng Tam quan để tiến thẳng vào sân hội lớn. Phía bên trái sân là tả vu và lầu chuông, bên phải sân là hữu vu và lầu trống. Trung tâm quần thể di tích là công trình Đền Xương Giang có diện tích 1,3ha. Điểm đặc biệt của ngôi đền có lẽ phải kể đến hệ thống hoành phi câu đối đều được viết bằng chữ Quốc ngữ để tiện cho khách tham quan theo dõi, tấm bảng tự Đền Xương Giang được sơn son, thếp vàng nổi lên trên nền đỏ rực rỡ cả một vùng. Thông tin thêm về ngôi đền, ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng Ban Quản lý Đền Xương Giang cho biết: Đền Xương Giang được tỉnh, T.P Bắc Giang khởi công xây dựng từ năm 2012 trên diện tích 10ha với tổng kinh phí đầu tư trên 230 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh và nguồn xã hội hóa). Đầu năm 2017, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 590 năm chiến thắng Xương Giang. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử mang đậm tính nhân văn, là nơi để thế hệ hôm nay và mãi mai sau thể hiện sự tôn kính, ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã có công giữ nước.
Vừa dẫn chúng tôi bái lễ qua 3 tòa: Tiền bái, Thiêu hương và Chính cung, ông Nguyễn Ngọc Hải vừa kể tỉ mỉ cho chúng tôi nghe về lịch sử của ngôi đền. Theo đó, Đền Xương Giang ngày nay là vị trí trung tâm của Thành cổ Xương Giang, do nhà Minh xây dựng năm 1407. Sau khi xâm lược nước ta, nhà Minh đã cho xây dựng các sở vệ, đắp thành lũy ở những nơi xung yếu để phòng thủ. Thành Xương Giang khi đó trở thành thành lũy kiên cố của giặc Minh, án nữ trên con đường dịch trạm từ Quảng Tây (Trung Quốc) nối với Đông Quan (tức Hà Nội ngày nay). Các dấu tích còn lại cho thấy Thành Xương Giang nằm trên một gò đồi thấp, được đắp bằng đất, có sông nhỏ và các thửa ruộng trũng bao quanh. Thành có hình chữ nhật với tổng diện tích là 27ha. Trong thành được phân chia thành các khu vực rõ ràng: Dinh thự, doanh trại, kho lương, kho đạn... Thành Xương Giang được xem là trung tâm của chiến trận và có ý nghĩa quyết định trong Chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang khi năm 1427, Lê Lợi chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn công thành, phá tan quân Minh do Liễu Thăng cầm đầu. Đây chính là chiến thắng quyết định cho nền độc lập của dân tộc ta ở thế kỷ thứ XV, lật đổ ách thống trị bạo tàn của nhà Minh kéo dài 2 thập kỷ, đồng thời mở ra trang mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước vinh quang của dân tộc. Cũng từ đây, vua Lê Lợi lập nên triều đại mới, (triều hậu Lê) và đổi tên nước là Đại Việt. Để tưởng nhớ công ơn của Người và kỷ niệm chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn, hàng năm, tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội vào ngày mùng 6-7 tháng Giêng, thu hút đông đảo khách thập phương dự hội.
Sự hiện hữu của khu di tích hôm nay chính là biểu tượng sức mạnh, tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam, đồng thời, nhắc nhớ con cháu đời sau khắc ghi công ơn của Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi cùng các bậc hiền tài, nghĩa sĩ đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trên mảnh đất lịch sử hào hùng. Với ý nghĩa đó, ngày nay, Đền Xương Giang không những là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân Bắc Giang và du khách thập phương mà còn là nơi để học sinh trên địa bàn tỉnh thăm quan, tìm hiểu về lịch sử Đền, giáo dục truyền thống cho học sinh về tinh thần giữ nước của dân tộc. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Đền Xương Giang đã đón trên 20 nghìn lượt khách đến tham quan…