Bác sĩ trẻ “giữ lửa” tiếng Then

07:48, 09/08/2017

26 tuổi, bác sĩ Ma Văn Ngọc được biết đến là người trẻ nhất của huyện Định Hóa có giọng hát Then mượt mà, trầm ấm hòa trong tiếng đàn Tính ngân nga dìu dặt. Đam mê hát Then, mỗi khi rảnh, bác sĩ Ngọc lại tìm tòi, sưu tầm các làn điệu Then và truyền dạy cho nhiều người.

Anh Ma Văn Ngọc sinh ra và lớn lên ở bản Kèn, xã Tân Dương. Mảnh đất sinh sống của đồng bào dân tộc Tày và là cái nôi ra đời của hát Then Định Hóa. Vì thế, từ thủa lọt lòng nằm nôi, những câu hát Then Tày của mẹ, của ông nội như thấm dần vào tâm hồn anh…

 

Mê mẩn tiếng Then

 

Anh Ngọc hẹn gặp chúng tôi tại Phòng khám tư nhân 19Ab (thị trấn Chợ Chu, Định Hóa) - nơi anh đang làm việc. Tác phong đĩnh đạc, vẻ mặt có chút trầm tư, với sự am hiểu về hát Then khiến anh Ngọc trông già dặn, chín chắn hơn so với tuổi. Anh kể: “Từ nhỏ tôi đã được nghe ông nội hát Then. Ông tôi là cố nghệ nhân dân gian nên am hiểu và hay truyền dạy cho con cháu. Những lúc nông nhàn hay sau bữa cơm tối, mọi người ngồi quây quần bên nhau và nghe ông hát”. Cũng theo anh Ngọc, người dân bản Kèn yêu mến tiếng then, coi đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Nhà nào cũng có 4-5 cây đàn tính, còn già làng trong bản ai cũng thuộc nằm lòng vài đường Then cổ. Anh hay theo ông đi nghe các cụ trong bản biểu diễn. Dần dà điệu Then thấm vào máu thịt và làm anh say mê từ lúc nào không hay.

 

Hai mươi năm qua, anh Ngọc duy trì luyện tập đánh đàn Tính, hát Then mỗi ngày. Qua tiếng đàn, lời hát anh cảm thấy tâm hồn được vỗ về, tìm thấy người bạn tâm giao chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Sau mỗi ngày làm việc bận rộn tại phòng khám, niềm vui của anh là được đi theo các cụ cao niên, lặn lội tìm gặp các nghệ nhân dân gian trong vùng để tìm hiểu cách hát, sưu tầm làn điệu Then, rồi tỉ mỉ ghi chép lại. Ban đầu, họ cảm thấy lạ vì xưa nay ít có người trẻ như anh Ngọc hay đi theo hỏi han về Then, ghi chép thông tin và mày mò luyện tập. Nhưng cũng cảm thấy mừng vì có người trẻ đam mê, kế thừa và phát huy nghệ thuật này. Máu đam mê sẵn có nên anh Ngọc ghi nhớ và tiếp thu rất nhanh những lời chỉ bảo của các bậc cao niên và nghệ nhân. Theo thời gian, anh Ngọc hát đúng nhịp, biết cách thể hiện tình cảm vào lời hát Then hơn. Những ngón đàn điêu luyện (móc, vỗ, rung, vuốt đàn) bây giờ không còn làm khó anh. Mỗi ngày, điệu Then của anh vừa dìu dặt, rộn rã nhưng vẫn êm ái, cuốn hút. Anh Ngọc khiêm tốn nói: “Nhờ luyện tập và được các bậc cao niên chỉ bảo, tôi thạo “vài đường Then” từ mươi năm nay… dù chưa bằng anh, bằng chị nhưng vinh dự một số lần được biểu diễn chung với nghệ nhân trong vùng như Hoàng Luận, Hoàng Thị Hồng và Lưu Xuân Liện”.

 

Truyền lửa đam mê

 

Hiện người trẻ biết hát Then như anh Ma Văn Ngọc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người già biết hát cũng ít đi. Vì thế, nếu không được lưu truyền sẽ có nguy cơ bị mai một. Anh Ngọc tự thấy mình cần có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn hát Then. Qua tìm hiểu anh thấy bà con, nhất là người Tày vốn yêu điệu Then, chỉ cần có người truyền dạy sẽ khơi được niềm say mê trong họ. Năm 2014, anh đem suy nghĩ đó đến với nhiều người yêu tiếng Then, đàn Tính mà mình quen biết và bàn cách “tiếp lửa” thêm cho nhiều người. Mọi người tán thưởng và cùng anh lập nên nhóm “sở thích hát Then”. Ban đầu, nhóm có mười thành viên và được anh trực tiếp truyền dạy để trở thành những “hạt nhân” văn nghệ nòng cốt của nhóm.

 

Anh Ngọc chia sẻ: “Tất cả đến với nhau bằng niềm say mê với hát Then, đàn Tính. Không có học phí hay bất cứ một khoản đóng góp nào. Sau hơn 2 năm hoạt động, đến nay, nhóm đã thu hút được trên 30 người, tuổi từ 15-80, được tập luyện vào các buổi tối ngay trong nhà thành viên”. Anh Ngọc truyền dạy chủ yếu bằng kinh nghiệm và kiến thức tích lũy của bản thân. Phương pháp truyền giảng theo lối truyền miệng và uốn nắn từng câu hát. Lúc đầu, do chưa quen với âm điệu, nhịp phách của Then một số thanh niên và người lớn tuổi tỏ vẻ chán nản. Thế nhưng anh đã động viên họ cố giữ lấy âm điệu của quê hương. Nhờ sự tâm huyết, các thành viên giờ đã trở thành những “hạt nhân” văn nghệ ở cơ sở. Và mỗi khi địa phương có liên hoan văn nghệ hay lễ hội thì nhóm sở thích hát Then lại đến giao lưu, biểu diễn. Cũng từ đó, hình ảnh bác sĩ trẻ hát Then cũng được mọi người biết đến nhiều hơn.

 

Năm 2015 “Nghi lễ Then của đồng bào dân tộc Tày được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia”. Huyện Định Hóa có 24 Câu lạc bộ hát Then, đàn tính ở các xã, thị trấn. Do đó, huyện và tỉnh có chủ trương mở các lớp truyền dạy, lưu giữ làn điệu Then. Anh Ma Văn Ngọc khi đó đã được tin tưởng mời đứng lớp “truyền lửa” cho các học viên. Chính vì thế, ngoài vai trò chủ nhiệm nhóm sở thích, anh dành toàn bộ thời gian rảnh cho các lớp hát Then tại Nhà văn hóa của xóm, bản. Hiện nay, anh chủ nhiệm 24 lớp với trên 300 học viên ở các độ tuổi khác nhau.

 

“Am sách khẩn thâng bản lườn ư… Cạ tào lỵ… cạ slư nọng ý” (Ôm chồng sách lên bản vùng cao… Cô giáo lên bản dạy chữ...) tiếng hát của anh Ngọc cất lên như thay lời chia tay chúng tôi. Mỗi câu hát lại đưa đẩy suy nghĩ của mọi người đến với núi rừng, niềm trân trọng về người bác sĩ trẻ đang từng ngày góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của điệu Then, đàn tính cho quê hương…